Công đoàn Yên Bái - 68 năm xây dựng và trưởng thành
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2015 | 2:23:28 PM
YênBái - YBĐT - Tổ chức công đoàn toàn quốc kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2015) trong không khí thi đua sôi nổi của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhân dân cả nước lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Trong niềm phấn khởi ấy, các cấp CĐ tỉnh Yên Bái (CĐYB), kỷ niệm 68 năm thành lập (28/7/1947-28/7/2015) với quyết tâm phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội CĐYB nhiệm kỳ 2013 - 2018, góp phần hoàn thành mục tiêu đại hội Đảng các cấp. 68 năm qua, cùng với sự trưởng thành, phát triển của phong trào CNVCLĐ và CĐ cả nước, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, CNVCLĐ, CĐYB đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, đi đầu các phong trào thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 28/7/1947, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp CĐYB được tổ chức. Sự ra đời của Liên hiệp CĐYB đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với phong trào CNVCLĐ và CĐYB trong tổ chức, động viên CNVCLĐ hăng hái tham gia bảo vệ chính quyền, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp ở Yên Bái.
Bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đội ngũ công nhân và tổ chức CĐYB - Nghĩa Lộ đã ra sức thi đua lao động xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Sau 30/4/1975, khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH và bước vào thời kỳ đổi mới, tổ chức CĐ đã động viên CNVCLĐ hăng hái thi đua lao động, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Quá trình xây dựng, trưởng thành, CĐYB đã tổ chức 18 lần đại hội và từ chỗ chỉ có 5 - 6 tổ chức CĐ cơ sở (CĐCS), vài trăm đoàn viên, đến nay có 7 CĐ ngành, CĐ viên chức, 9 LĐLĐ huyện, thị, thành phố, 9 CĐCS trực thuộc với 1.151 CĐCS và 46.300 đoàn viên.
Trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của CNVCLĐ ngày càng được nâng lên. Nhiều công nhân đã có khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Gắn liền với các thời kỳ lịch sử, tổ chức CĐYB đã khẳng định, bất cứ mặt trận nào, hoàn cảnh nào, tổ chức CĐ luôn trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích của người lao động (NLĐ), của dân tộc, không xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập, tự hào với truyền thống vẻ vang của tổ chức CĐ, chúng ta càng trân trọng công lao của các thế hệ cán bộ CĐ trong tỉnh đã xây dựng, vun đắp tổ chức CĐ. Thời gian qua, với sự nỗ lực toàn diện của các cấp CĐ đã đem lại những bước tiến mới trong thực hiện Nghị quyết số 20 NC/TW ngày 28/01/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ CNVCLĐ, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được đẩy mạnh, nhất là phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hơn hai năm qua, các cấp CĐ trong tỉnh đã thành lập mới 57 CĐCS, kết nạp mới 3.434 đoàn viên. Hàng năm, có gần 85% CĐCS đạt vững mạnh, vững mạnh xuất sắc, không có CĐCS yếu kém. Xác định nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của tổ chức CĐ là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đồng thời làm tốt điều này, sẽ là chất keo kết dính đoàn viên, NLĐ với tổ chức CĐ.
Thời gian qua, nhất là từ Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ sát sao nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để giải quyết kịp thời vướng mắc ở cơ sở. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và NLĐ theo quy định pháp luật và đã có nhiều việc làm để lại dấu ấn: CĐ đã kiến nghị với các cấp, các ngành cho NLĐ được truy thu phụ cấp thâm niên nghề; được đóng BHXH, cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời; được tăng lương, thanh toán tiền làm thêm giờ và chế độ nghỉ phép cho CNLĐ... Hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo, hoạt động an sinh xã hội cũng được các cấp CĐ quan tâm đẩy mạnh.
5 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp sửa chữa, xây dựng mới 43 căn nhà với số tiền trên 1 tỷ đồng; tặng trên 1.400 suất quà cho CNVCLĐ nghèo, 3.000 suất quà cho học sinh, nhân dân vùng cao, trị giá trên 3 tỷ đồng… Ngoài ra, các phong trào: xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “CĐ chung tay xây dựng nông thôn mới”... cũng được các cấp CĐ tích cực triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc tuyên truyền, giáo dục được các cấp CĐ chủ động đổi mới phương pháp, nội dung thiết thực, gắn với đời sống CNVCLĐ, thực tiễn hoạt động CĐ và tình hình kinh tế - chính trị của đất nước, của tỉnh. Việc triển khai thực hiện "Tháng Công nhân" đã đi vào nề nếp bằng các hoạt động thiết thực: Động viên thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe miễn phí cho CNLĐ; tổ chức bán hàng giảm giá, trả góp cho CNLĐ, tạo ra bước đột phá từ nhận thức đến hành động, tạo ấn tượng tốt đẹp trong của đội ngũ CNVCLĐ, góp phần đưa nghị quyết Đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động "Tháng Công nhân" đã ngày càng khẳng định vai trò đồng hành của CĐ đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn tập trung chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện có hiệu quả hoạt động xây dựng quỹ giúp đoàn viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ Quỹ “Tiết kiệm vì nữ CNLĐ nghèo” đã có 42 dự án, giải quyết cho 182 lượt nữ CNVCLĐ nghèo vay trên 1,8 tỷ đồng. Một số CĐ cấp trên cơ sở đã duy trì Quỹ “Trợ giúp” với số tiền trên 500 triệu đồng, giúp trên 100 lượt nữ CNVCLĐ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế…
5 năm qua, LĐLĐ tỉnh cũng đã triển khai cho 204 lượt hộ vay trên 1 tỷ đồng vốn Dự án 120 của Chính Phủ, tạo việc làm cho 341 CNLĐ khó khăn. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật CĐ năm 2012, Nghị định 191 của Chính phủ, các văn bản của Tổng LĐLĐ Việt Nam và của tỉnh quy định chi tiết về tài chính CĐ. Triển khai áp dụng phần mềm tài chính CĐ vào công tác kế toán cấp trên cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, tài sản CĐ. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong CNVCLĐ được các cấp CĐ tổ chức với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó trọng tâm là phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo".
Thời gian qua, đã có trên 1.200 lượt CNVCLĐ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích, trong đó 291 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao và làm lợi hàng tỷ đồng. Ghi nhận những đóng góp của tổ chức CĐYB qua suốt 68 năm, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có một Huân chương Lao động hạng Nhất, hai Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Chính phủ, UBND tỉnh; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng cờ thi đua, bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Với khẩu hiệu hành động “Vì đoàn viên và NLĐ, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển” CĐYB phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018 CĐ tỉnh đã đề ra: Phấn đấu 100% CNVCLĐ trong doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp gia nhập tổ chức CĐ; 100% đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên sản xuất ổn định, thành lập được tổ chức CĐCS và phấn đấu phát triển 5.000 đoàn viên; vận động 100% nữ CNVCLĐ tham gia phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và có trên 80% đạt danh hiệu này.
Hàng năm, vận động 95% đoàn viên CĐ tham gia hoạt động từ thiện do các cấp phát động, mỗi năm hỗ trợ làm 7 nhà “Mái ấm CĐ” cho CNLĐ nghèo. Trong nhiệm kỳ, phấn đấu giới thiệu kết nạp Đảng trên 4.500 đoàn viên ưu tú; giảm tỷ lệ số vụ tai nạn lao động xuống còn 20%, giảm tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp xuống còn 15%; xây dựng trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, 95% gia đình CNVCLĐ đạt gia đình văn hoá ...
Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và tinh thần cách mạng tiến công của CNVCLĐ và tổ chức CĐYB trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cụ thể là, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, góp phần cùng CĐ cả nước hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI đã đề ra, CĐYB đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung quán triệt, thực hiện:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt triển khai Kết luận số 79 - KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước".
Thứ hai: Hoạt động CĐ và phong trào CNVCLĐ phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức CĐ là tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, giúp cho Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo xã hội mà cụ thể là giai cấp công nhân.
Thứ ba: Trong quá trình hoạt động, các cấp CĐ, nhất là cán bộ CĐ cần quán triệt sâu sắc Điều lệ, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Phải đặc biệt coi trọng chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và coi đây là những nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trung tâm trong hoạt động của tổ chức CĐ.
Thứ tư: Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức mọi mặt cho CNVCLĐ là yếu tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là ở một tỉnh miền núi. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, thể thao lành mạnh trong CNVCLĐ; làm tốt việc động viên, thăm hỏi, từ thiện xã hội đối với NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất.
Thứ năm: Để tập hợp được đông đảo NLĐ tham gia tổ chức CĐ và tổ chức được phong trào cách mạng rộng rãi, sôi nổi, liên tục, trước hết các cấp CĐ phải mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên và CNVCLĐ. Phát triển phong trào phải đi liền với xây dựng, củng cố tổ chức để bảo đảm đủ sức tổ chức lãnh đạo phong trào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Thứ sáu: Trong hoạt động, CĐ phải luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chung của địa phương, của cơ sở để vận dụng cho phù hợp với từng loại đối tượng, từng loại hình cơ sở để mang lại hiệu quả. Muốn phát huy được sức mạnh của quần chúng điều đầu tiên của tổ chức CĐ là tập hợp được đông đảo CNVCLĐ tham gia tổ chức, phát huy được quyền làm chủ, thông qua phát huy dân chủ ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ bảy: Hoạt động ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ mọi mặt của NLĐ còn nhiều hạn chế, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật thì đòi hỏi người cán bộ CĐ càng phải đi sâu, đi sát cơ sở, bám sát NLĐ để tuyên truyền, giáo dục giác ngộ họ. Vì vậy, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiệt tình, tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ, luôn đi sâu, đi sát phong trào, lấy cơ sở làm địa bàn, lấy NLĐ là đối tượng vận động là yếu tố quyết định thắng lợi của phong trào CNVCLĐ. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và tinh thần cách mạng tiến công của CNVCLĐ và tổ chức CĐYB đoàn kết một lòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH, vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Vương Văn Bằng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 2.193 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát. Số người nghiện ma túy lớn là nguyên nhân trực tiếp làm cho tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất khó khăn nên số người nghiện ở ngoài đang gây nhiều nhức nhối cho xã hội.
Công tác đặc xá phải được thực hiện khẩn trương và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, theo quy trình chặt chẽ, đúng người, đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bố trí kinh phí năm 2015 để đẩy nhanh thực hiện dự án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.
Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí Dự án Tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế là 24,695 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự toán chi sự nghiệp y tế của ngân sách trung ương năm 2015 để mua vắc xin Quinvaxem và vắc xin OPV (vắc xin bại liệt).