Địa chỉ tin cậy của giáo dục chất lượng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2014 | 8:53:25 AM
YBĐT - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở; sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực quan trọng để ổn định, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên mái trường thân yêu.
|
Mạng lưới trường, lớp, quy mô giáo dục các bậc học, cấp học được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên; kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia luôn duy trì ở mức khá so với khu vực; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tăng; tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học giảm mạnh qua từng năm. Công tác giáo dục vùng dân tộc được đặc biệt quan tâm, chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và duy trì, giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư, từng bước kiên cố và hiện đại; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Trong không khí khẩn trương của toàn ngành đang tích cực hoàn thành các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái) tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập trường và kỷ niệm 37 năm thành lập hệ chuyên Toán đầu tiên của tỉnh. Đây không chỉ là sự kiện quan trọng đối với riêng các thế hệ thầy và trò hệ chuyên, trường chuyên của tỉnh mà còn là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành trong công tác giáo dục mũi nhọn, giáo dục chất lượng cao của tỉnh nhà.
Từ những ngày đầu chỉ có một lớp chuyên Toán với 25 học sinh, 11 năm sau, Trường THPT Chuyên được thành lập vào năm học 1989 - 1990 với quy mô 4 lớp, 111 học sinh, 19 cán bộ, giáo viên. Trải qua 25 năm, đến nay, trường có quy mô 18 lớp, 617 học sinh, 65 cán bộ, giáo viên. 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ thầy và trò, nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định “thương hiệu” của mình trong khu vực và trong hệ thống các trường chuyên của cả nước về số lượng các giải đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và kết quả thi tuyển sinh vào các trường đại học; nhiều học sinh của trường đã đạt thủ khoa các trường đại học danh tiếng trong nước.
Cùng với thành tích về học tập, học sinh trường chuyên còn tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi cấp khu vực, cấp quốc gia như tham gia Trại hè Hùng Vương, thi học sinh giỏi khối các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, thi giải Toán trên máy tính cầm tay, thi tiếng Anh, giải Toán trên mạng Internet, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... và giành nhiều thành tích xuất sắc.
Công tác giáo dục toàn diện cũng được trường chú trọng với các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nhiều học sinh của trường đã đạt huy chương trong các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao cấp tỉnh và toàn quốc, được xếp thứ hạng khá cao. Nhiều học sinh đã được lựa chọn tham gia các hoạt động giao lưu với học sinh quốc tế tổ chức ở Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc...
Các học sinh lớp chuyên Toán khóa đầu tiên, năm học 1977 - 1978.
Điểm nổi bật trong cả quá trình xây dựng và phát triển là truyền thống hiếu học, vượt khó, đoàn kết, năng động, sáng tạo của các thế hệ thầy và trò để khẳng định được hiệu quả giáo dục chất lượng cao. Trong đó, hàng trăm cựu học sinh đã có học hàm, học vị cao, đang nghiên cứu, giảng dạy ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước; nhiều cựu học sinh đã thành đạt trên các lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, quốc phòng, an ninh đang công tác trên khắp mọi miền đất nước; nhiều học sinh đã trở về công tác ở quê hương Yên Bái, đang giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, nhà máy, doanh nghiệp ở địa phương.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc và sự nỗ lực của tập thể thầy và trò nhà trường trong quá trình xây dựng và phát triển, trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục - Đào tạo và nhiều bằng khen của tỉnh, của các đoàn thể từ Trung ương tới địa phương. Về cá nhân, nhà trường đã có 5 thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương khen thưởng. Nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2009 và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 vào năm 2011.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, tôi xin ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc mà các thế hệ thầy và trò nhà trường đã đạt được! Xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn của các thầy cô và các thế hệ học sinh vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà! Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng đòi hỏi về phát triển nguồn nhân lực của địa phương, tôi đề nghị nhà trường cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 20/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Hai là: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua trong trường học. Đẩy mạnh công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, ý thức tự giác chấp hành pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô, giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Ba là: Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục thu hút, tuyển chọn được những giáo viên giỏi cho trường chuyên; tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên; thực hiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đạt yêu cầu về chất lượng đội ngũ của trường chuyên.
Bốn là: Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thiết bị thí nghiệm thực hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học. Trong thời gian trước mắt, cần tích cực tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành trong việc triển khai xây dựng trường chuyên tại địa điểm mới theo đề án đã được phê duyệt.
Năm là: Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Trọng tâm là tăng cường hiệu quả công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Chú trọng vào việc thực sự đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng giúp học sinh tăng cường năng lực tự học một cách chủ động, sáng tạo.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được sau 25 năm xây dựng và phát triển, tôi tin tưởng rằng, thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của nhà trường, xứng đáng là một trong những địa chỉ tin cậy của hệ thống giáo dục tỉnh nhà, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, cùng toàn ngành nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Cách đây 23 năm - tháng 11 năm 1991, tôi được Ban Giám đốc và Phòng Tổ chức của Sở Giáo dục mời đến, thông báo sẽ chuyển về công tác tại Trường PTTH Hoàng Liên Sơn (hiện nay là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái).
YBĐT - Những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện Trấn Yên đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Song bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, lượng rác thải từ các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày một nhiều; nếu không có biện pháp thu gom, xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe cộng đồng, làm mất cảnh quan đô thị và nông thôn.
Ngày 8/10, tại buổi họp Ban Chỉ đạo quốc gia chiến dịch tiêm vắcxin phối hợp sởi-rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết vắcxin sởi-rubella sẽ được cung ứng cho chiến dịch với tổng số 27.052.100 liều được tiếp nhận trong 4 đợt.
YBĐT - Ngày 6/10, huyện Văn Yên đã chỉ đạo xã Đông Cuông tổ chức diễn tập chiến đấu trị an, có một phần thực binh, làm điểm để Bộ Quốc phòng rút kinh nghiệm làm cơ sở thống nhất trong toàn quân về chỉ đạo nâng cao chất lượng diễn tập chiến đấu trị an cấp xã. Dự chỉ đạo có lãnh đạo Cục Dân quân tự vệ Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Quân khu 2 và Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.