Bạn có bạo hành con mình?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2013 | 2:24:10 PM

YBĐT - Đương nhiên câu trả lời sẽ là “KHÔNG”. Bởi cha mẹ luôn muốn mang tới cho con những điều tốt đẹp nhất, muốn dạy dỗ con trưởng thành, thành người có ích trong xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy dỗ, giáo dục trẻ, các bậc cha mẹ nhiều khi không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến việc sử dụng đòn roi, quát nạt, dọa dẫm trẻ... Có thể những điều đó chưa được liệt vào các hành động bạo hành con trẻ nhưng nó để lại những tổn thương không nhỏ về tinh thần cho trẻ.

Chị Thanh Vân ở phường Yên Ninh (TP Yên Bái) chia sẻ: “Con mình mới 5 tuổi nhưng mình đã sử dụng đòn roi với con từ khi bé 3 tuổi. Lần đầu mình đánh con mà tim gan quặn thắt, nhìn thấy cái mông bé xíu đỏ lựng lên mà xót ruột. Nhưng lần sau không kiềm chế được, nói con không nghe mình lại sử dụng, dần dần mình không còn cảm giác quặn thắt như lần đầu ấy. Phải chăng việc dùng đòn roi cấp độ ngày càng tăng mà mình không nhận ra?”. Đó cũng là tâm sự của rất nhiều bậc cha mẹ đã sử dụng roi vọt đối với con trẻ.

Theo nghiên cứu của những nhà tâm lý, việc sử dụng đòn roi trong quá trình dạy dỗ con trẻ là do phảng phất của lối tư duy phong kiến: “Vua nói, dân phải nghe, cha mẹ nói, con cái phải nghe”, dẫn đến việc giao tiếp giữa cha mẹ với con cái hoàn toàn là giao tiếp một chiều, con không được trình bày quan điểm của mình, nặng nề hơn trẻ sẽ hiểu rằng “mình không được coi trọng”, dẫn đến những tổn thương và ảnh hưởng đến phát triển tính cách sau này như nhút nhát, tự ti, không tự lập...

Nhiều người thắc mắc tại sao trẻ con phương Tây lại tự tin, dám làm nhiều việc, dám trình bày quan điểm cá nhân của mình trước đông người... Chỉ có thể khẳng định rằng “tất cả do giáo dục mà nên”. Nếu trẻ được tôn trọng, được người khác lắng nghe quan điểm của mình dù đúng dù sai, được chỉ bảo ra những quan điểm sai lầm một cách thuyết phục thì hiệu quả hơn rất nhiều việc trẻ có vẻ ngoài nghe lời nhưng trong lòng là một dấu hỏi lớn.

Phần lớn cha mẹ người Việt sử dụng đòn roi trong quá trình dạy dỗ con trẻ, nhiều trong số đó sử dụng thêm biện pháp dọa dẫm, quát mắng, được thể hiện rõ trong câu “Yêu cho roi cho vọt”.

Quan điểm này không sai nhưng lại không đạt hiệu quả tốt. Vậy làm sao có thể giáo dục trẻ không đòn roi? Tất cả đều phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của cha mẹ. Nhưng trước tiên người lớn cần phải kiểm soát được cảm xúc của mình. Khi kiểm soát được cảm xúc thì cha mẹ có thể điều chỉnh tình huống theo đúng ý mình lựa chọn.

Sử dụng phương pháp đối thoại khi muốn trẻ hiểu rằng hành động nào đúng, hành động nào sai, cho trẻ thời gian suy nghĩ về những việc đã làm. Bởi trẻ con tư duy không thể như người lớn, cha mẹ phải trải qua rất nhiều thời gian mới có được cách nhìn nhận như hôm nay, thế nên trẻ không thể hiểu được ngay một câu nói, một hành động, một sự việc ngay tức thì. Khi đã đối thoại được thì đưa ra phân vùng giới hạn, có nghĩa là xây dựng những quy tắc trong hoạt động hàng ngày, những quy tắc này chỉ được sử dụng khi con đồng ý. Ví dụ như “Nếu con không đi ngủ đúng 9 giờ tối, thì hôm sau sẽ không được xem hoạt hình”, “Nếu con đạt điểm 10 con sẽ được thưởng 1 đùi gà rán”...

Cha mẹ cần nghiên cứu những điều con thích, đó sẽ là yếu tố mấu chốt trong những quy tắc, quy định này. Những điều kiện đưa ra phải cụ thể, không được chung chung, trong tầm kiểm soát của cha mẹ như hoạt hình, gà rán... Hơn cả, khi các điều kiện cụ thể thì trẻ sẽ hiểu đó là phần thưởng chứ không phải là sự hối lộ.

Giáo dục không đòn roi thực sự là một phương pháp nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Ở các thành phố lớn, có rất nhiều những lớp học, những buổi nói chuyện của những diễn giả về phương pháp này. Nó đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ.

Ở Yên Bái chưa có những lớp học như vậy nhưng các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu phương pháp này thông qua sách, vở, tài liệu, đặc biệt qua Internet có thể tìm kiếm những video của Thạc sỹ Phạm Thị Ái Liên với phương pháp giáo dục “Kỷ luật không nước mắt” với những tình huống cụ thể hằng ngày. Những phương pháp mới này sẽ giúp các bậc cha mẹ biết được “mình có đang bạo hành con” và hơn cả, đứa trẻ sẽ phát triển toàn diện.

M.T

Các tin khác
Hình ảnh một trẻ nhỏ bị bảo mẫu đè đầu đánh liên tiếp tại một lớp mầm non ở TPHCM ngày 17/12 vừa qua.

Để hạn chế tình trạng các bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chỉ đạo, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm lớp mầm non tư thục độc lập đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp.

Thủ tướng yêu cầu chống buôn lậu trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách, sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết (cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành).

Công nhân phải dùng cuốc, xẻng để phá băng tuyết trên đèo Ô Quý Hồ.

Không khí lạnh đang hoạt động mạnh mẽ sẽ tiếp tục được tăng cường bổ sung vào đêm nay khiến nền nhiệt toàn miền Bắc giảm sâu, nhiều nơi xuống dưới 0 độ C.

YBĐT - Ngoài việc tăng cường kiểm tra qui chuẩn, chất lượng của các loại xe 2 bánh chạy điện, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người sử dụng và các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện nắm rõ các quy định của pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục