Xác định mức độ khuyết tật theo đúng qui trình
- Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2014 | 9:09:41 AM
YBĐT - Vừa qua, Báo Yên Bái nhận được ý kiến bạn đọc phản ánh về việc rà soát, xác định, giải quyết chế độ cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn huyện Lục Yên còn sai sót. Điển hình là một số trường hợp ở xã Tân Lĩnh được xã kết luận mức độ nhẹ và không cho hưởng chế độ NKT, một số trường hợp khác cũng bị cắt chế độ NKT.
Trước vấn đề nêu trên, Báo Yên Bái đã có công văn đề nghị chính quyền huyện Lục Yên kiểm tra, xem xét và làm rõ sự việc bạn đọc nêu. Trên cơ sở đó, ngày 6/9/2014, Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật (XĐMĐKT) xã Tân Lĩnh đã có văn bản trả lời như sau:
Từ năm 2007, thực hiện chế độ NKT theo Nghị định 67/2007, Nghị định số 13/2010 của Chính phủ, xã Tân Lĩnh có 51 người được hưởng chế độ khuyết tật. Đến cuối năm 2013, thực hiện điều chỉnh theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, ngày 10/4/2014 của Chính phủ về việc qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, số NKT được hưởng theo Nghị định còn 34 người.
Căn cứ vào Hướng dẫn liên ngành số 01/HDLN - của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện XĐMĐKT do Hội đồng XĐMĐKT thực hiện; thực hiện kế hoạch của UBND huyện Lục Yên về triển khai rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và thực hiện một số chính sách trợ giúp đối với NKT, UBND xã đã triển khai xác định dạng tật và khuyết tật đối với tất cả các đối tượng khuyết tật trên địa bàn. Xã đã thành lập Hội đồng XĐMĐKT, chỉ đạo các thôn, bản tiến hành rà soát, thông báo tới tất cả những NKT đến Trạm Y tế xã để Hội đồng xác định dạng tật và đánh giá mức độ khuyết tật cho từng đối tượng.
Việc đánh giá, XĐMĐKT đối với trường hợp đặc biệt nặng đã được xác định ngay từ đầu thông qua báo cáo của cơ sở, tiến hành kiểm tra trực tiếp các hoạt động đi lại và hoạt động khác phải có người trợ giúp hoàn toàn, còn lại các trường hợp khác tự đến kê khai, phỏng vấn chấm điểm trực tiếp thực hiện theo Hướng dẫn liên ngành số 01, điều 3 và 4 Nghị định 28 của Chính phủ. Việc tổ chức chấm điểm công khai, minh bạch. Kết quả có 97 trường hợp khuyết tật, trong đó có 19 trường hợp đặc biệt nặng (từ 0 - 5 điểm), 21 mức độ nặng (từ 6 - 11 điểm), còn lại thuộc mức độ nhẹ (12 điểm trở lên).
Sau khi Hội đồng XĐMĐKT thông báo mức độ khuyết tật cho các đối tượng có anh Vũ Vinh Thương sinh năm 1963 ở thôn Trung Tâm được xác định dạng khuyết tật là vận động và trí tuệ ở mức 12 điểm - mức độ nhẹ. Bà Trần Thị Dương, là mẹ của anh Thương, không đồng ý với kết luận của Hội đồng XĐMĐKT của xã đã xin giấy giới thiệu cho anh Thương đi giám định tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh Yên Bái. Ngày 27/6/2014, UBND xã nhận được biên bản khám giám định y khoa đối với anh Vũ Vinh Thương có kết luận: Dạng khuyết tật: Thần kinh, tâm thần, trí tuệ, vận động; tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật/khuyết tật là 81%; mức độ khuyết tật: đặc biệt nặng.
Thực tế, việc tổ chức XĐMĐKT anh Thương vẫn tự đi lại, trả lời các câu hỏi bình thường và tự ăn uống, vệ sinh cá nhân không cần sự trợ giúp nào khác. Trong biên bản họp thôn Trung Tâm ngày 23/7/2014 có xác nhận "anh Thương vẫn tự đi lại quanh xóm, tự ăn uống, vệ sinh cá nhân bình thường". Năm 2009, anh Thương đã kết hôn bình thường, tình trạng hiện nay không có thay đổi gì so với trước, do vậy, kết quả giám định của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Yên Bái đã gây bức xúc trong nhân dân.
Theo qui định tại điều 3, điều 4 Nghị định 28 của Chính phủ và Hướng dẫn liên ngành số 01 có qui định "quan sát trực tiếp NKT thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội để đánh giá chấm điểm" thì anh Thương vẫn ở mức 12 điểm. Vì vậy, Hội đồng XĐMĐKT xã Tân Lĩnh không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Yên Bái.
Trường hợp anh Quách Văn Hải sinh năm 1968, cư trú tại thôn 7, ngày 1/10/2013, Hội đồng XĐMĐKT của xã xác định dạng tật của anh Hải là dạng khuyết tật nhìn, khi đó, mắt anh Hải chỉ bị mờ, vẫn tự đi lại làm việc bình thường ở mức độ nhẹ (mức 13 điểm). Ngày 25/7/1014, theo định kỳ Hội đồng XĐMĐKT xã mời các đối tượng để XĐMĐKT thông qua quan sát trực tiếp, có cán bộ chuyên môn Trạm Y tế xã kiểm tra xác định. Lúc này, anh Hải đã bị mù cả 2 mắt, không tự đi lại được, các hoạt động vệ sinh cá nhân cần có sự trợ giúp của người khác, UBND xã đã làm thủ tục đề nghị giải quyết trợ cấp ở mức độ nặng và anh Hải đã được thụ hưởng trợ cấp bình thường.
Căn cứ các điều của Luật NKT, Nghị định 28 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, Hội đồng XĐMĐKT xã Tân Lĩnh thực hiện XĐMĐKT theo đúng qui trình, công khai, dân chủ, công bằng, khách quan được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Báo Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Thị trấn hôm nay đã thực sự “thay da đổi thịt”, mang một dáng vẻ mới “văn minh hơn, hiện đại hơn” - đây là cảm nhận chung của hầu hết những ai đã sinh ra và lớn lên trên quê hương Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) và từng biết về nơi đây.
Ngày 17.9, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đã có 10 người chết và 9 người bị thương trong mưa bão số 3.
Bộ GD-ĐT phát đi công điện gửi các Sở, các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp thuộc 29 tỉnh bị ảnh hưởng bão Kalmaegi chủ động cho HS nghỉ học để tránh rủi ro khi đến trường.
Một trận động đất được xem là mạnh nhất từ đầu năm 2014 diễn ra chiều 17/9 ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).