Đề cao tính chính xác, dân chủ, công khai và minh bạch
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 1:50:45 PM
YBĐT - Thực hiện Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 29/9/2014 của UBND tỉnh Yên Bái về việc điều tra, rà soát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014 với yêu cầu bảo đảm tính chính xác, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng tiến độ... Phóng viên YBĐT có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Thị Chanh - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về vấn đề này.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ cận nghèo đã phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
|
PV: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của công tác rà soát, điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014? Tiến độ thực hiện như thế nào và cụ thể các bước tiến hành?
Đồng chí Hoàng Thị Chanh: Nhằm xác định và lập danh sách người nghèo, người cận nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2014, theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở quản lý, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2015, đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2014 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014, Ban chỉ đạo giảm nghèo, cấp ủy và chính quyền các cấp có căn cứ xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phù hợp để giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác quản lý trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Về tiến độ thực hiện, theo quy định của tỉnh Yên Bái tại Kế hoạch số 126 ngày 6/9/2014, thời gian bắt đầu triển khai từ ngày 8/10 kết thúc vào ngày 15/12, cụ thể như sau: tập huấn triển khai kế hoạch và hướng dẫn nghiệp vụ tại cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 8/10, cấp huyện hoàn thành trước ngày 18/10, cấp xã hoàn thành trước ngày 23/10. Điều tra, rà soát, họp thôn, bản, tổ dân phố: từ ngày 25/10 - 18/11, tổng hợp kết quả điều tra rà soát từ ngày 19/11 - 30/11. Báo cáo kết quả rà soát, cấp thôn báo cáo xã trước ngày ngày 25/11, cấp xã báo cáo huyện trước ngày 28/11, cấp huyện báo cáo Sở LĐTB&XH trước ngày 5/12; Sở LĐTB&XH báo cáo UBND tỉnh trước ngày 8/12; UBND tỉnh báo cáo Bộ LĐTB&XH trước ngày 15/12.
Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo gồm 3 bước. Về công tác chuẩn bị điều tra, rà soát, trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2014 trên các phương tiện truyền thông, xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, bố trí lực lượng và hệ thống biểu mẫu, kinh phí điều tra, rà soát, tập huấn quy trình, công cụ điều tra cho các điều tra viên. Tiếp theo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát (xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo hoặc rơi xuống cận nghèo trong năm 2014, các hộ có khả năng thoát nghèo, tổng hợp danh sách hộ cần điều tra thu nhập), tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình trong năm, tính thu nhập bình quân của khẩu trong hộ.
Sau khi triển khai 2 bước trên, sẽ tổ chức bình xét ở thôn, bản, tổ dân phố. Chủ trì cuộc họp bình xét là trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố. Thành phần tham gia họp bao gồm: đại diện đảng ủy, UBND xã, cán bộ theo dõi giảm nghèo cấp xã, bí thư chi bộ, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn, bản, tổ dân phố, các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét, các hộ trong thôn, bản, tổ dân. Việc bình xét dựa trên nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan và lấy ý kiến biểu quyết bằng 1 trong 2 hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; có ít nhất trên 50% số người tham dự đồng ý mới được đưa vào danh sách đề nghị công nhận hộ nghèo, cận nghèo, hộ không nghèo, không cận nghèo.
PV: Công tác rà soát, điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014 có điểm mới gì so với các năm trước? Trong quá trình thực hiện, có những khó khăn, vướng mắc gì thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Thị Chanh: Điểm mới trong công tác rà soát, điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014 là thời điểm tổ chức điều tra tính thu nhập hộ gia đình thực hiện từ ngày 1/9 hàng năm (từ năm 2013 về trước thời điểm tổ chức điều tra từ ngày 1/10 hàng năm). Đối với trường hợp hộ gia đình trên địa bàn phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do các yếu tố như tai nạn, rủi ro, ốm đau, bệnh tật... cần được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (trước đây hàng năm chỉ rà soát thống kê 1 lần trong năm, không rà soát, bổ sung trong năm).
Mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Nhận thức của một số cán bộ cơ sở trong điều tra, rà soát hộ nghèo chưa đầy đủ, còn có suy nghĩ nếu thoát nghèo nhiều sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu về bảo hiểm y tế hoặc ra khỏi xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các hộ khi được hỏi thu nhập, tài sản của gia đình, chưa trả lời đúng sự thật, làm sai lệch kết quả điều tra, rà soát, một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Công tác bình xét hộ nghèo ở thôn, bản, tổ dân phố còn gặp nhiều khó khăn do các mối quan hệ anh, em họ hàng, làng xóm, do đó, có hiện tượng bình xét chưa khách quan, dân chủ.
PV: Theo quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh, để công tác rà soát, điều tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014 đúng đối tượng, công khai, minh bạch, Sở đã đề ra những biện pháp gì trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Thị Chanh: Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho tỉnh ban hành chỉ thị, hướng dẫn. Theo đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của đợt điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2014. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân có đầy đủ thông tin; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, của huyện; hướng dẫn cơ sở thực hiện nghiêm túc quy trình điều tra, thống kê, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ thôn, bản, tổ dân phố, tránh hộ nghèo ỷ lại không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước; kiên quyết xử lý những hộ không đúng đối tượng; tổ chức thẩm định kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, báo cáo kết quả điều tra, rà soát đúng thời gian và yêu cầu chất lượng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Theo lời giới thiệu của Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải - Hoàng Văn Đồng, ngược từ trung tâm huyện Mù Cang Chải tôi lên với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn (xã Hồ Bốn). Phải nói những gì nhìn thấy trước mắt ngoài sức tưởng tượng bởi sự khang trang của ngôi trường và hơn thế việc bố trí từ nơi ăn chốn nghỉ đến khuôn viên học tập, vui chơi của các em học sinh rất khoa học.
YBĐT - Ngày 27/10, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thảo khoa học đề tài "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Yên Bái" do thạc sỹ Đặng Trần Chiêu - Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Yên Bái làm chủ đề tài.
YBĐT - Trong những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái không những làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên mà trong công tác tổ chức cán bộ luôn được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai. Những cán bộ được quy hoạch, bổ sung vào các chức danh chủ chốt từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh luôn phát huy tốt vai trò gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác.
YBĐT - Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, hàng năm, nông dân cả nước đã thải ra môi trường một lượng khoảng gần 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật từ các loại chất thải nông nghiệp do lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất, chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Các loại chất thải này là chất thải rắn, độc hại.