Từ ký ức buồn hướng tới tương lai tươi sáng

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/7/2015 | 2:33:39 PM

YênBái - YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã bước sang trang mới. Bởi vậy, nhắc lại trận bom hủy diệt của Mỹ ném xuống Bệnh viện tỉnh, Ty Y tế Yên Bái đúng vào ngày này cách đây 50 năm (9/7/1965), không gì ngoài mong muốn, mỗi chúng ta khi biết về sự kiện bi thương này, hãy cùng nhau bằng mọi cách, bằng những việc làm cụ thể, quyết tâm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Sau khi thi  tốt nghiệp phổ thông vào cuối tháng 5 năm 1965, tôi đang chờ giấy báo vào đại học. Đây cũng là thời điểm miền Bắc đang khẩn trương phòng, chống đế quốc Mỹ ném bom phá hoại. Các cơ quan của tỉnh đã đi sơ tán về huyện Yên Bình, còn các cơ quan của thị xã sơ tán sang bên kia sông Hồng.

Tuy vậy, vào lúc 14h15 phút ngày 9/7/1965, bất ngờ còi báo động có máy bay Mỹ vang lên. Cả nhà tôi vội chạy xuống hầm trú ẩn và vài phút sau, 4 máy bay F105, 4 máy bay B57 của không quân Mỹ gầm rít như xé toang bầu trời thị xã, rồi bom nổ inh tai. Lúc này lực lượng phòng không thị xã rất mỏng lại chưa chuẩn bị kỹ nên bắn trả lại không đáng kể. Sau loạt bom đó, máy bay Mỹ rút đi. Tôi lên khỏi hầm được một lúc thì loa truyền thanh thông báo máy bay Mỹ ném bom vào Nhà máy Cơ khí, Ty Y tế, Bệnh viện tỉnh, đề nghị thanh niên thị xã mang cuốc, xẻng vào cứu hầm sập.

Tôi vội lấy xẻng chạy bộ vào Bệnh viện tỉnh ở trên một quả đồi gần Bệnh viện Đa khoa thành phố bây giờ. Phía đối diện Bệnh viện tỉnh là Ty Y tế, khu tập thể cán bộ ngành y, lớp học sinh Trung cấp Y 5 của tỉnh và lớp y tá chính quy đầu tiên.  Nhà máy Cơ khí cách  bệnh viện chừng trăm mét. Tôi có ba người bạn là anh Nguyễn Văn Thân ở xã Giới Phiên (sau này là Bí thư Đảng ủy xã), chị Thụ, chị Thái ở thị xã, học cùng nhau đến lớp 9 thì 3 người xin vào học lớp y sỹ của tỉnh. Bệnh viện đã đi sơ tán, nhưng vẫn còn một số cán bộ y tế, học sinh trường y ở lại. Học sinh lớp y sỹ và y tá, được phân công thành các tổ cấp cứu, tải thương, đào hầm… Khu tập thể này có hệ thống giao thông hào từ đỉnh đồi xuống chân đồi, gần mép nước với hồ Bơi (hồ công viên Yên Hoà bây giờ). Phía trên hầm đậy phên và được đổ đất lấp lên, chứ không phải kiểu hầm chữ A.

Máy bay Mỹ ném bom vào buổi trưa, lại trúng hệ thống hầm nên hầu hết hầm bị sập, đất vùi lấp toàn bộ những người trong hầm, nên bị ngạt ngay từ đầu. Chúng tôi hối hả bới đất sao cho nhanh nhất để cứu người. Rồi trước mắt chúng tôi, mọi người nằm đè lấp lên nhau. Đào được người nào hở tay ra là bác sỹ tiêm ngay thuốc cấp cứu. Do bị đất vùi khá lâu nên hầu hết người dưới hầm đều đã tử vong. Chúng tôi tháo cánh cửa các ngôi nhà để làm cáng khiêng nạn nhân vào hội trường. Ít lâu, hội trường gần chật kín những người chết vì bom Mỹ (58 người chết, 31 người bị thương). Trong số những người chết, có chị Thụ, chị Thái nằm ở đó và chị Thụ đã có con khoảng hai tuổi. Tôi chạy xuống cuối giao thông hào sát mép nước, tiếp tục tìm kiếm nạn nhân thì gặp anh Thân. Anh cho biết, có một số người bị bom ném văng xuống hồ. Chúng tôi vội bơi ra hồ mò, lặn tìm kiếm và vớt được vài người nữa.

Sáng hôm sau thanh niên thị xã được lệnh đi chôn cất những người chết vì bom. Có quá nhiều cảnh thương tâm trong vụ ném bom này. Vợ và con bác sỹ Vương Văn Giao - Giám đốc Ty Y tế từ khu sơ tán về nghỉ trưa tại cơ quan để chiều về quê thì cả hai mẹ con đều thiệt mạng. Chị Vân - người xã Minh Quân (Trấn Yên) học lớp y tá, có con 6 tháng tuổi, lúc bới hầm thì thấy chị chết trong tư thế ngồi che cho con, còn con chị vẫn đang ngậm vú mẹ. Chị Phạm Thị Quyết, hiện ở cụm dân cư Hồng Phong, phường Hồng Hà - học sinh lớp y tá cũng bị thương nặng trong trận bom này cho biết, lớp chị có hơn 30 học viên thì chỉ còn 13 người. Chị được tỉnh mời làm nhân chứng tham gia đoàn tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ khi các đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu vụ ném bom hủy diệt này.

Ngày hôm sau (10/7), máy bay Mỹ lại đánh phá nhiều điểm trong thị xã. Nhưng lần này, lực lượng phòng không đã chủ động phòng thủ chiến đấu. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng phòng không đã bắn rơi 2 máy bay F105, làm nức lòng nhân dân thị xã. Từ năm 1965 đến năm 1972, dân quân, tự vệ thị xã đã đánh trả không quân Mỹ 35 trận, bắn rơi 10 máy bay địch.

50 năm đã trôi qua, ký ức đau thương về trận ném bom hủy diệt đầu tiên vào thị  xã Yên Bái vẫn luôn đè nặng trong tôi và bao người khác. Hàng năm, cứ vào ngày 9/7, những người học lớp y tá, y sỹ hiện còn sống đều tổ chức gặp mặt để tưởng nhớ tới những người bạn đã ra đi trong trận bom này. Nguyện vọng của người dân thành phố Yên Bái mong muốn tại nơi xảy trận bom ngày 9/7/1965 có một tấm bia ghi lại chứng tích chiến tranh để tưởng nhớ những người đã mất và cùng nhau nắm tay đẩy lùi hiểm họa chiến tranh.

 Trần Thi

Các tin khác

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.

Cấp phát thuốc và cung cấp các phương tiện tránh thai cho phụ nữ xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống, người dân đều cần được hưởng các quyền về chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.

Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Phó hiệu Trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng theo chương trình đào tạo căn cứ tiêu chuẩn Level 6 (665) Khung 8 bậc của UNESCO-ISCED 2011.

6 kiến nghị gồm: triển khai Thông tư 30, tổ chức "2 chung" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, triển khai Nghị định 115…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục