Tiêm chủng mở rộng: Thành tựu và thách thức
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2014 | 9:38:50 AM
YBĐT - Mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bà mẹ mang thai nhằm bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 bệnh truyền nhiễm phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao (lao, sởi, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván). Đến năm 2010, được bổ sung thêm 5 loại vắc xin phòng bệnh khác là viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn.
Tiêm chủng phòng bệnh tại phòng tiêm vắc-xin Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
|
Tại Yên Bái, công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985, giai đoạn này mới chỉ được triển khai ở một số địa bàn thuận lợi, chủ yếu ở vùng thấp, sau đó, từng bước được mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Đến năm 1993, công tác tiêm chủng phòng bệnh đã được triển khai đến 100% thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh và duy trì đến nay.
Thời kỳ đầu mới triển khai gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, phương tiên vận chuyển, bảo quản vắc xin đều rất thiếu, cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm, chính quyền, đoàn thể coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành y tế…. nhưng khó khăn nhất là người dân chưa hiểu, chưa tin tiêm chủng có thể phòng được bệnh. Vì vậy, thời kỳ đầu (1985 – 1990), tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ hàng năm rất thấp - dưới 30%.
Mặc dù khó khăn nhưng những cán bộ y tế dự phòng vẫn không nản lòng. Trung tâm đã cử cán bộ phụ trách, nằm vùng tại các huyện khó khăn, cùng với cán bộ y tế huyện, xã đến từng nhà dân để vận động tiêm chủng, vận động chính quyền, đoàn thể các cấp vào cuộc… Chính vì vậy, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng dần được nâng lên theo năm tháng và từ nhiều năm nay luôn được duy trì ở mức cao - trên 95%.
Sau 30 năm phấn đấu không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền và ngành y tế từ tỉnh đến thôn bản, Chương trình TCMR đã đạt được những thành quả to lớn, đó là làm giảm mạnh các bệnh truyền nhiễm hàng năm gây chết nhiều người như sởi, bại liệt, ho gà, uốn ván; thanh toán bệnh bại liệt năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005; tỷ lệ mắc/chết do bệnh bạch hầu, ho gà liên tục giảm từ năm 1989 đến nay. Trong vòng 5 năm gần đây, không phát hiện ca bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh. Từ năm 2003 đến nay, triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B, góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B và viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ.
Ngày nay, tiêm chủng phòng bệnh đã là nhu cầu của đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chưa thực sự hiểu về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh, vì vậy chưa quan tâm đưa con em đi tiêm; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch ở các vùng này thường thấp. Đây là nguy cơ để các bệnh truyền nhiễm gây dịch có vắc xin tiêm phòng phát sinh, gây dịch như: sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván...
Ngoài ra, một số rủi ro gặp phải khi tiêm chủng chưa được cộng đồng hiểu đúng nên tiêm chủng ở nhiều nơi gặp khó khăn. Kết quả tiêm chủng đạt thấp ở vùng khó khăn cùng với sự lơ là, chủ quan của chính quyền và người dân khi các bệnh có vắc xin tiêm phòng không xuất hiện trong thời gian dài cũng là nguy cơ làm các bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quay trở lại gây dịch, làm giảm thành quả tiêm chủng đã đạt được trong nhiều năm qua.
Để duy trì thành quả tiêm chủng mở rộng đã đạt được trong 30 năm qua, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành để vận động, hướng dẫn người dân quan tâm đến tiêm chủng phòng bệnh, coi đó là giải pháp duy nhất loại trừ các bệnh dịch có vắc xin tiêm phòng phát sinh, gây dịch tại địa phương.
Nguyễn Văn Dậu
Các tin khác
Ngày 19/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước về việc tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2015.
Ngày 19-9, phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã diễn ra nhằm thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông. Tham gia phiên họp có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
YBĐT - Ngày 19/9, Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ hai đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá những kết quả trong công tác triển khai, tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện và triển khai nhiệm vụ, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II/2014.
YBĐT - Ngày 19/9, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính năm 2014. Dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh cùng các học viên.