Quản lý khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/3/2014 | 2:18:46 PM

Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 1824 về kế hoạch Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng

Kế hoạch được xây dựng nhằm quản lý việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa trong giai đoạn 2014 - 2020.

Văn bản nêu rõ, vùng biển huyện Hoàng Sa là một phần không tách rời đối với toàn bộ vùng biển thuộc địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng có những chính sách quản lý riêng đối với việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp tính chất đặc thù của vùng biển xa bờ.

Tài nguyên và môi trường vùng biển huyện Hoàng Sa có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng, gắn liền với chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền quốc gia, đặc quyền kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển, là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, là nền tảng cho việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam.

Tài nguyên và môi trường biển huyện Hoàng Sa được quản lý theo cách tiếp cận tổng hợp và thống nhất, bảo đảm sự quản lý thống nhất của UBND thành phố Đà Nẵng và trách nhiệm quản lý trực tiếp của UBND huyện Hoàng Sa, sự phối hợp liên ngành, liên vùng giữa các ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng và giữa thành phố Đà Nẵng với địa phương có liên quan.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái theo hướng phát triển bền vững.

UBND thành phố Đà Nẵng tôn trọng và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển huyện Hoàng Sa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

UBND thành phố khuyến khích và có chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng biển huyện Hoàng Sa theo hướng bền vững, giữ gìn chất lượng môi trường; thực hiện các nội dung của Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Bốn mục tiêu cụ thể được xác định dưới đây.

Thứ nhất, tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở cho việc khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng biển huyện Hoàng Sa.

Thứ hai, xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ cho việc khai thác, sử dụng, quản lý, nghiên cứu tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa.

Thứ ba, tranh thủ sự hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển, tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Cuối cùng, từ đây đến năm 2020 hoàn thiện các chính sách ưu đãi cho việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên và tiềm năng kinh tế, xây dựng và ban hành kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và sự cố môi trường trên biển, xây dựng Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên trong vùng biển huyện Hoàng Sa.


Cũng theo kế hoạch này, về mặt quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa được tiến hành một cách toàn diện, chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu đầy đủ đánh giá nguồn tài nguyên và chất lượng môi trường biển huyện Hoàng Sa, chưa có những chiến lược, kế hoạch nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên hết sức phong phú và có giá trị trong vùng biển huyện Hoàng Sa.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, việc ban hành Kế hoạch Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên vùng biển huyện Hoàng Sa là hết sức cần thiết, định hướng cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường trên vùng biển huyện Hoàng Sa, đồng thời tạo hành lang pháp lý xử lý các hành vi khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, UBND thành phố ưu tiên và tập trung các nguồn lực triển khai bảy hoạt động sau:

1. Quy hoạch khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường

2. Phòng ngừa, kiểm soát, ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai, sự cố môi trường và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển

3. Tăng cường và xúc tiến đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế

4. Xây dựng các chính sách ưu đãi

5. Tăng cường nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu

6. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

7. Tăng cường hợp tác quốc tế

* Quần đảo Hoàng Sa bao gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Quần đảo Hoàng Sa nằm ở khu vực có vĩ độ 15044,2 bắc - 17006,0 bắc và kinh độ 111011,8 đông - 112053,4 đông trên vùng biển có diện tích khoảng 30.000 km2.

Tổng diện tích phần nổi khoảng 10km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5km2. Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Nam là 135 hải lý, đến Cù Lao Ré tỉnh Quảng Ngãi là 123 hải lý.

(Theo NDĐT)

Các tin khác

28 xã, phường của Hà Nội và Thái Nguyên sẽ thí điểm hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở.

Tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự trường học, theo dõi, phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến học sinh trong trường học và khu vực lân cận...

Hạnh phúc đơn sơ.

YBĐT - Ngày Quốc tế Hạnh phúc khuyến khích mọi người hãy quan tâm tới niềm vui mỗi ngày của chính bản thân mình, dù là nhỏ nhất.

Cuộc điều tra dân số sẽ bắt đầu vào lúc 7h00 ngày 1/4/2014 và kết thúc vào ngày 20/4/2014.

Đây là cuộc điều tra chọn mẫu có quy mô lớn, được triển khai sau 5 năm kể từ cuộc Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục