Tết với người trẻ

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/1/2014 | 2:53:19 PM

YBĐT - Dù cuộc sống hiện đại có làm thay đổi nhiều nếp sinh hoạt, song đại bộ phận các bạn trẻ vẫn giữ được cho mình vốn kiến thức rộng lớn về văn hóa, phong tục ngày tết truyền thống của dân tộc. Các bạn trẻ đã, đang và mãi trân trọng những giá trị truyền thống ấy.

Khánh Toàn (giữa) cùng các bạn trong nhóm vui tết với các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Khánh Toàn (giữa) cùng các bạn trong nhóm vui tết với các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Đã có rất nhiều những hoài nghi về quan niệm tết của những người trẻ, rằng nhiều thanh niên ngày nay xem tết chỉ là một kỳ nghỉ dài, là dịp để sắm những bộ quần áo đẹp, để được vui chơi tụ tập cùng bạn bè... mà không biết đến ý nghĩa sum họp gia đình, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tập tục ngày tết. Tuy nhiên, liệu có công bằng với các bạn trẻ khi rất nhiều bạn lại không suy nghĩ vậy, nhiều trong số đó đã tạo cho mình một cái tết ý nghĩa?

Mới là sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhưng Khánh Toàn – 19 tuổi, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đã có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức tình nguyện, nhất là vào dịp tết. Toàn đã tổ chức các hoạt động tình nguyện từ khi em còn là học sinh cấp 3. Năm nay, em cũng xây dựng kế hoạch cho một đợt tình nguyện vào dịp tết, em cùng các bạn trong nhóm mong muốn mang hơi ấm mùa xuân tới cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Em chia sẻ: “Tết đến là dịp gia đình sum vầy nhưng những em nhỏ mồ côi, những người già cô đơn không nơi nương tựa lại không có gia đình để sum vầy. Một buổi giao lưu văn nghệ vui vẻ và tặng những món quà nhỏ không mang nhiều giá trị vật chất nhưng sẽ mang giá trị tinh thần to lớn, những em nhỏ, các cụ già sẽ thấy ấm áp hơn”.

Với những suy nghĩ sâu sắc như vậy, Toàn cũng không quên những lễ nghĩa trong những ngày tết bên gia đình. “Nhà em không giàu có để có thể thích cái gì trong ngày tết cũng được. Bố mẹ em phải bươn trải vất vả nên tất cả những công việc nhà là việc của em và em trai em. Đêm 30, chúng em cũng được đi chơi nhưng phải về trước giao thừa để cả nhà cùng đón năm mới bên nhau, con cái chúc bố mẹ mạnh khỏe, bố mẹ thì lì xì cho bọn em những phong lì xì màu đỏ, chúc chúng em học giỏi, ngoan ngoãn. Em yêu giây phút giao thừa bên gia đình”.

Thanh Ngọc - 20 tuổi, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội lại có cách đón tết rất vui: “Mấy năm gần đây, những ngày giáp tết, em không còn thấy háo hức như xưa. Tuy nhiên ở nhà em lại có một bí quyết “kéo” tết về nhà mình, đó là nồi bánh chưng. Giờ mọi người nói ăn được bao nhiêu mà bày vẽ gói bánh chưng nhưng những ký ức hồi bé khi em được loanh quanh bên mẹ gói bánh chưng, thức đêm cùng bố để trông nồi bánh rồi ngủ gục từ lúc nào lại ùa về mỗi chiều 28, 29 tết khi cả nhà cùng gói bánh. Năm nay, em cũng sẽ lại cùng cả nhà gói bánh”.

Những phong tục, tập quán ngày tết đã gắn bó và in sâu trong lòng mỗi người con đất Việt, mỹ tục ấy vẫn được thế hệ trẻ tiếp thu theo cách riêng của mỗi người.

Chị Thu Vân, mẹ của Thanh Ngọc chia sẻ: “Bọn trẻ giờ hiện đại, làm việc khoa học, mỗi kỳ nghỉ tết chúng lại lên hẳn danh sách những công việc cần chuẩn bị để chào năm mới. Nào là việc đi chợ mua sắm quần áo, bánh kẹo, hoa quả; dọn dẹp, lau chùi nhà cửa; trang trí bàn thờ, mâm ngũ quả, cắm hoa..., xong mỗi công việc chúng lại tích vào quyển sổ. Thế là công việc đâu ra đấy. Đặc biệt là chúng còn mua quà tặng ông bà bố mẹ, mặc dù cũng vẫn là tiền của bố mẹ cho chúng tiết kiệm mà có nhưng mình rất vui vì chúng đã biết nghĩ đến những người thân yêu khi tết về - đó là đạo hiếu của người Việt”.

Ngay cả ngày ông Táo về chầu trời, từ chiều tối ngày 23 tháng Chạp có thể dễ dàng nhận ra những bạn trẻ đi thả cá chép ở những con suối và bờ sông. Không mang trên tay những túi nilông đựng cá, các bạn trẻ mang theo những chiếc lọ, chiếc hộp đựng cá chép, đã làm giảm hẳn lượng túi nilông tại các con suối sau ngày ông Táo về trời. Tuấn Anh - 17 tuổi, ở phường Hồng Hà hồ hởi cho biết: “Nói không với túi nilông để bảo vệ môi trường, dù là ngày thường hay tết cũng vẫn phải vậy”.

Diệu Huyền ở phường Hồng Hà và các bạn của em lại có cách đón tết rất độc đáo, đó là bán muối vào đêm giao thừa. Diệu Huyền chia sẻ: “Em được đọc trong sách câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” – đó là một trong những phong tục mà nhiều người đã quên. Em đi bán muối không vì lợi nhuận mà vì muốn nhắc mọi người nhớ về một mỹ tục đẹp của người Việt. Có bạn trong nhóm còn “tếu” ra câu rao: “Ai mua muối không, “đầu năm mua muối, cuối năm mua xe “đây ạ”. Thế là rất nhiều người xúm lại mua muối của bọn em. Mỗi gói muối trao cho khách cùng với nhiều lời chúc tốt đẹp tới gia đình người thân của khách một năm mới sum vầy, tràn ngập hạnh phúc vào những giây phút đầu tiên của năm mới. Người mua thấy vui và người bán cũng thấy hạnh phúc”.

Dù cuộc sống hiện đại có làm thay đổi nhiều nếp sinh hoạt, song đại bộ phận các bạn trẻ vẫn giữ được cho mình vốn kiến thức rộng lớn về văn hóa, phong tục ngày tết truyền thống của dân tộc. Các bạn trẻ đã, đang và mãi trân trọng những giá trị truyền thống ấy. Những chủ nhân tương lai của đất nước có đầy đủ những kiến thức tiến bộ, hội nhập và cả những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.

Thanh Ba

Các tin khác

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội tổ chức sáng ngày 6/1/2014. Đồng chí Hoàng Đức Vượng – Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội chủ trì tại điểm cầu Yên Bái.

Niềm vui của các giảng viên tại lễ công nhận chức danh GS, PGS

Thông tư quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.

Ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến thời điểm này Bộ đã nhận được báo cáo về vấn đề lương, thưởng Tết 2014 cho người lao động của 45 tỉnh/thành trên cả nước.

Công an phụ trách địa bàn huyện Văn Chấn thường xuyên nắm bắt tình hình ANTT cơ sở.
(Ảnh: T.P)

YBĐT - Năm 2013, Công an tỉnh Yên Bái vinh dự được nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của Chính phủ. Đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích chung của Công an tỉnh là 4 đơn vị được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc cấp cơ sở, gồm: Phòng Công tác chính trị, Phòng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB), Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục