Để con em đồng bào thêm động lực đến trường
- Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2014 | 3:36:44 PM
YBĐT - Trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng của các nhà trường và nỗ lực vươn lên của nhân dân, công tác giáo dục đào tạo ở xã Bảo Ái (Yên Bình) đã có những chuyển biến tích cực. Mỗi gia đình người Dao, người Tày, người Nùng ở địa bàn đặc biệt khó khăn đã có thêm động lực cho con em đến trường.
Lãnh đạo xã Bảo Ái và Trường Tiểu học số 2 kiểm tra công tác thư viện của nhà trường.
|
Xã có 15 thôn thì còn tới 6 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở do địa hình đồi núi, bị các khe suối và nước hồ Thác Bà chia cắt. Do đi lại không thuận lợi, cộng với nghèo đói nên những năm trước đây, con em đồng bào hay bỏ học, ở nhà lo cái ăn cái mặc cùng gia đình. Ngày nắng, trẻ đến lớp đầy đủ; ngày mưa, lớp vắng học sinh. Việc duy trì sỹ số học sinh hết sức khó khăn đối với các nhà trường.
Tình trạng học hành dở dang, ở nhà kiếm kế sinh nhai, chờ ngày lấy vợ lấy chồng diễn ra khá phổ biến trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế mà trình độ học vấn hạn chế, việc tiếp cận những kiến thức xã hội cũng như tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có những trở ngại nên việc gieo trồng, chăn nuôi của đồng bào chưa mang lại hiệu quả cao.
Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục đào tạo trong việc nâng cao dân trí và thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng ủy và chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhà trường và các ngành, đoàn thể ở địa phương chú trọng việc học của con em đồng bào. Hội đồng Giáo dục của xã được kiện toàn do Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm học gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ban chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục xã Bảo Ái cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục mầm non, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên tạo mọi điều kiện cho con em đi học. Đoàn thanh niên gắn hoạt động với tuyên truyền trong tuổi trẻ về phong trào học tập để lập thân, lập nghiệp. Mặt trận Tổ quốc vận động đồng bào quan tâm đến việc học tập của con em, đưa vào mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hội Khuyến học của xã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, khen thưởng học sinh có nhiều cố gắng vươn lên.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó chủ tịch UBND xã Bảo Ái trao đổi: “Cùng với tuyên truyền, vận động, xã luôn quan tâm củng cố cơ sở vật chất cho các nhà trường bằng các nguồn đầu tư của Nhà nước và đóng góp công sức của nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, tổ chức học 2 buổi/ngày đã giúp các cháu đi học đều hơn và tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân trên địa bàn xã”. Cùng với đó, bằng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự cố gắng của nhân dân, kinh tế địa phương đã có bước phát triển, đời sống người dân được cải thiện, việc học được quan tâm hơn trước.
Xã Bảo Ái cũng tranh thủ các nguồn đầu tư của Nhà nước, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng thời huy động nhân dân tham gia tu sửa thường xuyên để việc đi lại bớt khó khăn hơn. Đặc biệt, ở thôn Ngòi Mấy, đồng bào Dao đã cùng nhau bỏ công sức hàng tháng để mở đoạn đường mới qua đồi, tránh dòng suối lũ. Nhờ đó, những ngày mưa, bà con trong thôn và các em học sinh vẫn có thể đi lại, đến trường thuận lợi.
Xã Bảo Ái có trên 8.300 nhân khẩu với 5 dân tộc chung sống, trong đó 46% là người Kinh, người Dao chiếm gần 21%, người Tày có 17%, người Nùng 15%, còn lại là các dân tộc khác. Trên địa bàn hiện có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở với tổng số gần 1.600 học sinh và trẻ mầm non đi học. |
Trong đó, có hai lớp học ở thôn Ngòi Mấy và Ngòi Ngù do nhân dân đóng góp xây dựng, trị giá hàng chục triệu đồng. Hàng năm, các bậc cha mẹ học sinh đã tích cực tham gia tu sửa, vệ sinh trường lớp và đóng góp để nâng cấp các phòng học, tạo môi trường dạy và học bảo đảm trong các nhà trường. Cùng với đổi mới, áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn luôn chú trọng công tác điều tra phổ cập.
Cô giáo Lê Thị Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Bảo Ái cho biết: “Trường chúng tôi được tuyển sinh ở 8 trong số 15 thôn của xã. Hàng năm, trường đều phân công giáo viên làm công tác phổ cập. Đội ngũ này đã phối hợp với các trưởng thôn đến từng hộ gia đình để nắm số lượng học sinh đồng thời tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi học đều đặn. Trường có đến 56% số học sinh là con em người dân tộc thiểu số nhưng giờ việc học cũng được các bậc phụ huynh quan tâm hơn trước nhiều rồi”. Trường Tiểu học số 2 có 15 lớp, 330 học sinh. Ngoài trường ở trung tâm xã, có khu lẻ ở các thôn Ngòi Ngù và Ngòi Nhàu với 5 phòng học. Trường đề ra mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia trong năm học 2014 - 2015 này.
Năm học này, hai trường tiểu học ở xã Bảo Ái đều phấn đấu huy động và duy trì 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, phấn đấu 26/28 lớp học 2 buổi trên ngày. Trường Mầm non xã cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm điều tra phổ cập trẻ 5 tuổi chính xác, đầy đủ để huy động tối đa trẻ mầm non ra lớp. Trường Trung học cơ sở xã tuyển mới 118 học sinh đầu cấp, phấn đấu giữ vững quy mô 14 lớp với 499 học sinh đến hết năm học 2014 - 2015. Cùng với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, việc học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số và sự nghiệp giáo dục đào tạo ở xã Bảo Ái nhất định sẽ thu được những thành tựu trong thời gian tiếp theo.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Lâm Giang (Văn Yên) là xã đặc biệt khó khăn, nhận thức của phần lớn người dân về công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số còn hạn chế bởi trình độ dân trí thấp, tập quán vẫn nặng nề… Vì vậy, nhiều bà mẹ, trẻ em chưa được quan tâm, chăm sóc. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức của người dân nơi đây đã có những chuyển biến tích cực và rõ nhất là công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được quan tâm đúng mực.
YBĐT - Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, Công an huyện Văn Yên đã xây dựng nhiều mô hình sát thực tế ở từng địa phương. Các mô hình này đã góp phần đắc lực trong công tác giữ gìn an ninh trật (ANTT) địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế, xã hội phát triển như mô hình “3 không, 1 giảm” ở xã Châu Quế Thượng, mô hình “2 giảm, 3 giữ” ở xã Lâm Giang”, mô hình “Dân vận khéo”, “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Công an xã trong sạch vững mạnh”…
YBĐT - Hiện nay, các tủ sách pháp luật tại 14 xã, thị trấn trong huyện Mù Cang Chải được duy trì hoạt động với trên 200 đầu sách các loại. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kết hợp với TGPL và tư vấn pháp luật.
YBĐT - Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ xã Ngọc Chấn (Yên Bình), chị Lý Thị Huân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực chăn nuôi đã có gần chục chị em đăng ký mức lợn hơi xuất chuồng trong năm 2014 đạt từ 3 đến 4,5 tấn. Riêng Triệu Thị Mười - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 2 đăng ký mức xuất từ 4,5 đến 5 tấn.