Đi “rùa bò”, về “tên lửa”
- Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2013 | 9:05:30 AM
YBĐT - Có thể nói, ngành vận tải hành khách ở Yên Bái khá phát triển, mỗi ngày có đến cả trăm đầu xe hoạt động trên các tuyến ngoại tỉnh và nội tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực mà các nhà xe đem lại, còn không ít hạn chế, yếu kém cần sự thay đổi từ phía lái xe, phụ xe và sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát giao thông.
Cần xây dựng những điểm dừng đón trả khách để góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Thảo My)
|
Theo quy định cứ có lệnh là xe xuất bến nhưng xuất rồi chạy như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của lái xe. Có chăng cũng chỉ là quy định lốt trước không quá chậm để lốt sau đè lên ở tuyến Yên Bái - Hà Nội mà thôi. Do có sự cạnh tranh giữa các nhà xe rất cao và để khắc phục tình trạng xe xuất bến rồi chạy lòng vòng bắt khách, Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ đã quy định thời gian xe chạy trên đoạn từ Bến xe khách Yên Bái đến Km 13 (Yên Bình) và lập trạm kiểm soát ở điểm cuối nên tuyến xe này hạn chế được phần nào những chiếc xe chạy như thể rùa bò trên đường.
Sự ràng buộc này giống như quy chế của hiệp hội chứ không phải là văn bản pháp lý! Trong điều kiện đường sá thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định tốc độ tối đa xe chạy chứ không quy định tốc độ tối thiểu nên xe khách Yên Bái, đặc biệt là những chiếc xe chạy nội tỉnh cứ “bò” từng mét trên đường, có lúc, có xe ô tô chạy “nhanh” như… người đi bộ.
Lên chiếc xe khách Yên Bái đi Văn Chấn xuất bến lúc 7 giờ sáng mà xe cứ đủng đỉnh đi từ bến xe lên trước cửa ga Yên Bái, đỗ ở đó khoảng 10 phút, rồi lại “bò” lên đầu cầu Yên Bái, đỗ thêm ít nhất 5 đến 10 phút nữa rồi mới qua cầu đi Văn Chấn. Tổng cộng cho đoạn đường từ bến xe lên đến cầu Yên Bái khoảng 2 km, chiếc xe này “bò” hết khoảng 20 đến 30 phút. Xin được nói thêm rằng, đây là một thí dụ rất nhỏ trong vô số các xe giữ kỷ lục về sự “rùa bò”. Nói cho đúng hơn, xe khách nội tỉnh nào cũng chạy chậm như thế! Tuyến xe khách Yên Bái đi Văn Yên như: An Thịnh, Đại Sơn, Trái Hút… trước khi vào bến đã chạy vòng vo bốc hàng, bắt khách, khi được lệnh xuất bến lại tiếp tục bắt khách và bốc hàng dọc đường.
Theo quan sát của chúng tôi, độ “lê la” của các xe đi Lục Yên, Yên Bình cũng rất đáng nể! Ngoài chạy chậm, bắt khách dọc đường, những chiếc xe này thường xuyên chạy vòng sang đường Kim Đồng (TP Yên Bái) để vào cổng Bệnh viện tỉnh bắt khách. Đến ngã ba Km 9 (Yên Bình) dù không phải bến bãi nhưng xe nào cũng đỗ lại ở đó ít nhất 30 phút, có khi là cả tiếng đồng hồ với ý đồ đón khách đi xe từ Hà Nội lên. Khu vực ngã ba Km 9 đã trở thành địa điểm lý tưởng để dừng xe đón khách và ở khu vực này có đến hai hộ gia đình treo bảng biển “Điểm đón khách Lục Yên, Bảo Yên, Lào Cai”, có niêm yết giá vé đàng hoàng, không khác gì bến xe thật.
Từ rất lâu, đoạn đường ngắn và chật hẹp trước cửa ga Yên Bái đã trở thành “bến” của không chỉ những chiếc xe đi tuyến Văn Chấn hay Văn Yên mà còn của cả các xe chạy tuyến Lục Yên, Yên Bình. Phớt lờ các quy định, những xe khách dù to, dù nhỏ xuất bến rồi lẽ ra đi xuôi Yên Bình nhưng chúng lại quay ngược lên ga Yên Bái và nằm ở đó vài chục phút để đón tàu từ Lào Cai về.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có vẻ như lực lượng chức năng đang bỏ qua lĩnh vực vận tải nội tỉnh. Do thiếu sự quản lý, kiểm tra nên xe nội tỉnh chất lượng rất thấp, chủ yếu dùng để chở hàng, xe nào xe nấy hàng chất trên nóc, chất đống trong khoang hành khách với đủ thứ như: bao tải, hộp xốp, thùng sắt… chứa đầy hoa quả, rau cỏ, hàng sắt, hàng nhựa…
Ông Nguyễn Văn Hùng làm nghề tài xế xe khách lâu năm cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi những chiếc xe khách nội tỉnh là “xe chợ” nghĩa là những chiếc xe này phục vụ những người buôn bán là chính. Họ dùng xe khách để chở hàng từ thành phố đi các xã, các huyện và gom nông - lâm sản ở đó về thành phố bán kiếm lời”.
Không chỉ chạy như rùa bò, xe khách nội tỉnh đã có 2 bến cóc ở cửa ga Yên Bái và khu ngã ba Km 9.
Khi biết chúng tôi muốn phản ánh sự chậm chạp, vòng vo của những chếc xe khách nội tỉnh lên công luận, các bác tài đều nhăn nhó nói: “Vất vả lắm các anh ơi, đường ngắn giá vé thấp, khách rất ít, lỡ ra đường rồi thì cố chạy như anh xe ôm thôi”.
Nghe các bác tài nói rất dễ cảm thông nhưng thực tế giá vé nội tỉnh không hề thấp. Bước lên chiếc xe cũ kỹ, nổ phành phành, không điều hòa, không quạt gió, có đến 1/3 khoang hành khách là hàng hóa, chạy tuyến Vũ Linh dù khách có đi đến Hán Đà hay Thác Bà thì phụ xe cũng thu đủ 40 nghìn đồng, giá vé từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ: 65 nghìn đồng, đi Lục Yên: 70 nghìn, đi Trạm Tấu 70 nghìn, đi Mù Cang Chải 110 nghìn đồng… trong khi giá vé Yên Bái đi Mỹ Đình, xe mới, chất lượng cao, điều hòa mát lạnh, nhà xe phục vụ cả khăn lạnh và nước khoáng mà giá vé cũng chỉ 100 đến 110 nghìn đồng.
Một chủ xe cho biết: “Sự khác biệt giữa xe nội tỉnh và xe ngoại tỉnh, đặc biệt là xe đi Hà Nội là rất lớn. Khai thác tuyến Yên Bái - Mỹ Đình hay Yên Bái - Giáp Bát, xe phải chất lượng tốt, phí bến bãi lớn, vé cầu, vé đường cao, mức độ rủi ro lớn, đó còn chưa kể tới rất nhiều các khoản chi khác, trong khi chạy tuyến nội tỉnh thì hoàn toàn ngược lại. Không ít người đầu tư xe chạy tuyến Hà Nội chỉ một thời gian ngắn là vỡ nợ, trong khi những người chạy tuyến nội tỉnh thì an lành hơn rất nhiều”.
Nếu như toàn bộ những chiếc xe nội tỉnh cứ xuất bến là chạy như rùa bò để cố gắng bắt thêm khách thì ngược lại những chiếc xe ngoại tỉnh, đặc biệt là tuyến Yên Bái - Hà Nội khi sắp kết thúc hành trình (sắp về đến bến Yên Bái) lái xe điều khiển xe chạy như điên (đặc biệt là đoạn từ Km 6 về tới bến Yên Bái). Khó có thể tìm được một lý do gì xác thực để giải thích cho hiện tượng này. Không ai ép giờ, không phải tranh khách nhưng cứ về đến Km 6 là những chiếc xe này lại lồng lên khiến người đi đường kinh hãi. Không ít những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người đã xảy ra do những chiếc xe này gây nên. Mới đây là vụ tai nạn gây chết người ở dốc Km 2 thuộc phường Yên Ninh và trước đó là vụ tai nạn ở trước cổng chợ Đồng Tâm thuộc Km 4 (TP Yên Bái).
Khi đặt câu hỏi: “Còn mấy cây số nữa là về tới bến, vì sao lại chạy nhanh như thế?”, mỗi lái xe giải thích một kiểu: “Hứng lên thì chạy thôi”, “Giống như vận động viên thể thao, sắp về tới đích là cố sức cho có cảm giác chiến thắng”… Tóm lại toàn những lý do khó cắt nghĩa khiến người đi đường kinh hãi và cả những vụ tai nạn thương tâm.
Để khắc phục tình trạng xe khách Yên Bái khi đi như “rùa bò”, lúc về “như tên lửa” nói trên, ngành chủ quản và các nhà xe phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của lái, phụ xe, không vì lợi nhuận mà bất chấp trật tự vận tải, trật tự giao thông và an toàn tính mạng của người và phương tiện. Các ngành chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, không bỏ qua những lỗi vi phạm như: chạy vòng vo bắt khách, chứa quá nhiều hàng hóa trong khoang hành khách, chất hàng quá cao trên nóc xe, dẹp bỏ bến dù, bến cóc ở trước cửa ga Yên Bái và khu ngã ba Km 9, xử lý xe khách vi phạm lỗi tốc độ, đặc biệt là những chiếc xe từ Hà Nội về chạy trên đường phố Yên Bái. Bên cạnh đó, sớm quy định điểm dừng đón trả khách dọc tuyến đường từ cầu Yên Bái vào đến Km 12 để hành khách thuận tiện hơn trong đi lại cũng như góp phần quan trọng lập lại trật tự vận tải khách.
Anh Đào
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã đầu tư không ít kinh phí để xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện có nhiều công trình không đi vào hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Ngày 11-9, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết sáu năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NÐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại năm điểm cầu: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Ðà Nẵng, TP Cần Thơ và TP Vinh.
Ngày 11-9, lần đầu tiên bộ trưởng phụ trách du lịch năm quốc gia trong Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong (ACMECS) Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và VN đã ngồi lại bàn cách hợp tác phát triển du lịch, trong đó có đề xuất phương án dùng chung thị thực (visa) cho du khách nước ngoài.