Lục Yên: Nhiều công trình cấp nước kém hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2013 | 9:02:03 AM

YBĐT - Trong những năm qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã đầu tư không ít kinh phí để xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện có nhiều công trình không đi vào hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Nhờ thu phí và quản lý tốt, công trình nước sạch xã Liễu Đô hoạt động hiệu quả.
Nhờ thu phí và quản lý tốt, công trình nước sạch xã Liễu Đô hoạt động hiệu quả.

Giai đoạn 2006 - 2011, Lục Yên đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng 18 công trình cấp nước (CTCN) ở 17 xã, tổng mức đầu tư 29,4 tỷ đồng, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 2.645 hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình xây dựng xong chỉ để “ngó” chứ không hoạt động, nhiều công trình hoạt động “cho có” chứ không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí tiền của trong khi người dân không được hưởng lợi như mong muốn.

Trong số 18 CTCN đã được đầu tư xây dựng, có 3 công trình bị hỏng là CTCN thôn 2 Khe Chắp ở xã Động Quan, hai CTCN thôn 5, 6 và thôn Khe Đá Mài ở xã Tô Mậu; 4 công trình khác đang hoạt động nhưng hiệu quả kém, thường xuyên thiếu nước; 4 công trình khác đang thi công nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch tới 2 năm.

Theo ông Lê Đình Tiến - Trạm trưởng Trạm Quản lý Thủy nông & Nước sạch huyện, đối với mô hình tổ chức quản lý và nhân lực quản lý vận hành CTCN, ở Lục Yên có mô hình quản lý do Trạm Thủy nông huyện trực tiếp vận hành và thu phí như: công trình cấp nước Từ Hiếu - xã Mường Lai, công trình cấp nước thôn Cây Mơ - xã Liễu Đô và công trình thôn Khau Xén - xã An Phú là hoạt động hiệu quả. Còn lại hầu hết các công trình đang hoạt động khi giao về cho xã, cộng đồng quản lý thì hiệu quả không cao.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều mô hình quản lý đã bộc lộ sự yếu kém về nhiều mặt, trong đó mô hình cộng đồng quản lý là kém nhất. Phần các công trình giao cho UBND xã quản lý nhưng xã giao lại cho trưởng thôn làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, hình thức này được gọi là cộng đồng tự quản lý. Trưởng thôn không được đào tạo, không được trả lương quản lý, không có kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ và không quy định thu phí sử dụng nước.

Nguyên nhân kém hiệu quả từ đó mà ra. Mô hình UBND xã quản lý nhiều CTCN nhưng việc tổ chức quản lý, vận hành công trình cũng không đúng quy định; người quản lý, vận hành công trình chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, thường là những nông dân làm việc bán thời gian theo nhiệm vụ của UBND xã giao và hưởng lương từ UBND xã, tinh thần phục vụ không cao nên nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng. Tình hình tài chính của mô hình này cũng không minh bạch, rõ ràng. Hoạt động quản lý tài chính thu phí nước và chi phí khác tại UBND các xã quản lý CTCN, vấn đề này chưa rõ ràng, minh bạch giữa quản lý Nhà nước cấp xã và hoạt động sự nghiệp có thu. Đối với công trình do cộng đồng quản lý, việc tự thu, tự chi không có cơ quan kiểm soát.

Từ thực tế ở Lục Yên cho thấy, đã đến lúc cần có một cơ sở bồi dưỡng cho công nhân quản lý vận hành ở các địa phương và giao cho các trung tâm nước sạch, trạm thủy nông các huyện quản lý, vận hành công trình có quy mô lớn và kiểm soát chất lượng nước CTCN sinh hoạt nông thôn. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể chế tài đối với các đơn vị quản lý cấp nước vi phạm chất lượng nước.

Đặc biệt, vấn đề khảo sát thực tế lựa chọn địa điểm xây dựng công trình cần phải làm chặt chẽ hơn. Thực tế, có một số công trình khi tiến hành khảo sát không có sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương dẫn đến nhiều công trình làm xong thiếu nước trầm trọng, chỉ đảm bảo chưa đầy 10% năng lực thiết kế.

Anh Dũng

Các tin khác

Ngày 11-9, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết sáu năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NÐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại năm điểm cầu: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Ðà Nẵng, TP Cần Thơ và TP Vinh.

Tàu BlueCruiser đưa du khách nước ngoài đi từ Châu Đốc (An Giang) sang Phnom Penh

Ngày 11-9, lần đầu tiên bộ trưởng phụ trách du lịch năm quốc gia trong Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong (ACMECS) Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và VN đã ngồi lại bàn cách hợp tác phát triển du lịch, trong đó có đề xuất phương án dùng chung thị thực (visa) cho du khách nước ngoài.

Mỗi tảng đá nặng tới hơn 10 tấn đè sập nhà dân

4 viên đá lớn hơn 50 tấn rơi từ trên núi xuống đè sập 3 nhà dân.

YBĐT - Có thể nói, tồn tại lớn trong quá trình thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động hiện nay chỉ gói gọn trong hai từ: "trốn đóng" và "nợ đọng".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục