Chúng tôi về giải phóng thủ đô
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2014 | 9:49:54 AM
YBĐT - Khi cả nước đang nô nức mừng đại lễ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), tôi cũng có cách kỷ niệm của riêng mình đó là tìm gặp những chiến sỹ “vai sắt, chân đồng” trong đoàn quân “trùng trùng như sóng, lớp lớp lưỡi lê sáng ngời” hiên ngang vào tiếp quản Thủ đô năm ấy.
Cụ Nguyễn Văn Đích (đeo kính) và cụ Nguyễn Văn Dục cùng nhau xem lại kỷ vật một thời không quên.
|
Yên Bái một ngày thu, dải đất ven sông Hồng thực sự làm nên một bức tranh quê tươi đẹp. Nắng thu buông nhẹ như muốn tô thêm sắc thắm của cây, màu vàng của lúa chín, nét tươi nguyên của những nếp nhà mới xây và khuôn mặt rạng ngời của nông dân Giới Phiên, Phúc Lộc (thành phố Yên Bái).
Đến thôn 5, xã Giới Phiên mà hỏi nhà cụ Đích có nhiều bài thuốc nam, cụ Đích “máu” văn nghệ hay cụ Đích cựu chiến sỹ Điện Biên thì từ em nhỏ đến các bậc cao niên ai cũng biết. Có lần, cụ Đích bảo: “Tôi biết nhiều bài thuốc nam vì mình đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều nên đã có trong tay nhiều loại thuốc để giúp người chữa bệnh. Tôi yêu văn nghệ vì nhiều năm làm cán bộ Đoàn, trực tiếp phụ trách công tác thiếu niên, nhi đồng ở huyện Trấn Yên. Còn cựu chiến sỹ Điện Biên thì ở Trấn Yên, Yên Bái mình nhiều lắm, có điều phần lớn đã hy sinh ngay tại mặt trận hoặc đã qua đời vì tuổi cao sức yếu rồi.
Tôi cố giữ gìn sức khỏe để sống lâu, để được chứng kiến sự đổi thay của đất nước”. Nhà cụ Nguyễn Văn Đích nằm giữa một vườn thuốc nam xanh tốt. Sau lời chào hỏi thân tình, cụ Đích hồ hởi kể chuyện chuyến đi Điện Biên mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng, được gặp lại nhiều đồng đội, được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm hỏi, động viên. Mấy ngày nay thì lăn lộn làm chương trình cho Đội văn nghệ của thôn chuẩn bị cho kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô và Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Mệt đấy nhưng vui! Tuổi già thì được vui là sướng nhất đấy, cháu ạ!” - ông Đích chia sẻ.
Biết chúng tôi muốn nghe chuyện chiến trường và nhất là những kỷ niệm về ngày giải phóng Thủ đô, cụ Đích vào chuyện ngay: “Tôi sinh năm 1933 ở đúng cái làng này. Năm 1951, tôi vào bộ đội nhưng không trực tiếp chiến đấu mà làm trong một xưởng may quân trang. Làm việc trong xưởng may một năm, tôi được chứng kiến tấm gương anh dũng của anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng địch. Hình ảnh người chiến sỹ anh hùng đã thúc giục tôi xin tổ chức cho ra chiến trường trực tiếp chiến đấu và tôi đã được toại nguyện.
Tôi được biên chế vào Đại đội 271, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 và được tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ với các trận đánh ác liệt nhất như đồi A1, Sân bay Mường Thanh. Mừng chiến thắng Điện Biên được vài hôm, đơn vị chúng tôi được lệnh cơ động nhanh về Bắc Giang, Bắc Ninh để tiếp tục chiến đấu”.
Giọng cụ Đích trầm lặng đi khi kể đến đoạn quân ta khí thế lên cao vì vừa phá tan tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất thế giới nhưng đánh giặc ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng có cái khó vì địch cố thủ trong lô cốt kiên cố, sử dụng hỏa lực mạnh, còn ta đã quá quen với việc chiến đấu trong rừng núi nên khi về nơi đồng bằng, đồi thấp, chỉ có cây sim, cây mua thành ra gặp rất nhiều khó khăn, đồng đội hy sinh nhiều lắm…
Trước tình hình ấy, ý chí quyết tâm của người chiến sỹ Điện Biên lại dâng cao. Chiến thuật đào giao thông hào để tiếp cận lỗ châu mai lại được áp dụng dù đất đá ong khó đào hào hơn rất nhiều so với đồi A1 hay cánh đồng Mường Thanh. Với ý chí ấy, quân ta giành liên tiếp chiến thắng, tạo đà lớn mạnh cho việc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Cuối cùng, Hội nghị Giơ - ne - vơ về hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Địch đầu hàng, Trung đoàn 102 từ Trại Cờ (Bắc Giang) về Phùng (Sơn Tây) tập kết để đến sáng ngày 10/10/1954, ba hàng quân dưới sự dẫn đầu của Trung đoàn trưởng Anh hùng Nguyễn Quốc Trị đã hành quân qua Ô Cầu Giấy tiến về vườn hoa Ba Đình trong tiếng hô vang của người dân Thủ đô. “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp lưỡi lê sáng ngời/Chúng ta nghe reo vui lúc quân thù đầu hàng…” - cụ Đích kết thúc câu chuyện bằng tiếng hát khỏe khoắn hiếm có của ông lão 81 tuổi.
Chúng tôi may mắn tìm được người cựu chiến binh thứ hai trong đoàn quân tiến về Thủ đô năm ấy, đó là cụ Nguyễn Văn Dục, sinh năm 1927, hiện sống tại thôn 4, xã Phúc Lộc. Giống như cụ Đích, cụ Dục vẫn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Cụ hồ hởi khi kể về đời lính cũng như kỷ niệm về ngày giải phóng Thủ đô. Cụ kể: “Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ nên phải đi ở cho nhà địa chủ từ rất nhỏ. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tôi luôn ao ước có ngày được vào bộ đội, được cầm súng đánh đuổi thực dân, phong kiến.
Có lẽ hiểu được ước nguyện của tôi nên dù thể lực không tốt nhưng năm 1950, tôi vẫn được nhập ngũ vào bộ đội địa phương Yên Bái, sau này chuyển sang bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 102 Thủ đô. Đơn vị chúng tôi tham gia nhiều trận đánh và giành chiến thắng cực kỳ vẻ vang ở Hòa Bình, Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi), Than Uyên, Xa - vẳn - na - khẹt (Lào)… trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên. Giải phóng Điện Biên, đơn vị chúng tôi thu dọn chiến trường rồi hành quân về Ái Mộ (Gia Lâm), sẵn sàng chiến đấu nếu địch phản chiến và sẵn sàng vào tiếp quản Thủ đô.
Tôi và các đồng chí trong đơn vị thường xuyên được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy Cơ khí Xe lửa Gia Lâm và bảo vệ bờ bắc cầu Long Biên. Rồi ngày giải phóng đã đến, khi chúng tôi hiên ngang ôm súng thì những tên thực dân cúi đầu lầm lũi qua cầu Long Biên, xuôi đường 5 về Hải Phòng để về nước. Khi những tên Pháp cuối cùng rút hết, chúng tôi được lệnh sang Sân bay Bạch Mai để tập đội hình, đội ngũ, sẵn sàng cho lễ mít tinh mừng chiến thắng và đón Bác Hồ cùng Chính phủ về Thủ đô thân yêu”.
Cụ Dục, cụ Đích hoan hỷ kể chuyện rồi mở túi ni-lông ngắm lại những tấm huy chương, huy hiệu. Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn bó và theo suốt cuộc đời của những chiến sĩ có cả cuộc hành trình từ Điện Biên đến Ba Đình năm ấy.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Với khoảng 10% đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong 38.971 đoàn viên ở các đơn vị có tổ chức công đoàn, hàng năm, từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, Quỹ Tấm lòng vàng do LĐLĐ quản lý, Quỹ Vì nữ công nhân, lao động nghèo, Quỹ Xã hội từ thiện - Tấm lòng vàng từ Tổng LĐLĐ…, đã giúp nhiều trường hợp có điều kiện tốt hơn vươn lên trong cuộc sống.
Dự toán thu ngân sách nhà nước sẽ vượt 9% nhưng mức vượt này sẽ dùng để bù kinh phí thực hiện an sinh xã hội, trả nợ…
YBĐT - Trong suốt 25 năm xây dựng và phát triển, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã có tám đồng chí giữ cương vị Bí thư, đó là: cô Hà Thị Hải Yến (1989 - 1992), cô Nông Thị Bích Hà (1993 - 1996), cô Vũ Thị Kim Châm (1997 - 2001), thầy Nguyễn Quang Hợp (2001 - 2002), cô Nguyễn Anh Đào (2002 - 2004), thầy Nguyễn Ngọc Hà (2004 - 2009), thầy Đỗ Lê Nam (2009 - 2012), cô Nguyễn Thị Sen (từ 2012 đến nay).