Lực lượng công an Yên Bái trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
- Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2014 | 3:44:42 PM
YBĐT - Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái đã có những đóng góp tích cực như: vận động quần chúng phòng gian, bảo mật; đấu tranh chống gián điệp, biệt kích và bọn phản động; củng cố hậu phương, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu (ngoài cùng bên phải) - Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra, nắm tình hình tại cơ sở.
|
Vận động quần chúng phòng gian, bảo mật
Để bảo vệ hậu phương và chính quyền cách mạng trong kháng chiến, công tác phòng gian, bảo mật là nguyên tắc quan trọng hàng đầu và được tuyên truyền, giáo dục trở thành ý thức thường trực của cán bộ, lực lượng vũ trang và của cả toàn dân. Quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, phương hướng nhiệm vụ của ngành và bám sát yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, lực lượng công an tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo các tổ điệp báo, tìm cách chắp nối với các cơ sở mật của ta ở vùng Khánh Yên, Võ Lao, Phong Dụ (Văn Bàn), Gia Hội, Tú Lệ (Văn Chấn), Hưng Khánh (Trấn Yên).
Hình thức “cơ sở mật giao” trong hàng ngũ địch được các điệp báo viên của ta áp dụng có kết quả, giúp bộ đội và du kích đánh chiếm được nhiều đồn bốt của Pháp ở Nghĩa Lộ (Văn Chấn), Đại Phác (Trấn Yên), Phong Dụ, Làng Cóc, Bảo Hà (Văn Bàn).
Để bảo vệ các cơ sở bí mật của ta, quán triệt nguyên tắc “trừng trị kết hợp với khoan hồng”, lực lượng công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng vũ trang diệt trừ 59 tên tề điệp tay sai, bắt được 32 tên khai thác (trong đó có 31 tên hoạt động do thám, gián điệp). Điệp báo của ta còn phối hợp với lực lượng du kích bí mật hỗ trợ cho nhân dân đặt chông, cài bẫy, xây dựng chiến lũy và hệ thống truyền tin báo động bằng kẻng, mõ để tổ chức dân tản cư và kịp thời chiến đấu chống địch càn quét.
Ty Công an Yên Bái đã cho thành lập các trạm công an được phân bố ở các ngả đường cùng với dân quân, du kích địa phương phối hợp canh phòng, cẩn mật.
Ngoài việc kiểm soát giấy tờ và vận động quần chúng quanh khu vực, lực lượng công an còn xây dựng cơ sở tai mắt trong nhân dân, phát hiện những người nghi vấn vào khu vực.
Ban lãnh đạo Ty Công an Yên Bái đã cử 3 cán bộ chuyên trách về các huyện xây dựng và tổ chức huấn luyện cho 40 ủy viên trật tự xã, 90 ủy viên trật tự thôn với 388 trật tự viên, chú trọng công tác tuyên truyền và vận động quần chúng thực hiện “3 không” (không biết, không nghe, không nói), tổ chức các nhóm “Ngũ gia liên bảo”, biên soạn cuốn sách nhỏ “Cảnh giác” để quần chúng học tập thực hiện bảo mật, phòng gian, xây dựng công tác bí mật (chỉ điểm) trong nội bộ cơ quan chống nội gián, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển Đảng và củng cố cơ sở chính trị ở địa phương tại các nơi dân cư tập trung, nơi cửa ngõ ra vào vùng địch kiểm soát.
Việc theo dõi, cảnh mật ở các địa bàn do quần chúng đảm nhận được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Từ người bán hàng rong, người sửa chữa xe đạp, thợ cắt tóc, đan lát được bố trí tại các tụ điểm dân cư hoặc trên các ngả đường quan trọng cho đến những người lái đò trên sông, người đi đốn củi trong rừng, người làm nương rẫy, em bé chăn trâu… cũng đều là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng. Không có một việc gì xảy ra ở đây, không có một người lạ mặt nào ra vào khu vực của ta lại có thể lọt qua con mắt tinh tường của đồng bào địa phương.
