Có nước sạch nhờ người trách nhiệm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2013 | 2:48:31 PM

YBĐT - Công trình nước sạch Co Chanh có bể chứa 27m3, hoàn thành đã bàn giao lại cho Ban Quản lý nước sạch xã Minh Xuân vận hành từ năm 2007. Đển nay vẫn duy trì hoạt động hiệu quả nhờ vào ý thức tự quản của chính quyền và nhân dân địa phương.

Niềm vui có nước sạch
Niềm vui có nước sạch

Trong khi có nhiều công trình nước sạch chỉ đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã không thể hoạt động được do xuống cấp, do không có kinh phí hoạt động thì công trình nước sạch Co Chanh, xã Minh Xuân (Lục Yên) từ năm 2007 đến nay vẫn hoạt động tốt. Số lượng khách sử dụng nước tăng song các hộ dân vẫn được sử dụng nước sạch thường xuyên, đảm bảo. Đó là nhờ có một đội ngũ quản lý có trách nhiệm cùng với ý thức tự giác bảo vệ công trình của nhân dân.

Nước sạch, dân khỏe

Chúng tôi đến gia đình Trưởng thôn 19 La Văn Kiêm ở xã Minh Xuân, một khách hàng của công trình nước sạch Co Chanh. Trưởng thôn vui mừng cho biết, trước đây, nhân dân thường xuyên đối mặt với cảnh thiếu nước vào mùa khô, nhiều gia đình phải vất vả đi vài cây số để xin từng xô nước. Một số hộ đào được giếng thì cũng phải sâu tới 14 - 15m nhưng nguồn nước cũng thường xuyên bị cạn kiệt vào mùa khô, chất lượng nước không đảm bảo, nhân dân trong vùng thường xuyên mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Kể từ khi có công trình nước sạch Co Chanh, các hộ dân thôn 19 đã vui mừng đăng ký sử dụng, nguồn nước được cung cấp đều đặn, đầy đủ 24/24h.

Trưởng thôn La Văn Kiêm cho biết thêm: “Được sử dụng nguồn nước sạch, bà con phấn khởi lắm! Không còn lo đi xin nước, cuộc sống của người dân cũng ổn định hẳn, các bệnh về đường tiêu hóa giảm đáng kể”.

Đảm bảo nguồn nước sạch được sử dụng lâu dài, phục vụ đông đảo người dân, Trưởng thôn La Văn Kiêm thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con về ý thức bảo vệ đường ống nước, không đào rãnh hay làm bất cứ hoạt động nào chạm vào đường dẫn nước cũng như vận động bà con sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích. Làm gương cho các hộ, mỗi tháng, gia đình Trưởng thôn cũng chỉ dùng 4 đến 5 khối nước đồng thời đóng tiền đầy đủ theo hợp đồng.

Niềm vui càng rõ hơn đối với gia đình chị Dương Thị Uyên là một hộ có kinh tế khó khăn. Trước khi có công trình nước sạch này, chị phải bán cả lợn, gà để nhờ anh em đào giếng nước. Địa hình cao nên giếng phải đào sâu tới 15m nhưng cũng chỉ được 1m nước. Vào mùa khô, giếng cạn, chị lại phải gánh xô đi xin nước hàng ki-lô-mét. Từ khi được sử dụng nước sạch, chị đã không còn lo thiếu nước, nguồn nước đảm bảo nên gia đình chị ai cũng khỏe mạnh.

Chị cho biết: “Nguồn nước này rất đảm bảo, không lo thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm, nhà tôi chỉ dùng nước sạch để nấu ăn, còn giặt giũ hay nấu cám lợn thì lấy nước giếng. Nếu cứ dùng thoải mái quá thì các hộ khác sẽ thiếu nước”.

Đội quản lý tận tâm

Công trình nước sạch Co Chanh có bể chứa 27m3, sau khi hoàn thành đã bàn giao lại cho Ban Quản lý nước sạch xã Minh Xuân vận hành và duy trì hoạt động. Theo thiết kế ban đầu, công trình phục vụ nhu cầu của 75 hộ nhưng đến nay, đã có 240 hộ sử dụng thường xuyên. Trong suốt gần chục năm qua, công trình vận hành và hoạt động tốt là nhờ tổ quản lý công trình đã làm việc hết sức trách nhiệm và tâm huyết.

Tổ có 5 người gồm: ông Hoàng Văn Khoải - Trưởng ban Quản lý nước sạch xã làm Tổ trưởng và 4 nhân viên. Suốt những năm qua, cả tổ đã không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét bùn đất, vớt rác ở đầu nguồn, vệ sinh trạm bơm 3 ngày 1 lần. Ông Khoải khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chúng tôi luôn cố gắng vận hành công trình đảm bảo phục vụ tốt nhất cho bà con. Người dân thiếu nước sinh hoạt do sự cố thì không quá 24giờ, kể cả đêm hôm, mưa gió, chúng tôi cũng phải khắc phục ngay”.

Theo ông Khoải, để công trình vận hành tốt và có tính bền vững, tổ đã quán triệt mọi người phải sử dụng tiết kiệm nước, nâng cao ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ thống ống dẫn nước. Theo quy định, mỗi 1m3 nước, người dân sẽ phải trả 1.500 đồng.

Ông cho biết thêm: “Công trình hoạt động tốt như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào ý thức của người dân cũng như đóng tiền đầy đủ. Đặc biệt, người dân sử dụng rất tiết kiệm, trung bình mỗi hộ một tháng chỉ sử dụng 4m3 đến 5m3 nước, tương ứng khoảng 6.000 đồng, 7.000 đồng. Đây là số tiền nhỏ, không đáng kể so với mức thu nhập của các hộ”.

Số tiền thu được sẽ dùng một phần để chi trả cho 5 thành viên trực tiếp làm công tác quản lý và vận hành là 140.000 đồng/người/tháng, còn lại sử dụng toàn bộ vào việc nâng cấp, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị của trạm bơm và sửa đường ống nước. Ông Khoải nói: “Ngay cả tôi, tổ trưởng cũng chỉ nhận 140.000 đồng một tháng. Nói thật, số tiền đó bây giờ không đủ để làm một mâm cơm đãi khách. Nếu chúng tôi làm vì tiền thì có lẽ công trình này đã không tồn tại đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã làm việc bằng tất cả trách nhiệm của mình đối với với bà con”.

 Triệu Huấn

Các tin khác
Đồng chí Trịnh Tiến Thanh- Hiệu trưởng nhà trường kiểm tra giờ thực hành điện.

YBĐT - Không phải ngẫu nhiên mà Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt vào danh sách 40 trường công lập được tập trung đầu tư thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2020 và cũng không phải ngẫu nhiên hầu hết học sinh, sinh viên (HSSV) nhà trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định. Đó chính là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác giảng dạy, truyền nghề.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức Ngày thị trường bảo hiểm Việt Nam hàng năm phải đảm bảo bảo thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa có Quyết định 3012/QĐ-BTC về việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi nói chuyện về tình hình giáo dục hiện nay và giới thiệu nội dung chính của Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị T.Ư 8 (khóa 11) do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức sáng 12.12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục