Hiu quạnh nhà nghèo đông con ngày tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2014 | 2:47:00 PM

YBĐT - Cũng chẳng còn bao lâu nữa là đến năm mới. Giờ này, nhiều nhà bản trên, xóm dưới đã lục tục rủ nhau lên rừng kiếm lá dong xanh, xuống chợ mua sắm ít quần áo đẹp, có nhà đã đụng nhau con lợn chia phần, thế mà nhà vợ chồng Giàng thì vẫn im ắng như thường.

Thiếu ăn, thiếu mặc là điều mà không ít những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình đông con đang hàng ngày phải đối mặt.
Thiếu ăn, thiếu mặc là điều mà không ít những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình đông con đang hàng ngày phải đối mặt.

Ngồi bên bếp củi lom dom đang cháy dở, đôi đầu gối thi thoảng lại va vào nhau kêu lập cập, Giàng nhể nhả uống từng ngụm rượu rồi hát vài câu tiếng Mông nghe chẳng rõ lời. Mới chưa đến 40 tuổi mà trông Giàng hom hem chẳng khác nào một cụ già. Mái tóc lơ thơ dài quá gáy rủ xuống khuôn mặt có nước da "xanh nhái" khiến nhiều người lần đầu nhìn thấy Giàng phải e dè. Vợ Giàng năm nay mới độ 35 tuổi nhưng cũng già chẳng kém phần. Người dân trong bản bảo vợ Giàng khổ quá nên vậy. Từ ngày về làm dâu nhà chồng, Mỷ (vợ Giàng) chưa bao giờ được đi chơi, đi chợ mua sắm đồ tết cùng mọi người.

Quanh năm lam lũ với công việc làm nương, làm rẫy, rồi sinh tất thảy đến bẩy, tám đứa con theo yêu cầu của người chồng lười làm, nát rượu nên Mỷ đã thành ra như vậy. Mỷ khổ! Các con Mỷ cũng khổ. Mùa đông, trong cái lạnh cắt da cắt thịt nơi vùng cao mà các con Mỷ đứa nào cũng chỉ phong phanh một hai tấm áo mỏng.

Chúng lớn lên như củ khoai, củ sắn và chẳng khi nào được ăn một bữa thật no đủ. Ngày tết đến gần mà cả nhà Mỷ chỉ còn có dăm ba cân gạo. Cháo nấu cùng rau cải nương hay mèn mén là món mà mấy đứa nhỏ nhà Mỷ vẫn ăn  thường xuyên trong ngày tết. Thương các con nhưng Mỷ cũng chẳng biết phải làm thế nào. Đi vay rồi cũng phải trả. Nhưng lấy gì để trả khi lúc nào cũng thiếu thốn trăm bề.

Nhờ có "thành tích" đẻ dày, đẻ nhiều và năm nào cũng thiếu ăn đến vài tháng nên thời gian qua, năm nào nhà Giàng - Mỷ cũng được bà con trong xã "phong tặng" danh hiệu hộ nghèo. Với danh hiệu này, Giàng lại cảm thấy vui vì thỉnh thoảng được Nhà nước hỗ trợ cái này, cái kia và quan tâm hơn các hộ khác. Đã có lần Giàng bảo với Mỷ: "Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Mày thấy không, chỉ có đẻ nhiều mới được ưu tiên như vậy".

Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lối suy nghĩ theo kiểu như Giàng đến nay vẫn tồn tại ở không ít gia đình. Quan niệm "đông con còn hơn nhiều của", "đẻ con trai để nối dõi tông đường" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một bộ phận người dân.

Tới thăm một hộ gia đình người Dao tại một bản của huyện Văn Yên, trong ngôi nhà sàn tứ bề lộng gió, ngày áp tết mà cả nhà không có vẻ gì là bận rộn. Gian bếp nguội lạnh. Chiếc bàn thờ trống rỗng. Tất thẩy có tới gần chục người cả bố mẹ, con cái, ai nấy đều "thảnh thơi" ngồi hướng mắt về chiếc ti vi hai mầu đen, trắng.

Thấy có khách lạ, mấy đứa trẻ vội chạy nấp vào phía trong buồng ló đầu ra nghe ngóng. Chúng cũng chẳng khác gì mấy đứa con nhà Giàng - Mỷ. Đứa nào, đứa nấy trông xa đã thấy bụng ỏng, đít vòm, tóc vàng hoe cháy nắng, quần áo thì lấm lem, xộc xệch. Thấy được gọi chia kẹo, chúng đẩy nhau ra lấy rồi ăn nhoáng nhoàng trong chốc lát.

Đông con - nghèo đói, chẳng phải nghi ngờ gì cái quy luật ấy khi trong năm 2013 vừa qua, toàn tỉnh vẫn có tới trên 1.000 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới vài chục phần trăm. Tết thường là thời điểm vui nhất của trẻ em. Dù ở thành thị hay nông thôn, các em đều được nghỉ ngơi, vui chơi và hay được bố mẹ, ông bà mừng tuổi, mua cho quần áo đẹp. Những món quà cả về vật chất lẫn tinh thần có thể rất nhỏ bé nhưng lại rất có ý nghĩa và mãi là kỷ niệm tuổi thơ khó quên của các em.

Trẻ em xứng đáng được hưởng sự chăm sóc, yêu thương và cắp sách tới trường. Tuy nhiên, chính vì những bậc làm cha làm mẹ không ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con cho tốt nên có biết bao đứa trẻ đã phải chịu thiệt thòi, không bao giờ được hưởng một cái tết đầy đủ, trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó.

H.O

Các tin khác
Kỹ sư Trần Thị Bích Huề (thứ 2, phải sang) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ngô đồng cho nông dân xã Đại Phác.

YBĐT - Đi từ các xã vùng thấp đến vùng cao của huyện Văn Yên, hỏi bất cứ người dân nào cũng biết Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Trần Thị Bích Huề. Không chỉ gần gũi, gắn bó với nông dân mà người kỹ sư nông nghiệp này còn có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Kiểm tra sức khỏe 1 trường hợp nghi nhiễm cúm tại cửa khẩu.

Ngày 10/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thời tiết mùa Đông-Xuân rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virus cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng.

Ngành Nội vụ Yên Bái ký giao ước thi đua năm 2014

YBĐT - Ngày 10/1, Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 trong toàn ngành.

Công an huyện Lục Yên triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên đán 2014.

YBĐT - Nắm chắc ANTT và trật tự an toàn xã hội từ cơ sở, Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) lấy việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng xã, thôn, bản, gia đình văn hóa để giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục