Thực hiện tốt vai trò người đại diện của nhân dân
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2014 | 2:53:57 PM
YBĐT - Đó là một trong những nội dung cốt lõi của Chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019 của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Mù Cang Chải.
Đồng bào Mông xã La Pán Tẩn luôn giữ gìn và phát huy nghề thêu dệt truyền thống.
|
Quả thật, trong “hàng núi” công việc mà Mặt trận phải tham gia phối hợp và thực hiện thì đâu là việc chính? Mặt trận được xác định là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tất cả các tổ chức và các cá nhân trong toàn xã hội cùng có chung mục tiêu phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp vững chắc xung quanh Đảng để thực hiện mục tiêu trên.
Yêu cầu đặt ra là như vậy nhưng ở một huyện vùng cao với 95,5% là bà con dân tộc Mông, là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước thì việc tập hợp đoàn kết đồng bào các dân tộc đi theo Đảng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương phải làm gì, bắt đầu từ đâu là điều Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải phải động não, tìm ra “nút thắt” để mở hướng đi hiệu quả. Bà con người dân tộc thiểu số thường suy nghĩ thiết thực, cụ thể, nhìn thấy thì mới tin mà đã tin thì theo đến cùng và rất nhiệt tình, tâm huyết. Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện cho rằng, công tác mặt trận không thể chung chung, cái gì cũng “góp phần” một tí mà phải có nội dung, hình thức cụ thể để tập hợp, thu hút nhân dân vào các đoàn thể và Mặt trận.
Là huyện nghèo thì việc vận động bà con chăm chỉ làm ăn, xóa đói giảm nghèo đương nhiên là việc cơ bản, thiết thực nhất. Bằng tâm huyết, nhiệt tình và với nhiều cách làm sáng tạo, 5 năm qua, hàng nghìn cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở Mù Cang Chải, đặc biệt là các cơ sở đã bám bản, bám dân, ở trong dân để hiểu hết những khó khăn cũng như nguyện vọng, mong muốn của dân, từ đó khơi gợi tình làng, nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái để động viên bà con vừa nỗ lực làm cho đủ ăn, đủ mặc, tiến tới giàu có đồng thời sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, ốm đau, bị tai nạn do lũ quét, sạt lở đất, cháy nhà...
Dù nghèo nhưng với tinh thần nhường cơm sẻ áo, nhân dân Mù Cang Chải cũng đóng góp được 155 triệu đồng tiền mặt cùng với hơn 2.900 ngày công lao động và vật liệu làm nhà, giống cây trồng, vật nuôi giúp hộ nghèo trị giá trên 80 triệu đồng; cùng với được Quĩ “Vì người nghèo” của tỉnh hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng đã sử dụng có hiệu quả, làm 1.906 nhà cho các hộ nghèo. Mặt trận còn phối hợp với các ngành, đoàn thể rà soát, bình chọn đúng đối tượng và vận động bà con giúp thêm công sức làm 2.792 nhà cho các hộ nghèo theo Chương trình 134 của Chính phủ.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tín chấp, bảo đảm cho các hộ nghèo vay hàng chục tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Đây vừa là một nội dung hoạt động thiết thực chăm lo cho dân của các đoàn thể và Mặt trận vừa có sức thu hút, tập hợp mạnh mẽ bởi bà con thấy lợi ích thiết thực khi tham gia sinh hoạt đoàn thể và Mặt trận. Bởi thế đã có trên 80% dân số tham gia các đoàn thể là thành viên của Mặt trận.
Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là yêu cầu đặc biệt cần đối với cán bộ Mặt trận. Trong một nhiệm kỳ, MTTQ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức tập huấn cho 800 lượt cán bộ cơ sở cho đến khu dân cư. Nắm bắt kịp thời chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, mỗi năm, Mặt trận đã vận động nhân dân đóng góp trên 4.000 ngày công lao động cùng với sự đầu tư của Nhà nước.
Đến nay, Mù Cang Chải đã có đường ô tô đến trung tâm 100% xã; 12/14 xã có đường nhựa đảm bảo đi được 4 mùa; 100% thôn bản có đường đi được xe máy; 65% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Ai đã từng đến Mù Cang Chải những năm trước đây mới thấy những kết quả còn khiêm tốn đó là cả một kỳ công để người dân huyện vùng cao này vươn lên xóa đói giảm nghèo, từng bước sánh vai với các địa phương khác trên con đường phát triển.
Thường xuyên tập hợp, huy động được trên 80% dân số trong các tổ chức thành viên của mình, thông qua các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện nhân đạo là hình thức tập hợp nhân dân, MTTQ huyện Mù Cang Chải đã động viên toàn dân thi đua lao động sản xuất, tham gia các phong trào “Xanh làng, xanh rừng, xanh nương rẫy” và “Không trồng, không hút, không buôn bán thuốc phiện”, không vượt biên trái phép đi làm việc ở nước ngoài, cảnh giác để không bị lừa bán ra nước ngoài.
Từ việc nhỏ đến việc lớn, Mặt trận hòa giải 625 vụ việc từ khu dân cư không để xảy ra phức tạp, “cái sảy nảy cái ung”. Rồi tổ chức cho hơn 8.000 lượt cử tri tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, tập hợp nhiều ý kiến, kiến nghị gửi lên cấp trên; tổ chức hàng trăm cuộc họp của dân và lấy ý kiến đến từng hộ dân tham gia sửa đổi Hiến pháp 1992; nhân dân thực hiện tốt quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp với 99,94% số cử tri đi bầu.
Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã đáp ứng đúng yêu cầu ở đây là làm sao xóa bỏ tập tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ nhiều; chăn nuôi gia súc còn thả rông; thiếu công trình vệ sinh gia đình; ma chay, cưới xin còn ăn uống nhiều, gây tốn kém... Người trong cuộc khó nói, có Mặt trận đứng ra nói hộ để giảm khó khăn cho các hộ có việc là rất thiết thực. Thấy được lợi ích của cuộc vận động, 80% số hộ dân đã đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa, cam kết thực hiện các nội dung do MTTQ vận động.
Làm người đại diện của nhân dân quả là không dễ bởi Mặt trận phải ở trong dân, đồng hành với dân, cùng dân chia sẻ mọi nỗi niềm, thực sự vì dân. Nhiệm kỳ qua, MTTQ huyện Mù Cang Chải đã làm được nhiều việc quan trọng. Nhưng để thực hiện tốt vai trò người đại diện của người dân thì chắc chắn đội ngũ cán bộ Mặt trận từ huyện đến cơ sở phải nâng tầm hơn nữa, nhất là để thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị. Đa số cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của huyện có việc làm ổn định, các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương hoãn tất cả các hoạt động chưa cần thiết, tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống tiêu, hồ chứa, các vùng xung yếu... thực hiện cấm biển ngay trong hôm nay (17/7), trong ngày mai (18/7), không để ngư dân còn hoạt động trên biển.
Ngày 16-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học (tại trang web của bộ: www.moet.gov.vn).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 10g sáng 17/7, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.