Quyết tâm “chặn” sởi tái phát

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2014 | 9:23:11 AM

YBĐT - Tại Yên Bái, dịch sởi xuất hiện đầu tiên tại huyện Mù Cang Chải, sau đó đến huyện Trạm Tấu và đỉnh điểm là tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn với 134 ca mắc, 1 trẻ 3 tuổi tử vong do biến chứng. Đến ngày 16/2/2014, Yên Bái có 789 ca mắc sởi; trong đó: huyện Mù Cang Chải 182 ca, Trạm Tấu 269 ca, Văn Chấn 331 ca… chủ yếu là trẻ từ 1 đến 15 tuổi.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trên địa bàn tỉnh, phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xung quanh công tác phòng chống bệnh sởi.

PV: Xin bác sỹ cho biết sự nguy hiểm của bệnh sởi đối với trẻ em từ 1 đến 15 tuổi và những triệu chứng của căn bệnh này?

Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây nên, phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch, có tốc độ lây nhiễm cao, nhất là trong điều kiện sống khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng vắcxin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có phản ứng sau tiêm vắcxin.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh là: sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như: ho, chảy nước mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, người bệnh dễ bị biến chứng gây nên mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong ở trẻ nhỏ. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non.

- Hiện nay, tình hình dịch sởi trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp. Bác sỹ có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Dịch sởi trên địa bàn tỉnh xuất hiện vào cuối tháng 10/2013. Đến ngày 16/2/2014, Yên Bái có 789 ca mắc, chủ yếu là trẻ từ 1 đến 15 tuổi. Những năm gần đây, do khí hậu biến đổi phức tạp, một số vi rút, vi khuẩn mới xuất hiện. Cùng với đó là các biến chứng trong các dạng vi rút, vi khuẩn trước đây như: cúm A, chân - tay - miệng, bệnh dại… và chưa có vắc xin hữu hiệu để khống chế nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, sau khi dập xong ổ dịch tại các thôn, bản ở xã Cát Thịnh, chúng tôi xác định mặc dù bệnh sởi đã cơ bản được khống chế nhưng những nguy cơ tiềm ẩn và khả năng quay lại của bệnh rất lớn, cho nên, hơn lúc nào hết công tác dự phòng phải được đẩy lên hàng đầu.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sởi hiện nay, ngành y tế Yên Bái đã có những biện pháp gì trong phòng, chống dịch?

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: giám sát, phát hiện các ca mắc bệnh để cách ly, điều trị kịp thời, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ dưới 15 tuổi nhằm ngăn chặn không cho dịch lây lan.

Đặc biệt chú trọng triển khai tiêm phòng vắc xin ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vận động đồng bào đến viện điều trị. Đã triển khai tiêm phòng ở 42 xã của huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Tới đây, sẽ tổ chức tiêm phòng cho trẻ dưới 15 tuổi ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo chủ trương của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng vào cuộc huy động trẻ đến các trạm y tế tiêm phòng…

- Xin bác sỹ cho biết đâu là nguyên nhân, cũng như những khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống bệnh sởi tại Yên Bái?

Những diễn biến của dịch sởi hiện nay cũng là quy luật bình thường bởi bệnh sởi do vi rút gây nên. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, dù tiêm phòng tốt đến đâu cũng không đạt hiệu quả 100% và vắc xin có tốt đến đâu thì hiệu lực bảo vệ cũng không thể tuyệt đối. Thế nên, tích lũy số người không được bảo vệ hàng năm thông qua tiêm phòng thì chu kỳ của dịch bệnh cứ 3 đến 5 năm lại xuất hiện một lần. Năm 2014, dịch sởi xuất hiện cũng là đương nhiên và nó đã được dự báo ngay từ đầu trong phạm vi toàn quốc. Hiện nay, không riêng Yên Bái, tại Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện bệnh sởi.

Khó khăn đối với công tác phòng, chống sởi ở Yên Bái hiện nay là  địa bàn vùng cao phức tạp. Trong khi đó, dịch lại thường xuất hiện ở những vùng khó khăn, nơi phải đi bộ hàng ngày đường mới đến, việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn rất khó khăn nên tỷ lệ tiêm phòng dịch nơi đây luôn thấp.

- Với chức năng, nhiệm vụ của mình hiện nay, bác sỹ có những khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng, chống dịch sởi?

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc xin sởi. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngọc Sơn (thực hiện)

Các tin khác
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh mang tiêu hủy gà giống không rõ nguồn gốc.

YBĐT - Hiện nay, các trạm thú y huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, vật tư, thuốc khử trùng, sát trùng... sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra.

Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị các Sở GD-ĐT rà soát, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (NCL) trên địa bàn trước ngày 20/2.

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh. Đây là mục tiêu được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2014 do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 19/2, tại Hà Nội.

Ngày 19-2, tại Hà Nội, bà Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia, công bố hai sáng kiến hỗ trợ tăng cường năng lực cho phụ nữ Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục