Những cung đường xanh áo lính

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/1/2014 | 10:41:32 AM

YBĐT - Những con đường liên thôn được lực lượng vũ trang địa phương mở mới và hoàn thành đúng tiến độ. Đó là những cung đường xuân ghi dấu màu xanh áo lính. Nó thể hiện ý chí, sức mạnh và tình cảm của những người lính Cụ Hồ. Cung đường ấy đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng- an ninh, xây dựng tình quân- dân thêm thắm thiết.

Lực lượng dân quân xã Bảo Ái xẻ rãnh thoát nước, san tạo nền đường ở thôn Ngòi Mấy.
Lực lượng dân quân xã Bảo Ái xẻ rãnh thoát nước, san tạo nền đường ở thôn Ngòi Mấy.

Vào tới thôn Đát Lụa đã thấy bộ đội Như cầm bản thiết kế trên tay phăm phăm đi về phía chân dốc, miệng vang vang: “Các đồng chí kiểm tra xem ống cống đã cứng hẳn chưa mới được đặt vào đường đấy… Lui vị trí đặt cống xuống một chút nữa, sai thiết kế là nước không thoát được nhanh, dễ hỏng đường như chơi!”. Kiểm tra xong xuôi, anh như con sóc lao lên đỉnh dốc chỉ đạo cánh lái xe cơ giới cho ô tô chở đất cùng máy xúc lên hạ thấp độ cao con dốc xuống thêm nữa. “Đường đất mà để độ dốc cao quá thế này là không ổn, xe chở hàng hóa làm sao leo lên nổi.”- bộ đội Như quả quyết.

Chỉ vài hình ảnh ập đến ban đầu đã khiến tôi nhận ra một con người năng nổ, đầy tinh thần trách nhiệm ở bộ đội Như. Từ khi Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Bình đảm nhiệm công tác thi công mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, chẳng lần nào vắng sự có mặt của Mai Ngọc Như. Anh kể vanh vách những nơi đã từng đặt chân đến để khảo sát mở đường, những khe suối, những đỉnh đèo nào anh đã từng chống gậy vượt qua. Toàn tuyến khó cả, nào là Ngọn Ngòi, Ngòi Giàng (Bạch Hà) rồi Khe Cọ, Trại Phung (Tân Nguyên) hay Cà Lồ (Xuân Lai), tiếp nữa là tuyến đường Ngòi Ngù lên Ngòi Kè, rồi Đát Lụa - Ngòi Mấy (Bảo Ái)… cũng không kém phần khó khăn. Công việc là vậy nhưng cũng ghi dấu nhiều kỷ niệm, tình cảm quân- dân gắn bó.

Ngoài vận động dân để mở đường anh còn hướng dẫn bà con trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nỗi, mỗi khi có việc đến địa danh nào anh cũng được đồng bào ở đó quí mến, coi như người nhà. Chia tay sau khi hoàn thành tuyến đường thôn Cà Lồ, mấy gia đình nơi đơn vị đóng quân còn dặn anh em: Nhớ tết này phải về chơi ăn cơm, uống rượu với gia đình đấy nhé! 

Từ khi khảo sát, thiết kế đến khi thi công, những người lính được giao nhiệm vụ đều lăn xả vào việc, mặc dù ai cũng cho rằng làm đường giao thông ở thôn bản “xương lắm!”. Sau khi “mục sở thị”, tôi mượn Như bản thiết kế thi công tuyến đường liên thôn đang triển khai để xem nó “xương” đến thế nào. Tuyến đường liên thôn Đát Lụa - Ngòi Nhàu - Ngòi Mấy có tổng chiều dài hơn 1,5 km, độ dốc cao, có rãnh thoát nước và 7 cống ngầm… khối lượng thi công lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ 166 triệu đồng thuộc vốn Chương trình 30b.

Để làm được tuyến đường này kinh phí còn thiếu tới cả chục triệu đồng. Chưa kể, việc mở mới đường sẽ phải giải phóng hàng trăm mét vuông đất trồng cây lâu năm, cây ăn quả của 14 hộ dân nơi có tuyến đường đi qua, trong khi kinh phí giải phóng mặt bằng không có. Việc khó là vậy nhưng từ chỉ huy đơn vị đến những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ như anh Như, anh Hoàn… lại cùng chính quyền, dân quân xã triển khai xuống thôn để tuyên truyền vận động.

Ông Hoàng Văn Đoàn - Bí thư chi bộ thôn Đát Lụa cho biết: “Quả thực, nhiều hộ dân lúc đầu chưa hiểu cho rằng Nhà nước lấy đất làm đường thì phải bồi thường thiệt hại cho dân. Nhưng khi được chính quyền, nhất là bộ đội tới vận động họ đã nhận thức rõ chủ trương, lợi ích từ việc mở đường. Sau khi họp toàn thôn, Chi bộ Đát Lụa đã họp quán triệt, quyết tâm chỉ đạo các đảng viên đi trước hiến đất, sau đó  vận động các hộ bị ảnh hưởng về đất đai, cây cối giải phóng mặt bằng để mở đường. Gia đình tôi cũng đã hiến trên 150m2 đất làm đường”.

Ông Bàn Văn Khiêm, dân tộc Dao ở cùng thôn thì phấn khởi: “Nhà nước cho kinh phí làm đường, người dân bỏ đất để có đường đi thì tốt quá rồi. Riêng nhà tôi, cần lấy bao nhiêu đất cũng sẵn sàng. Có đường thông thương, chắc chắn kinh tế hộ ở thôn sẽ khá lên khi đồi cây, hoa quả, đàn gia cầm…bán được giá cao hơn trước”. Gia đình ông Khiêm đã nhường trên 1.200m2 đất, 300 cây keo đang độ lớn để “đổi” lấy đường. 

Ông Khiêm, ông Đoàn (giữa) sẵn sàng hiến đất làm đường.

Chương trình làm đường giao thông nông thôn với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hạn chế, không có kinh phí giải phóng mặt bằng, địa bàn triển khai đều ở thôn bản vùng sâu, vùng xa. Để triển khai khảo sát, thi công, vận chuyển nguyên vật liệu... là cả một chuỗi gian nan. Thực tế chẳng có doanh nghiệp, công ty nào mặn mà nhận thầu xây dựng các tuyến đường được cho là “rất xương” như vậy.  Bài toán mở mới đường giao thông liên thôn chỉ có lời giải khi lực lượng vũ trang vào cuộc.

Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, lực lượng vũ trang Yên Bình đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực. Sáng kiến đề xuất của đồng chí Nguyễn Đức Khỏa- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện đưa ra Đảng ủy- Ban chỉ huy bàn bạc đã được tập thể đơn vị thống nhất cao. Đơn vị đã quyết tâm đề nghị UBND huyện Yên Bình giao cho cơ quan quân sự huyện huy động lực lượng dân quân tự vệ tổ chức huấn luyện, kết hợp làm công tác dân vận tham gia làm đường giao thông liên thôn.

Việc đã đề xuất lên cấp trên và được nhất trí, nhưng phương pháp triển khai thế nào để nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đạt hiệu quả cao nhất cũng được đặt ra. Khi mỗi tuyến đường chuẩn bị mở mới, cán bộ quân sự huyện lại phối hợp cùng chính quyền địa phương lao về thôn bản tuyên truyền, vận động đồng bào. Trước hết là tuyên truyền rõ ý nghĩa, tầm quan trọng về mặt kinh tế- xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trong xây dựng giao thông, xây dựng nông thôn mới. Sau là vận động nhân dân địa phương có tuyến đường đi qua tham gia ngày công, tự nguyện hiến đất, vườn để giải phóng mặt bằng… Khi người dân đã thông và ủng hộ, cơ quan quân sự huyện tổ chức huy động máy móc thi công, tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia ngày công giúp nhân dân giải phóng mặt bằng, tham gia làm cống rãnh thoát nước…

Chứng kiến những lần lực lượng vũ trang ra quân làm đường là thêm một lần chứng kiến ý chí, trách nhiệm và sự nỗ lực không ngơi nghỉ của những người lính. Mừng xuân mới Giáp Ngọ, lực lượng vũ trang Yên Bình đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng phong trào làm đường giao thông nông thôn. Năm qua, đơn vị đã hoàn thành mở mới 8 tuyến với trên 10 km đường nối liền các thôn bản đặc biệt khó khăn của các xã trên địa bàn huyện.

Văn Trung

Các tin khác

YBĐT - Do đặc thù công việc nên cứ vài năm, vợ chồng tôi mới thu xếp được để về quê nội ăn tết. Năm nào thấy bố mẹ lên kế hoạch về quê ăn tết là các con lại háo hức, mong đếm từng ngày.

YBĐT - Khi những cành đào bên triền núi rực rỡ sắc hồng cũng là lúc đồng bào Mông đón tết cùng cả nước. Tết được bà con người Mông xem như một đặc trưng văn hóa độc đáo. Vui lắm, vì kể từ nay mỗi khi tết Nguyên đán đến là lúc việc nương rẫy hoàn thành, bà con được nghỉ ngơi, sum họp gia đình, thăm hỏi anh em bạn bè và chung vui các lễ hội dân tộc của mình cùng cả nước.

 

Ảnh minh họa

Không khí lạnh suy yếu, thời tiết không còn rét và khô, nắng ngập tràn trên khắp cả ba miền trong những ngày cận Tết.

Họp vào 27 âm lịch, phiên chợ Nủa (Bình Phú, Thạch Thất) luôn tấp nập người mua kẻ bán chuẩn bị cho Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục