Tự hào quê hương Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2014 | 9:12:24 AM
YBĐT - Những ngày này, chúng tôi về thăm quê hương cách mạng Thượng Bằng La và đi trên đèo Lũng Lô quanh co huyền thoại. Lũng Lô là huyền thoại về những đoàn quân ra mặt trận, những đoàn dân công hỏa tuyến băng núi vượt đèo cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trên con đường 13A năm xưa.
|
Đứng trên đỉnh đèo Lũng Lô, nhìn xa xăm về phía chân trời, ông Hoàng Hữu Hương - một trong những người đã từng tham gia vào đoàn quân năm ấy không giấu nổi cảm xúc tâm sự: “Khó khăn, vất vả nhưng không làm giảm đi ý chí của chúng tôi tiếp viện cho tiền tuyến. Mục đích cao nhất là giành thắng lợi nên ai ai cũng dồn hết sức, hết lực ngày đêm mở đường, tiếp viện cho Chiến dịch Điện Biên”.
Trong câu chuyện của mình, ông Hương kể lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đèo Lũng Lô là một trong những con đường huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1953, khi Trung ương quyết định mở chiến dịch, xã Thượng Bằng La được chọn là nơi tập trung quân lương, quân dụng vượt đèo tiếp tế cho chiến dịch. Ủy ban Kháng chiến xã được giao nhiệm vụ khảo sát và lãnh đạo các lực lượng tham gia mở đường qua đèo Lũng Lô.
Quân dân xã Thượng Bằng La cùng với lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến các địa phương trong tỉnh không quản ngại khó khăn gian khổ, dưới làn bom đạn của giặc quyết tâm phá đá mở đường. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với Chiến khu Vần và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, hàng vạn lượt người, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi. Địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác. Địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Do vậy, đèo Lũng Lô mới có những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Với địa thế có vị trí chiến lược quan trọng nên trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến theo quốc lộ 13A qua Thượng Bằng La tiến vào giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu".
Xứng đáng với truyền thống anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa song những giá trị lịch sử, văn hóa vẫn còn sống mãi với thời gian. Con đường 13A năm xưa nay đã được thay tên mới: đường 32A nhưng thế hệ đã chứng kiến và làm nên lịch sử cũng như các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ mãi chiến thắng Điện Biên Phủ. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, ngày nay, Thượng Bằng La đang ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ông Đoàn Ngọc Nhất - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Hằng năm, nhân dân xã gieo cấy hết 478ha lúa nước, phát triển mạnh về kinh tế đồi rừng, tập trung trồng các cây cho giá trị kinh tế cao như: cam, quýt. Đời sống của nhân dân đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm”. Năm 2000, Thượng Bằng La được công nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” và đến năm 2011 vinh dự đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia đèo Lũng Lô.
Không chỉ riêng Thượng Bằng La, ngày nay, đồng bào các dân tộc huyện Văn Chấn luôn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - UBND huyện và Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2013 đạt trên 13%. Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nói đến Văn Chấn là tự hào với cánh đồng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ nhì khu vực Tây Bắc. Trong kháng chiến, nơi đây đã tiếp viện cho chiến trường hàng nghìn tấn thóc, gạo. Ngày nay, Mường Lò cung cấp ra thị trường một lượng không nhỏ lúa gạo chất lượng dẻo thơm và được ưa chuộng”.
Dẫu vẫn còn không ít khó khăn, thử thách phía trước nhưng với truyền thống cách mạng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, thi đua hoàn thành các nhiệm vụ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng.
Cụ Hoàng Văn Sắc - Thương binh hạng 3/4, xã Thượng Bằng La:
Từ khi trở thành một người lính Cụ Hồ, mỗi trận đánh với tôi đều là những kỷ niệm không thể quên. Nhìn thấy sự phát triển đi lên của xã Thượng Bằng La và huyện Văn Chấn hôm nay, tôi như không còn thấy nỗi đau nhức của vết thương mỗi khi trái gió trở trời và càng vui mừng, tự hào hơn khi tôi cùng đồng đội mình đã góp phần làm nên thay đổi đó. Đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện:
Cùng với việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp huyện còn đưa những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao được thị trường ưa chuộng vào gieo cấy trên diện rộng. Phấn đấu đến năm 2015, lúa gạo Mường Lò sẽ có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu và vị trí trên thị trường lúa gạo Việt Nam. Đồng chí Dương Trung Lợi - Bí thư Đảng ủy xã Cát Thịnh:
Trong thời kỳ gian khổ ấy, Đội du kích Đá Xô, nhân dân Cát Thịnh đã làm nên những chiến công đáng khâm phục, bắn rơi máy bay (trên đồi dân quân), làm suy giảm ý chí chiến đấu của kẻ thù, cùng chung sức cho chiến thắng của dân tộc. Chúng tôi rất tự hào với truyền thống đó và sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để xây dựng Cát Thịnh ngày một giàu mạnh. Đồng chí Hoàng Thị Huế- Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn:
Ngoài đưa nội dung này vào hoạt động sinh hoạt thường xuyên của chi đoàn cơ sở, chúng tôi còn lựa chọn những địa danh lịch sử đã được ghi danh, gắn liền với những chiến công lẫy lừng của quân và dân Văn Chấn làm “địa chỉ đỏ” để thanh niên đến tham quan, học tập. Qua đó giáo dục lý tưởng, hoài bão, nâng cao tinh thần trách nhiệm để tuổi trẻ thực sự trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong mọi hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Thanh Hà (thực hiện) |
Phương Thảo
Các tin khác
YBĐT - Với phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, mùa huấn luyện năm 2014 của các lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn huyện Lục Yên tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện. Thông qua huấn luyện giúp cán bộ, chiến sỹ nâng cao hơn nữa nhận thức chính trị, làm chủ thiết bị, vũ khí, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc.
YBĐT - Được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái từ tháng 9/2008, Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816) đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết nhiều ca bệnh nặng, giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến.
Bộ Ngoại giao cho rằng nếu phố Tôn Thất Đàm là tuyến phố đi bộ, các phương tiện sẽ không thể vào Bộ này, điều đó ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và toàn bộ hoạt động của Bộ.
Sáng 1/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông báo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014.