Ngoài việc tăng cường các đồn, trạm kiểm soát công khai, Ban lãnh đạo Ty Công an Yên Bái còn đặc biệt chú trọng công tác phản gián. Ban điều tra chính trị đã hình thành các tổ trinh sát, tăng cường xây dựng cơ sở bí mật để phát hiện do thám địch, phát hiện và bắt giữ kịp thời tên gián điệp Hoàng Văn Đường do Phân khu Nghĩa Lộ phái ra và tên Huỳnh Thúc Bình do địch ở Sơn Tây phái lên là chiến công đầu làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ ta thi đua “giết giặc, lập công”.
Những chiến công của lực lượng công an Yên Bái đã góp phần cùng với lực lượng vũ trang của ta buộc địch phải rút khỏi 2 cứ điểm quan trọng là Nghĩa Lộ và Than Uyên, tạo ra thế và lực, chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc bước vào giai đoạn quyết định.
Đấu tranh chống gián điệp, biệt kích và bọn phản động, làm thất bại âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp
Để xây dựng hậu phương vững chắc về mọi mặt, quân và dân tỉnh Yên Bái còn phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đập tan các vụ bạo loạn, tiễu phỉ trừ gian, đấu tranh chống gián điệp, biệt kích và bọn phản động, làm thất bại âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp.
Cùng với các hoạt động về quân sự, cơ quan tình báo Pháp ở Phân khu Nghĩa Lộ còn tuyển lựa bọn Việt gian đưa về Ngọc Hà (Hà Nội) huấn luyện biệt kích (CQMA) rồi tung vào vùng giải phóng của ta, tập hợp lực lượng phản động trong người Thái, Mông, Dao ở Than Uyên và Văn Bàn để gây phỉ, sử dụng bọn sĩ quan Pháp đội lốt thầy tu và bọn phản động lợi dụng tôn giáo với âm mưu gây bạo loạn, chống chính quyền cách mạng.
Ở tỉnh Yên Bái, xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương trên cơ sở nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, tháng 4/1951, Tỉnh ủy đã triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ III. Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, sửa chữa những sai lầm trong công tác tổ chức, cán bộ và công tác vận động quần chúng, đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, phát triển công tác vùng địch tạm chiếm và chuẩn bị về mọi mặt cho giai đoạn tổng phản công.
Năm 1952, Đảng bộ tỉnh Yên Bái mở hội nghị tổng kết công tác vùng địch hậu. Sau hội nghị này, việc chỉ đạo kháng chiến có bước tiến mới rất quan trọng. Đến ngày 14/10/1952, lực lượng vũ trang của ta đánh chiếm Ca Vịnh và Sài Lương. Ngày 17/10/1952, ta tiêu diệt cứ điểm Pú Chạng; ngày 18/10/1952, chiếm đồn Nghĩa Lộ phố. Tháng 12/1952, phần lớn đất đai của khu Tây Bắc được giải phóng.
Bị thất bại nặng nề về quân sự, cuối năm 1952, thực dân Pháp đã liên tiếp tung các toán gián điệp biệt kích xuống các huyện Văn Chấn, Than Uyên và Văn Bàn để tìm cách bắt liên lạc với bọn phản động trong ngụy quân, ngụy quyền cũ nhằm xây dựng cơ sở, tìm cách chui vào chính quyền và lực lượng vũ trang của ta.
Ngày 13/12/1952, chúng thả 10 tên xuống Nậm Cần (Văn Bàn) liên lạc với cơ sở địch ở Nậm Cần, Minh Lương, Khánh Yên, Kim Sơn. Ngày 18/12/1952, thực dân Pháp thả 8 tên biệt kích xuống Bản Lừu (Văn Chấn).
Riêng ở Than Uyên, bọn gián điệp, biệt kích hoạt động mạnh ở trên các tuyến từ huyện đi Sơn La, Phong Thổ, Văn Chấn. Lợi dụng tình hình trên, bọn phản động ở Lục Yên và bọn phản động đội lốt tôn giáo ở Trấn Yên, Yên Bình cũng ra sức chống phá cách mạng.
Năm 1952, tên Châu Đoàn Đạt đã lập ra ở Yên Bình tổ chức phản động mang tên “Quốc gia liên minh”. Chúng đã phát triển đến 40 tên. Do làm tốt công tác vận động quần chúng phòng gian, bảo mật, nhân dân đã giúp lực lượng công an tỉnh kịp thời đấu tranh, bắt xử lý tên Châu Đoàn Đạt và 7 tên cốt cán.
Đặc biệt là giữa tháng 4/1953, bọn phản động ở Than Uyên đã liên lạc với bọn phỉ ở Bình Lư, Phong Thổ tiếp nhận vũ khí và tập hợp lực lượng kéo nhau lên rừng để nổi phỉ. Pháp đã đưa tên Đình Tấn về chỉ huy ở vùng này. Chúng nêu chiêu bài “Xứ Thái tự trị”, “Người thiểu số không bắn người thiểu số”, “Đánh người Kinh giải phóng thuế, giải phóng dân công”. Một số quần chúng do chưa hiểu cách mạng, bị lừa bịp đã tin theo.
Đến giữa tháng 11/1953, chúng mở rộng hoạt động ra vùng du kích của ta ở Mường Kim, Khao Mang, Mồ Dề, Lao Chải, lực lượng của chúng phát triển lên tới 2.000 tên. Chúng được máy bay Pháp liên tục thả dù tiếp tế vũ khí, lương thực. Ý đồ của Pháp là lấy Than Uyên làm bàn đạp phát triển phỉ xuống Văn Chấn, sang Văn Bàn và Lục Yên.
Từ phong trào quần chúng vững mạnh đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/8 hằng năm là Ngày Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cũng từ năm 2006 đến nay, với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vững mạnh trên địa bàn toàn tỉnh, an ninh trật tự luôn được đảm bảo và giữ vững, Công an tỉnh Yên Bái liên tục được Bộ Công an tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc và năm 2013 được tặng cờ thi đua của Chính phủ. |
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Yên Bái và Lào Cai, Ban Chỉ huy tiễu phỉ tỉnh Yên Bái và Lào Cai được thành lập. Ban lãnh đạo Ty Công an Yên Bái (do đồng chí Lê Quân làm Trưởng ty) tăng cường lực lượng, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tỉnh, phát động quần chúng tiễu trừ biệt kích và truy quét bọn phỉ. Kết quả, đầu năm 1954, bọn biệt kích ở Kim Sơn bị các lực lượng của ta bắt gọn, bọn phỉ ở Than Uyên bị tan rã.
Trong số gần 3.000 người theo phỉ, ta đã kêu gọi được 2.283 tên ra hàng, tiêu diệt 186 tên ngoan cố, mở 10 lớp tập huấn cho 1.374 tên, phóng thích cho 135 tên chưa gây tội ác. Ta còn thu được 1.766 súng trường, 251 tiểu liên, 4 trung liên, 9 ra-đi-ô và đài vô tuyến. Chính quyền ở các địa bàn Than Uyên, Văn Chấn, Lục Yên được giữ vững.
Bảo vệ phà Âu Lâu, vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ở tỉnh Yên Bái, đầu năm 1953, để chuẩn bị cho các cuộc tấn công quy mô lớn, Trung ương Đảng chỉ thị cho Đảng bộ, quân dân Yên Bái khai thông và mở rộng con đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang) vào Ba Khe đồng thời mở tiếp đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La (dài 179km) và từ Ba Khe vào Bản Tủ (dài 70km).
Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức tự hào của quân dân Yên Bái. Tỉnh Đảng bộ đã phát động phong trào quần chúng và giao cho lực lượng công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành tổ chức tốt công tác bảo vệ các hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia làm đường; bảo vệ dân công, bảo vệ phà Âu Lâu, vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực phục vụ các cuộc tấn công của bộ đội chủ lực.
Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ thị cho các chi, Đảng bộ lãnh đạo chặt chẽ du kích và nhân dân ở dọc đường 13A và đường từ Ba Khe nối với đường 41, phối hợp chặt chẽ với bộ đội và lực lượng công an bám đường, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến dịch. Lực lượng công an kết hợp với bộ đội và các đội du kích tuần tra bảo vệ từng cung đường.
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, những đợt mưa lũ, rét buốt kéo dài nhưng những chiến sĩ công an tỉnh cùng bộ đội và dân công vẫn ngày đêm bám sát mặt đường, vừa sửa đường vừa chống lại mọi thủ đoạn của địch. Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu đường diễn ra vô cùng gay go quyết liệt, địch càng đánh phá dữ dội, tinh thần dũng cảm lăn lộn bám giữ đường của dân ta càng cao.
Trong những thời gian cao điểm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch tập trung đánh phá dữ dội con đường độc đạo của ta. Chúng điên cuồng dội bom xuống các trọng điểm ở đèo Lũng Lô, bến phà Âu Lâu, phà Hiên, phà Đá Trắng, Ngòi Lao.
Chỉ tính riêng ở Lũng Lô, địch đã thả xuống hơn một ngàn quả bom các loại. Sau mỗi đợt địch đánh phá, lực lượng công an, quân đội và dân quân ta đã lập tức có mặt để đảm bảo thông đường, cải tiến kỹ thuật đưa phà qua sông.
Bến phà Âu Lâu bình thường mỗi đêm chỉ có 30 - 40 xe qua (mỗi chuyến mất 30 phút). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có đêm đã đưa được 93 xe qua sông, mỗi chuyến phà chỉ hết 15 phút. Cùng thời gian này, hàng vạn dân công dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn, suối sâu, đèo cao vận chuyển được 22.370 tấn vũ khí, khí tài, lương thực ra mặt trận.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã tổ chức động viên, huy động được 31.652 dân công làm 1.650.740 công, 2.700 công thuyền máy, 2.646 công xe thồ, huy động được 1.840 tấn gạo, 1.213 con trâu, bò, 489 con lợn (trọng lượng trên 105 tấn) và hàng chục vạn tấn rau xanh cung cấp cho mặt trận. Nhân dân, các cơ quan đã gửi thư, quà động viên cán bộ, chiến sỹ đang ở ngoài mặt trận. Những việc làm tình nghĩa đó đã góp phần động viên và phục vụ kịp thời chiến dịch.
Tổng kết chiến dịch, quân và dân Yên Bái đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công cho 2 tập thể và 3 cá nhân, 1 lá cờ của Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng, 15 bằng khen của Liên khu. Trong những thành tích tự hào đó, có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng công an tỉnh.
Trong 9 năm cùng cả nước dốc sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái, trong đó có lực lượng công an phải thường xuyên đối phó với các hoạt động tình báo, gián điệp của Pháp, Mỹ, đặc vụ Tưởng; các tổ chức, các đảng phái phản động làm tay sai cho địch; bọn phản động đội lốt tôn giáo và mạng lưới tình báo gián điệp của giặc cài cắm ở hậu phương ta...
Công tác vận động quần chúng, nhất là công tác vận động quần chúng phòng gian, bảo mật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của lực lượng công an nói chung, Công an tỉnh Yên Bái nói riêng đã đem lại hiệu quả to lớn, phát động được khí thế cách mạng của quần chúng, xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Để hạn chế thấp nhất những nguyên nhân, điều kiện phát sinh cháy nổ, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên và người dân về công tác PCCC, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC đến từng cán bộ, công nhân viên, hộ dân.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có Thư chúc mừng gửi tới các vị sư sãi, acha, cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer.
Tối 7/4, tại quảng trường 14/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và Quyết định công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.
YBĐT - Nhiều năm qua, mạng lưới giao thông của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể. 100% các địa phương đều đã có đường ô tô đến tận trung tâm, nhiều con đường đất đá lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch, đẹp.