Ngôi trường "xanh" ở Hồ Bốn

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 1:48:28 PM

YBĐT - Theo lời giới thiệu của Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải - Hoàng Văn Đồng, ngược từ trung tâm huyện Mù Cang Chải tôi lên với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn (xã Hồ Bốn). Phải nói những gì nhìn thấy trước mắt ngoài sức tưởng tượng bởi sự khang trang của ngôi trường và hơn thế việc bố trí từ nơi ăn chốn nghỉ đến khuôn viên học tập, vui chơi của các em học sinh rất khoa học.

Khuôn viên xanh, đẹp, thoáng mát của Trường Tiểu học và THCS Hồ Bốn.
Khuôn viên xanh, đẹp, thoáng mát của Trường Tiểu học và THCS Hồ Bốn.

Chẳng thế mà có rất nhiều đoàn du khách đi từ Hà Nội đến Sa Pa vãn cảnh lại ghé thăm trường và các cháu học sinh ở đây, cũng chính nhờ vậy mà kinh phí xây dựng trường lớp được các tổ chức và cá nhân hỗ trợ rất nhiều, cô giáo Hoàng Thị Ngân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Cách đây vài năm, ngôi trường này cũng rất khó khăn bởi mới được chia tách ra từ Trường Phổ thông cơ sở xã Hồ Bốn.

Lúc đó, diện tích trường nhỏ hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ. Nhưng nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương và  của các cơ quan, ban, ngành, nhất là các cơ quan đóng trên địa bàn xã Hồ Bốn như Nhà máy Thủy điện Mường Kim, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là từ sự đoàn kết đồng thuận của các thầy, cô giáo và các em học sinh trong toàn trường chung tay từ việc kè chống sạt lở, san gạt mặt bằng tranh thủ những ngày nghỉ hay việc sửa sang trường lớp học, trường lớp cũng dần được tạo dựng như ngày hôm nay.

Dẫn chúng tôi thăm khuôn viên nhà trường, thầy giáo Hà Trần Thảo - Hiệu phó nhà trường chỉ về những bồn và dãy hoa cây cảnh xung quanh khuôn viên trường hồ hởi kể: "Để tạo cảnh quan không gian cho các em vừa học vừa chơi, các thầy, cô giáo đã trồng hoa, cây cảnh và tạo hình bằng những vật liệu đơn giản như tre, nứa và lá cọ. Xuất phát từ việc chưa có thư viện mà các thầy cô đã tạo ra một thư viện xanh bằng cách để sách, báo vào những vỏ chai nhựa treo ở các cây bàng ngay tại sân trường và kê ghế đá.

Với hàng ghế đá này, học sinh có thể ngồi chơi, ôn bài hay tìm hiểu sách báo, cũng là cho các cháu gần gũi với thiên nhiên hơn, tạo hứng thú cho các em trong việc học, từ đó các em thích đến trường hơn". Vì vậy những năm trở lại đây, các thầy cô giáo không còn phải đi từng nhà để vận động học sinh tới lớp như trước nữa. Học sinh đi học đều hơn, tỉ lệ chuyên cần cao hơn, mới thành lập được chưa đầy 3 năm nhưng năm học 2013 -2014 đã có tới 20 lớp với 422 học sinh.

Do có đến 99% học sinh là dân tộc thiểu số, ở vùng còn nhiều khó khăn nên các em học sinh không tránh khỏi những khó khăn đặc thù, nhất là kỹ năng sống trong cuộc sống hiện đại. Hiểu được vai trò quan trọng trong rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nói chung và học sinh bán trú nói riêng, Ban giám hiệu nhà trường đã bàn bạc với Ban quản lý bán trú triển khai nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và có hiệu quả rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Theo như thầy giáo Sùng A Vàng - giáo viên chủ nhiệm lớp 7B thì các em học sinh ngoài giờ lên lớp còn được các thầy cô giáo dạy kĩ năng tự phục vụ và chăm sóc bản thân, kỹ năng trong giao tiếp, quản lý thời gian, thể hiện sự tự tin hay kĩ năng hợp tác, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ...

