Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo dục ở Văn Yên:

Tăng thêm nguồn lực xã hội hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 2:19:15 PM

YBĐT - Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị giáo dục ở miền núi, vùng khó khăn đòi hỏi đầu tư liên tục với nguồn kinh phí lớn. Chủ động khắc phục những khó khăn về ngân sách, huyện Văn Yên đã huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội hóa, vì vậy, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố tới nay đã đạt 88,5%. Nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho CSVC tăng lên, đâu là mấu chốt?

Điểm trường mầm non thôn Châu Tự, xã Châu Quế Hạ được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa.
Điểm trường mầm non thôn Châu Tự, xã Châu Quế Hạ được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Tìm thêm nguồn lực

Khi chúng tôi về xã Châu Quế Hạ, trò chuyện với Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Quảng thấy rằng sẽ rất khó khăn nếu không có nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Theo anh Quảng, riêng mầm non xã có 8 điểm trường ở các thôn: Khe Bành, Khe Pháo, Nhược, Mộ, Châu Tự, Ngọc Châu, Chạc, Bản Tác. Trong số này, điểm trường thôn Khe Bành, Mộ cách trung tâm xã từ 10 - 15 km, đi lại rất khó khăn, cơ sở vật chất càng khó khăn hơn.

Không đâu xa, ngay thôn Châu Tự, cách trung tâm xã khoảng 6 km, nhiều năm nay, điểm trường mầm non vẫn học nhờ, xã muốn, dân muốn xây dựng cho con em mình lớp học khang trang nhưng khó khăn, chưa làm được. Cấp ủy, chính quyền xã có nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục mầm non và lãnh đạo địa phương đã chủ động tiếp cận, tranh thủ cộng đồng doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư hỗ trợ về CSVC.

Chính từ sự chủ động này, cộng với nguồn đóng góp của nhân dân Châu Quế Hạ đã xây dựng mới 9 phòng học mầm non tại 5 điểm trường lẻ. Ví như điểm trường mầm non thôn Châu Tự, xã đã kiến nghị cơ quan chức năng bố trí mặt bằng mới 1.700 m2 để xây dựng 2 phòng học diện tích 100 m2, phòng công vụ giáo viên, bếp, công trình vệ sinh với tổng giá trị trên 562 triệu đồng. Trong đó, Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đầu tư hỗ trợ 420 triệu đồng.

Đến Châu Quế Hạ trời mưa như trút nước, các cô giáo Phạm Thị Tuất, Phạm Thị Yến - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non xã Châu Quế Hạ vẫn đội mưa lên Châu Tự gặp chúng tôi: “Các cháu không còn phải học nhờ nữa các anh ạ, mưa gió chẳng ảnh hưởng gì tới việc học và vui chơi của các cháu. Năm học này rất phấn khởi, chúng em đã có 9/14 điểm trường có phòng học kiên cố, bán kiên cố, 454 trẻ mầm non đã đến lớp, không còn chật vật huy động các cháu như mấy năm trước nữa.

Cũng nhờ doanh nghiệp và nhân dân mà trường đã ra trường, lớp đã ra lớp”. Có đến Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm... mới thấy hết được khó khăn của những thầy, cô giáo và con em đồng bào trong việc dạy và học. Như điểm trường tiểu học thôn Khe Kìa, xã Phong Dụ Hạ có 2 phòng học cột gỗ, mái cọ đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho học sinh. Nguồn lực trong dân hạn hẹp, có đóng góp chỉ bằng công sức là chủ yếu, trong khi ngân sách Nhà nước chưa đầu tư chỉ có thể khắc phục bằng nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tìm hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp và ngay đầu năm học 2014 - 2015, hai phòng học tạm đã được xây dựng bán kiên cố nhờ hỗ trợ kinh phí của Công ty TNHH Lương Việt gần 170 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công lao động và nguyên vật liệu xây dựng trị giá 38 triệu đồng.

Tìm hiểu công tác xã hội hóa đầu tư CSVC giáo dục ở Văn Yên, chúng tôi nghiệm ra rằng mấu chốt là phải tìm ra được nguồn lực. Văn Yên hiện nay có 83 cơ sở giáo dục, riêng mầm non trong 26 trường đã có tới 121 điểm trường ở các thôn, bản, tiểu học có 29 trường với 97 điểm trường. Đầu tư xây dựng CSVC nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước khó có thể đáp ứng ngay, trong khi yêu cầu chất lượng giáo dục đang đặt ra cấp thiết. Thế nhưng, các nhà trường rất khó đi tìm và phát huy tốt nguồn lực từ cộng đồng này, phụ huynh càng khó hơn.

Ông Phạm Xuân Sơn - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: “Cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng CSVC, vai trò đó có ý nghĩa quyết định. Từ năm học 2012 - 2013 tới nay, Văn Yên  đã vận động xã hội hóa xây dựng 54 phòng học tại các điểm trường, tổng giá trị trên 6,4 tỷ đồng, số phòng học nhờ từ 94 phòng nay chỉ còn 40 phòng. Nếu không có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt thì nguồn lực tăng thêm từ xã hội hóa giáo dục của huyện sẽ còn khó khăn”.

Nghị quyết của các cấp ủy đều nhấn mạnh tầm quan trọng và trách nhiệm về xã hội hóa nguồn lực đầu tư CSVC cho giáo dục đào tạo nhưng kết quả đem lại chắc chắn không cao nếu chỉ bằng những câu chữ trong văn bản. Bí thư Huyện ủy Trần Thế Hùng quả quyết: “Trách nhiệm đặt lên vai lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền. Quan tâm không chỉ bằng nghị quyết, chỉ thị, mà phải bằng việc làm cụ thể.

Những năm gần đây, kinh tế của Văn Yên phát triển, tiềm năng thế mạnh của địa phương được khai thác khá hiệu quả, nhiều các doanh nghiệp đến làm ăn, cùng hưởng lợi. Các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn và qua đó khơi dậy trách nhiệm của chính doanh nghiệp với địa phương, trong đó đầu tư xây dựng CSVC giáo dục và đào tạo là ưu tiên số một”. Nghĩa là, ngoài nguồn lực trong dân, nguồn lực từ các doanh nghiệp và tổ chức rất lớn. Khơi dậy và phát huy được vai trò quan trọng, quyết định trước tiên đặt lên vai các cấp ủy, chính quyền; xã hội hóa nhưng không tách rời vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương - đó là mấu chốt.

Phòng thư viện của Trường THCS Đông An, xã Đông An.

Công khai, dân chủ, minh bạch

Có hai nguồn xã hội hóa chính: doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân. Nắm bắt tình hình ở một số cơ sở cho thấy, các địa phương và nhà trường đã thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch các nguồn xã hội hóa. Cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục các xã đã lấy ý kiến từ các thôn bản về kế hoạch đầu tư xây dựng CSVC năm học một cách dân chủ, thông tin về các nguồn hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ, đóng góp của nhân dân công khai.

Ở các xã Đông An, Châu Quế Hạ, các khoản thu xã hội hóa từ dân đều "chốt" ở mức 200.000 đồng/học sinh, đó là mức thu hầu hết những phụ huynh học sinh chấp nhận được (những học sinh khó khăn được miễn, giảm). Khi làm việc tại Trường THCS Đông An, Hiệu trưởng Ngô Thị Bích Hải cho biết chi tiết: “Trong ba năm qua, từ các nguồn kinh phí - trong đó có xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng 144m2 tường rào, đổ trên 914 m2 bê tông sân trường và đường ra nhà xe, cạo trát lại 338m2 của 6 phòng học, quét 1.818 m2 vôi ve của 10 phòng học và cổng trường, làm 1 nhà để xe, cơi nới và nâng cấp 2 phòng học bộ môn.

Tổng giá trị xây dựng từ năm học 2011- 2012 đến nay trên 402 triệu đồng. Thực tế cho thấy, trong các nguồn kinh phí đầu tư từ xã hội hóa thì các khoản thu, nộp từ dân thường áp lực hơn và áp lực này chia đều cả cho hai bên: nhà trường và  nhân dân (phụ huynh học sinh). Ở Trường THCS  Đông An, ngoài xã hội hóa từ đóng góp của cha mẹ học sinh, một số đơn vị ủng hộ kinh phí đầu tư CSVC cho nhà trường như Công ty Doosan (Hàn Quốc), Hợp tác xã (HTX) Hương Quế, HTX Tiến Lý, Doanh nghiệp Lâm Yến... và theo lãnh đạo nhà trường, các khoản hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp đều công khai, thông tin minh bạch.

Các khoản xã hội hóa có khi không bằng tiền mặt. Thầy giáo Đào Minh Đức - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Châu Quế Hạ cho biết: “Công ty Hương vị Sơn Hà đã hỗ trợ trường 70 bộ bàn ghế học sinh, 3 giá sách, 24 giường tầng và bút, suất ăn sáng trị giá 5.000 đồng cho học sinh bán trú tới đầu năm học 2014 – 2015”. Xã An Thịnh, ở điểm trường tiểu học số 2, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp trên 80 triệu đồng chỉnh trang CSVC.

Thực tế những cơ sở giáo dục chúng tôi tìm hiểu, các khoản thu xã hội hóa đã xuất phát từ chính nhu cầu, yêu cầu phục vụ học sinh; được cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đồng giáo dục, cha mẹ học sinh thông qua và được công khai sử dụng kinh phí trước các bên liên quan, do đó không xảy ra bức xúc trong dư luận. Công khai, dân chủ và minh bạch vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhất là đầu tư CSVC hiện nay.

Mức độ công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn xã hội hóa đến đâu sẽ tác động tức thì đến kết quả huy động nguồn lực xã hội hóa đến đó. Chính nhờ công khai, dân chủ, minh bạch mà các nguồn lực xã hội hóa ở Văn Yên đang ngày một nhiều hơn, hiệu quả sau đầu tư được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Tuấn Anh

Các tin khác
Công an xã Xuân Ái xử lý các hộ vi phạm hành lang an toàn giao thông.

YBĐT - Hiện nay, Xuân Ái huyện Văn Yên (Yên Bái) đang duy trì và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, công tác tuyên truyền, vận động phong trào từng năm được gắn với trên 30 cuộc họp của thôn, của xã với trên 95% số hộ dân tham gia và ký kết gia đình và người thân không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội.

Đêm ngày 4/10, rạng sáng 5/10, Bắc Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Thời tiết buổi đêm và sáng se lạnh, nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 20 độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành Trung ương và huyện Trạm Tấu chụp ảnh lưu niệm cùng thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Trạm Tấu trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái tháng 1/2013.

YBĐT - Song song với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ huyện Trạm Tấu tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục với quyết tâm diệt "giặc đói, giặc dốt". Từ một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nay Trạm Tấu đã có nhiều bứt phá, chuyển biến trên nhiều lĩnh vực.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc là một thế mạnh cần khai thác ở Làng Ca.

YBĐT- Cách trung tâm xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn (Yên Bái) hơn 5km thế nhưng để đến được Làng Ca phải mất hơn 1 giờ đồng hồ leo núi và cũng có thể đi xe máy song không nhanh hơn so với đi bộ bao nhiêu. Làng Ca tuy chưa phải là thôn xa nhất của xã Cát Thịnh nhưng lại là một trong những thôn người Mông khó khăn nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục