Chương trình giao lưu việc làm cho người khuyết tật
- Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2014 | 8:09:30 AM
Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” đã trở thành địa chỉ tin cậy để chia sẻ những khó khăn với người khuyết tật.
Trong ảnh: Anh Quách Đức Mạnh, một người khuyết tật ở Thanh Oai - Hà Nội đã vươn lên mở xưởng mộc và tạo việc làm cho nhiều thanh niên.
|
Hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, tối 13/4 tại Hà Nội, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 11 với chủ đề "Việc làm cho người khuyết tật và cơ hội cho trẻ mồ côi".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã tới dự.
10 năm qua, Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” đã trở thành địa chỉ tin cậy để các nhà hảo tâm chia sẻ những khó khăn với người khuyết tật; là nơi người khuyết tật và trẻ mồ côi động viên nhau tự tin vươn lên trong cuộc sống. Qua 10 năm, các cấp Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi cả nước đã tiếp nhận trên 1.000 tỷ đồng, hỗ trợ 3 triệu lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt qua khó khăn.
Với chủ đề “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật”, Chương trình “Một trái tim- Một thế giới” lần này hướng sự quan tâm của cộng đồng, xã hội nhiều hơn đến hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Trong chương trình, khán giả được giao lưu với các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình những năm qua. Đó là Thượng tọa Thích Định Tánh, Trụ trì chùa Cẩm Phong, tỉnh Tây Ninh đã nhận nuôi dưỡng 210 người già neo đơn và trẻ mồ côi không nơi nương tựa; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam Protect nhận 30% lao động là người khuyết tật vào làm việc đã thiết kế dây chuyền sản xuất phù hợp với người khuyết tật ngồi trên xe lăn, giúp họ được làm việc trong môi trường bình đẳng, tự nuôi sống bản thân.
Bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam Protect chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, một trong những triết lý kinh doanh của Protect là tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Từ những ngày đầu, chúng tôi chỉ có 1 người, cho đến bây giờ chúng tôi có 30 người làm việc tại nhà máy. Chúng tôi cũng mong muốn được chia sẻ để làm thế nào các công ty khác cũng cùng chung tay đóng góp. Bởi chúng ta cho họ việc làm, chúng ta cho họ một cuộc sống, chính là gián tiếp góp phần cho sự phát triển bền vững của xã hội, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống”.
Khán giả còn được gặp gỡ, giao lưu với một số gương người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đó là Trần Văn Diệu, bị khuyết tật chân nhưng vẫn vươn lên trong lao động sản xuất, trở thành chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Xuân Diệu, bản thân anh còn tham gia các cuộc thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế; chàng trai Đỗ Duy Hiếu, bị liệt cả 2 chân vì tai nạn giao thông, nhưng đã nỗ lực vươn lên thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tốt nghiệp thủ khoa của trường…
(Theo VOV)
Các tin khác
Vào khoảng 10 giờ ngày 13/4, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi bảy em học sinh tiểu học dắt nhau lội qua sông Nậm Mu (thuộc địa phận bản Hỳ, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu) và bị nước cuốn trôi, trong đó có một em đã bị nước cuốn mất tích.
Sau năm 2011, 2012 đến năm 2013 tỉnh Yên Bái đã khắc phục triệt tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
YBĐT - Ngày 12/4, Báo Hà Giang long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày ra số đầu tiên (13.4.1964 – 13.4.2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cho rằng chi phí tổ chức thu phí bảo trì đường bộ xe máy tốn kém, mất thời gian trong khi số tiền thu được quá ít ỏi, tại buổi giải trình về Pháp lệnh phí, lệ phí do Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH tổ chức chiều 11.4, nhiều ĐBQH chuyên trách đề nghị Chính phủ xem xét bỏ loại phí này.