Bắt đầu từ những học sinh mới vào lớp, nhà trường đã chú trọng việc chỉ bảo, dạy dỗ từ những công việc nhỏ nhất, rồi các cháu cũng tự bảo nhau, lớp lớn bảo lớp bé. Ở đây, buổi sáng thầy, trò thường dậy rất sớm. 5h sáng, toàn trường tập thể dục, sau đó các em vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường lớp học. Các em lớn hơn thì làm những công việc "khó" hơn một chút.

Cùng các bạn tưới rau, em Giàng Thị Bla - học sinh lớp 8A vui vẻ cho biết: "Cứ thời gian rỗi buổi sáng và chiều chúng cháu lại tranh thủ tưới rau, nhặt cỏ, bắt sâu. Chúng cháu rất vui khi những cây rau của chúng cháu lớn từng ngày, vườn rau xanh tốt mang lại nguồn rau xanh cho nhà trường".

Phía bên các anh chị lớp 9 cũng ríu rít bên cạnh nhặt những lá rau già về cho lợn. Em Mùa Thị Sầu vừa phun nước rửa chuồng lợn vừa vui vẻ: "Lớp cháu chia lịch từng nhóm bạn, nhóm nào cũng tỏ ra rất hào hứng với công việc này. Năm nay chúng cháu đã nuôi được hơn chục con lợn đủ làm thức ăn cho cả trường rồi đấy".

Các em học sinh tham gia trồng rau.

Bên cạnh việc dạy kỹ năng sống cho học sinh thì việc nâng cao chất lượng dạy và học được nhà trường đưa lên hàng đầu. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã họp giao ban với chính quyền địa phương để triển khai kịp thời nhiệm vụ trọng tâm công tác khai giảng và thực hiện tốt việc huy động học sinh ra lớp.

Đồng thời tiến hành kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh để bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm, để các giáo viên triển khai kịp thời và có kế hoạch kèm cặp những học sinh yếu kém. Ban giám hiệu nhà trường cũng tiến hành thăm lớp thường xuyên, từ đó rút kinh nghiệm từng tiết dạy để giáo viên nâng cao tay nghề và bảo đảm đúng chương trình phổ thông. Các thầy cô ở đây cũng thường xuyên được đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhờ vậy mà chất lượng dạy và học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn ngày càng được nâng lên. Toàn trường có 33 giáo viên, trong đó 17 giáo viên đạt trên chuẩn, chiếm 51,5%; 16 giáo viên đạt chuẩn, chiếm 48,8%; giáo viên dạy giỏi đạt 53,6%; không có giáo viên yếu kém. Tỉ lệ học sinh học lực khá giỏi 20%, học lực trung bình 76,2%, tỉ lệ học sinh yếu 3,8%. So với cùng thời điểm của năm học trước, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng 5,5%, tỉ lệ học sinh trung bình giảm 4,5%, tỉ lệ học sinh yếu giảm 0,9%, không có học sinh vi phạm các tệ nạn xã hội.

Chia tay thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, mang theo ánh mắt hồn nhiên của các cô cậu học trò và những bài giảng của các thầy cô vẫn còn văng vẳng, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, với sự tận tình, tâm huyết của thầy cô giáo và sự nỗ lực của các em học sinh, chất lượng giáo dục ở vùng cao gian khó này rồi đây sẽ ngày một nâng cao.

 Minh Huyền

Các tin khác

YBĐT - Ngày 27/10, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thảo khoa học đề tài "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Yên Bái" do thạc sỹ Đặng Trần Chiêu - Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Yên Bái làm chủ đề tài.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu rà soát, quy hoạch cán bộ đối với các chức danh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

YBĐT - Trong những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái không những làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên mà trong công tác tổ chức cán bộ luôn được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai. Những cán bộ được quy hoạch, bổ sung vào các chức danh chủ chốt từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh luôn phát huy tốt vai trò gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác.

YBĐT - Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, hàng năm, nông dân cả nước đã thải ra môi trường một lượng khoảng gần 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật từ các loại chất thải nông nghiệp do lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất, chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Các loại chất thải này là chất thải rắn, độc hại.

Virus Ebola. (Ảnh minh họa)

YBĐT - Virus Ebola xuất hiện trở lại với mức độ lây lan nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gia tăng theo cấp số nhân tại một số quốc gia Tây Phi đã khiến cả thế giới “chao đảo”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục