Tình cảm của Bác qua những bức thư gửi cho ngành giáo dục
- Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2013 | 2:43:07 PM
YBĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, thiên tài của dân tộc Việt Nam - người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng luôn dành những tình cảm và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, bởi đó là điều mong muốn lớn nhất của Người - "ai cũng được học hành".
Cô và trò Trường Mầm non Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu trong giờ học.
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Trở lại với bối cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bộn bề khó khăn của một Chính phủ lâm thời phải chống chọi với các thế lực thù địch nhưng Bác vẫn đặc biệt quan tâm tới giáo dục.
Trong bức thư đầu tiên gửi ngành giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân ngày khai trường đầu tiên (tháng 9 năm 1945) đã thể hiện đầy đủ và sâu sắc tấm lòng bao la của Bác dành cho các em học sinh: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 90 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Bác dặn: "Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ". (Thư gửi cho học sinh năm 1945)
Với các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, Bác động viên, khen ngợi, khích lệ, động viên mọi người phải thực sự thực hiện tốt phương châm: Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, nền giáo dục phải phù hợp và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Như vậy Bác có ý chỉ đạo nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục cần được quan tâm sửa đổi, đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng và thời đại, Bác viết: "Về vấn đề giáo dục, tôi có mấy ý kiến sau đây cống hiến với Hội nghị: Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc"; chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho phù hợp với đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc". (Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc - tháng 7 năm 1948).
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng như thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác luôn có thư gửi cho các cấp lãnh đạo, các cấp học, ngành học, các học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, các lực lượng tham gia "diệt dốt" xóa nạn mù chữ để động viên, khen ngợi, căn dặn và yêu cầu rất kịp thời như: "Thư gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ" (1946); "Thư gửi ông Trưởng Ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh" ( 1948); "Thư gửi nam nữ chiến sĩ Bình dân học vụ" ( 1948)… Đồng thời, Bác luôn nhắc nhở việc tổng kết để có kết quả tốt hơn.
Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, Bác đã kí Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội và tháng 10/1946 Bác đã ký Sắc lệnh số 194/SL thành lập ngành học sư phạm - tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay. Bác đã ân cần căn dặn: "Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước" và "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh". Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều nhà giáo đã hăng hái xung phong tình nguyện lên công tác miền núi, nhiều nhà giáo đã trưởng thành và gắn bó với giáo dục miền núi trọn đời mình.
Năm 1968, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh nhưng Bác vẫn ân cần căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật".
Bác còn chỉ rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới". (Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới - Báo Nhân dân, số 5299, ngày 16/10/1968).
Đọc lại những bức tâm thư của Bác, ở thư nào Bác cũng thăm hỏi, chúc mừng, khen ngợi, động viên khích lệ và luôn căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi và yêu cầu đối với giáo dục trong việc đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc cần thiết. Cùng với sự phát triển của đất nước, trước thực trạng của giáo dục nước nhà, Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mới thấy lời dạy của Bác qua những bức thư gửi cho ngành giáo dục có ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc.
Trong bức "Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng" (ngày 31/10/1955), Bác viết: "Mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này: Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu".
Mặc dù Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng những lời tâm thư của Bác từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (1968) vẫn còn nguyên tính thời sự. Mỗi người chúng ta cần nghiêm túc thấm nhuần lời dạy của Bác để tiếp tục thực hiện tốt hơn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Hà Văn Lợi
Các tin khác
YBĐT - Trong các chương trình hoạt động công tác Đoàn, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Sự đầu tư kinh phí, con người để tổ chức các hoạt động này thể hiện ý chí quyết tâm của ban lãnh đạo Tỉnh đoàn cùng cộng đồng đẩy lùi tệ nạn ma tuý, xây dựng cuộc sống lành mạnh, ấm no hạnh phúc cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
21 giờ đêm 4/9, tại thôn Cán Hồ A, xã Bản Quang, huyện Sa Pa, Lào Cai, xảy ra sự cố lở núi làm 22 người thương vong, trong đó có 11 người chết và mất tích.
YBĐT- Triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp, đến nay, việc khắc phục tình trạng thả rông gia súc; xóa bỏ tình trạng tảo hôn, đòi và nhận lễ cưới cao, đám cưới đúng tuổi quy định, đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật; văn minh trong việc tang... ở Trạm Tấu (Yên Bái) đã có chuyển biến rõ rệt.
YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2013 - 2014 và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước.