Yên Bái cố gắng cao nhất ngăn dịch cúm gia cầm xâm nhập

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2014 | 9:11:37 AM

YBĐT - Hiện nay, các trạm thú y huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc khử trùng, sát trùng... sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh mang tiêu hủy gà giống không rõ nguồn gốc.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh mang tiêu hủy gà giống không rõ nguồn gốc.

Dịch cúm gia cầm đã lên mức báo động, nguy hiểm đe dọa trực tiếp an toàn cộng đồng. Tại Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm với 63 tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 18/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tình hình dịch gia cầm đang tiếp tục lan rộng với diễn biến thực tế cũng như những cảnh báo liên tục và theo mức độ cao hơn đến từ các tổ chức liên quan quốc tế đối với Việt Nam.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa lên đến đỉnh và mức độ lan rộng và bùng nổ có khả năng còn ở phía trước. Với tỉnh Yên Bái, không còn ở xa tận Cà Mau, Kon Tum… hay Phú Yên nữa mà từ ngày 10/2 vừa qua dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở tỉnh Lào Cai - một địa bàn giáp ranh với Yên Bái làm trên 7.000 con gia cầm mắc bệnh, 206 con chết, số còn lại phải tiêu hủy. Yên Bái có 2 huyện Lục Yên và Văn Yên tiếp giáp với tỉnh Lào Cai nên nguy cơ dịch cúm gia cầm sẽ lây lan, bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), tính đến ngày 16/2, cả nước đã có 14 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm là: Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Đắc Lắc, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Có thể nói, tại thời điểm này, nguy cơ lây lan cúm gia cầm và nhiễm cúm gia cầm trên người ở nước ta đang ở mức báo động. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng với vị trí giáp ranh địa bàn Lào Cai - tỉnh vừa được công bố có dịch cúm gia cầm khiến nhiệm vụ phòng, chống, ngăn chặn dịch cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trên địa bàn hiện tỉnh có trên 3,5 triệu con gia cầm, chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi và chính quyền một số địa phương còn chủ quan, lơ là. Đặc biệt, do nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi trở lại sau dịp tết Nguyên đán tăng cao nên nhiều người chăn nuôi đã mua gia cầm không rõ nguồn gốc không báo cho cơ quan thú y… Những nguyên nhân trên rất dễ làm phát sinh dịch bệnh vào thời điểm nhạy cảm này.

Ngay trước tết Nguyên đán, tỉnh đã có Công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch cum gia cầm H5N1 và H7N9. Tiếp đến ngày 18/2, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính; Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh;  ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thú y tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Cùng ngày, tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác công tác phòng, chống dịch với các địa phương, ngành liên quan dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho thấy địa phương quyết tâm cao để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Mặc dù, đến thời điểm này, địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch bệnh và thời gian qua tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống nhưng nguy cơ cũng đe dọa rấn gần đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc và quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch nhất là chính quyền địa phương hai huyện Lục Yên và Văn Yên,  nơi giáp ranh tỉnh Lào Cai.

Cùng với việc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tỉnh yêu cầu thành lập ngay 5 chốt kiểm dịch tại các huyện Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình và thành phố Yên Bái; các địa phương trong toàn tỉnh cần thành lập các đội kiểm tra liên ngành và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch tận gốc theo chỉ đạo chung của tỉnh.

Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: “Là địa phương giáp với huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai nên hiện nay huyện đang tăng cường công tác kiểm soát không cho gia cầm vào địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền nhất là tại các xã dọc quốc lộ 70; thường xuyên phun tiêu độc khử trùng tại các chợ, các điểm buôn bán giết mổ gia cầm...”.

Diễn biến của dịch cúm gia cầm đang hết sức phức tạp, khó lường nên tại thời điểm này các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện kịp thời gia cầm mắc bệnh, chết nghi do bệnh cúm gia cầm để xử lý kịp thời; phân công cán bộ theo dõi tình hình dịch cúm gia cầm tại địa bàn, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh; thường xuyên giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng dịch; tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật lực chủ động ứng phó khi có dịch, không giấu dịch và áp dụng ngay các biện pháp can thiệp kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng; kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập vào địa phương, kiên quyết xử lý, tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, nghi bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ông Lư Ngọc Duyên - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Hiện nay, các trạm thú y huyện, thị xã, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc khử trùng, sát trùng... sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra”.

Chi cục Thú y tỉnh đã có tờ trình thẩm định phê duyệt kinh phí phun tiêu độc khử trùng trong năm 2014 trên 4 tỷ đồng và đã xây dựng chi tiết phương án chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn: khi có dịch xảy ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương phối hợp với cơ quan thú y trực tiếp, thường xuyên có mặt tại vùng dịch tích cực triển khai các biện pháp khống chế ngăn chặn dịch; tổ chức hệ thống giám sát dịch bệnh: phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm cho từng người cụ thể ở tất cả các cấp đảm bảo thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện các ổ dịch mới xảy ra, thiết lập chế độ báo cáo thường xuyên, thống kê số lượng gia cầm mắc bệnh. Khi phát hiện đàn gia cầm chết bệnh nghi mắc cúm gia cầm cần lấy mẫu xét nghiệm, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virut cúm gia cầm thì công bố dịch.

Khi đã công bố dịch cần xử lý ổ dịch, khoanh vùng dịch, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong vòng bán kính 3km tính từ điểm có dịch, chỉ đạo chặt chẽ công tác tiêm phòng bao vây cho toàn bộ đàn gia cầm trong vùng vành đai 3 - 5km tính từ điểm có dịch, bố trí lực lượng canh gác không để vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng dịch, tổ chức tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh và vệ sinh tiêu độc khử trùng…

Tỉnh đã dự phòng trên 5 tỷ đồng kinh phí cho công tác phòng chống dịch trên người, gia súc và gia cầm của tỉnh trong năm 2014 đẻ sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình chống dịch nếu cần thiết sẽ bổ sung thêm từ nguồn ngân sách dự phòng đảm bảo đầy đủ và kịp thời.

Mặc dù đã sẵn sàng với công tác chống dịch nhưng để ngăn chặn dịch không xâm nhập vào địa bàn thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm cần phải thực hiện đúng “5 không”: không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi. 

Bên cạnh yêu cầu các ngành, địa phương đồng thời xây dựng kế hoạch ngăn ngừa những chủng vi rút mới có thể lây sang người…, trong Hội nghị của tỉnh và Hội nghị trực tuyến ngày 18/2 vừa qua của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên cũng một lần nữa nhấn mạnh, các ngành, các địa phương cần cố gắng đến mức cao nhất không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Hồng Duyên

Các tin khác

Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị các Sở GD-ĐT rà soát, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (NCL) trên địa bàn trước ngày 20/2.

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh. Đây là mục tiêu được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2014 do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 19/2, tại Hà Nội.

Ngày 19-2, tại Hà Nội, bà Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia, công bố hai sáng kiến hỗ trợ tăng cường năng lực cho phụ nữ Việt Nam.

Trường Tiểu học Hưng Thịnh được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

YBĐT - Nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong thực tế để nâng cao chất lượng dạy và học, đạt hiệu quả cao, Trường tiểu học Hưng Thịnh được Hội đồng khoa học ngành giáo dục và đào tạo huyện Trấn Yên đánh giá loại xuất sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục