“Hụt hơi” tiêu chí cơ sở vật chất
- Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2014 | 2:39:19 PM
YBĐT - Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế Yên Bái đã lập Đề án Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) giai đoạn 2011-2020 của tỉnh và có văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế, phòng y tế tuyến huyện rà soát, chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì theo chuẩn cũ, triển khai thực hiện theo bộ tiêu chí mới, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trạm Y tế xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn xuống cấp, không đáp ứng quy định về cơ sở vật chất.
|
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kinh nghiệm của các tuyến trong triển khai thực hiện CQGVYTX giai đoạn 2005-2010, việc triển khai Đề án ở Yên Bái đã được thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn và chỉ đạo điểm tại các xã gần cập với Bộ tiêu chí quốc gia. Tháng 3/2012, Sở Y tế đã hoàn thiện Đề án và được HĐND tỉnh phê duyệt tại kỳ họp thứ 5, HĐND, khóa XVII bằng Nghị quyết số 14/2012/NQ-HĐND, ngày 20/7/2012, UBND tỉnh phê duyệt bằng Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 29/8/2012 về việc phê duyệt Đề án Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012-2015.
Tại huyện Văn Yên, theo kế hoạch, sẽ có 8 xã đạt CQGVYTX theo bộ tiêu chí mới. Bác sỹ Nguyễn Thị Hữu - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Hết năm 2012 và 2013, huyện đã chỉ đạo xây dựng thành công ở 4 xã gồm: Xuân Ái, Hoàng Thắng (năm 2012), Đại Phác, Yên Phú (năm 2013). Trong năm 2014, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn là Quang Minh và Yên Hưng. Đến hết năm 2015, Văn Yên sẽ đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch giao 8/8 xã đạt CQGVYT".
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với Văn Yên là hầu hết các xã được triển khai xây dựng là những địa phương có khả năng về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh và nguồn nhân lực y tế… Một câu hỏi đặt ra, giai đoạn 2015 - 2020, khi các xã hiện nay chưa được triển khai xây dựng chuẩn và còn khó khăn thì việc đáp ứng được những đòi hỏi của các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới quy định sẽ ra sao?
Cũng như Văn Yên, đến hết năm 2014, huyện Văn Chấn sẽ có 6 xã đạt CQGVYTX gồm: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, xã Đồng Khê, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Hạnh Sơn và Phúc Sơn. Do địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn, nhiều xã vùng cao khó khăn đã ảnh hưởng đến xây dựng CQGVYTX giai đoạn 2012 - 2015. Đặc biệt, theo bộ tiêu chí mới sẽ có nhiều tiêu chí được nâng lên và đưa vào một số tiêu chí mới về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số… sẽ là những thách thức lớn đối với các xã trên địa bàn.
Bác sỹ Hoàng Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: "Các xã vùng cao của huyện còn nhiều tập quán lạc hậu, thói quen và hành vi của người dân về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa thay đổi. Một số ban chỉ đạo xã còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của tuyến trên, chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã chưa thực sự quyết liệt…". Không chỉ Văn Chấn, Văn Yên mà hầu hết các huyện, thị, đặc biệt là những huyện vùng cao đều có chung thực trạng này.
Hết năm 2013, Sở Y tế đã tiến hành thẩm định kết quả thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí mới. Kết quả, đã có 26 xã đạt gồm: thành phố Yên Bái 3 đơn vị, thị xã Nghĩa Lộ 1, Lục Yên 4, Trấn Yên 4, Yên Bình 4... Quá trình triển khai xây dựng CQGVYTX theo bộ tiêu chí mới, tỉnh chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh cho các trạm y tế thông qua triển khai các dự án về cải thiện hệ thống y tế cơ sở, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất cho 17 trạm y tế, mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho 13 trạm y tế của 8 huyện, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, các hoạt động về chuyên môn...
Ông Phạm Đắc Ninh - Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế cho biết: "Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh sẽ có 54 xã, bằng 30% tổng số xã đạt CQGVYTX theo bộ tiêu chí mới và đạt 100% kế hoạch của Đề án. Hết năm 2020, dự kiến sẽ có 126 xã đạt chuẩn”.
Với những khó khăn trên, hiện nay các huyện mới chỉ tập trung triển khai ở những xã có khả năng đạt tiêu chí, chưa triển khai trên toàn địa bàn, do vậy, một số xã chưa triển khai khi được giao chỉ tiêu còn túng túng có phần “hụt hơi”. Phần lớn các trạm y tế cơ sở vật chất xuống cấp, còn thiếu các phòng chức năng, thiếu trang thiết bị, chưa đáp ứng các loại thuốc trong danh mục quy định, thiếu kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng và các hoạt động thường xuyên tại trạm y tế xã; trình độ, năng lực chuyên môn và quản lý của cán bộ chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, thiếu bác sỹ, cán bộ chuyên trách dân số xã chưa được đưa vào biên chế trạm y tế theo Thông tư 05 của Bộ Y tế.
Tính đến hết ngày 31/12/2013, toàn tỉnh mới chỉ có 104/180 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ.
Toàn tỉnh hiện còn 130 trạm y tế cần được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp (toàn tỉnh mới chỉ có 17 trạm được đầu tư từ Dự án Cải thiện hệ thống y tế cơ sở (Dự án AP) có đầy đủ về trang thiết bị). Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại một số xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Ở một số xã, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, công tác giám sát hỗ trợ của tuyến tỉnh, huyện chưa thực hiện tốt...
Tất cả đó là bài toán khó trong công tác xây dựng CQGVYTX theo bộ tiêu chí mới của tỉnh Yên Bái nói chung, của ngành chức năng nói riêng. Để xây dựng CQGVYTX một cách bền vững, ngoài duy trì, giữ vững 26 xã đã được công nhận đạt CQGVYT theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020, ngành y tế Yên Bái sẽ tăng cường công tác chỉ đạo đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; xây dựng các dự án kêu gọi tài trợ tạo nguồn vốn xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã; triển khai Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế, giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 33 của UBND tỉnh để bổ sung sự thiếu hụt bác sỹ và đào tạo lại nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn cho cán bộ y tế xã; đẩy mạnh truyền thông nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe; tăng cường giám sát hỗ trợ của các tuyến, tuyến huyện thành lập các nhóm giám sát hỗ trợ thường xuyên xuống hỗ trợ các xã...
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai. Nỗi đau chiến tranh là mái tóc đã điểm bạc, là đôi mắt đã mờ nhòa, là nỗi nhớ thương của những người mẹ, người cha, người vợ, người con… có người thân đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày 30-7, sau vụ hành hung một số cán bộ y tế Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai khi đang làm nhiệm vụ, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện và Sở Y tế các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường và đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Libya, ông Đào Duy Tiến, thời điểm này, việc đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam tại Libya hiện là ưu tiên hàng đầu.