Giáo dục mầm non ở Văn Chấn: Bức tranh từ sức mạnh tổng hợp

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2015 | 2:56:01 PM

YênBái - YBĐT - Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Văn Chấn đã hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi (PCGDMNNT) từ năm 2013 đến nay. Đồng thời, Văn Chấn trở thành một trong những địa phương về đích sớm trong PCGDMNNT.

Trẻ mầm non ngày càng hứng thú đến lớp, do các trường mầm non ở Văn Chấn thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trẻ mầm non ngày càng hứng thú đến lớp, do các trường mầm non ở Văn Chấn thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy.

Kết quả này đối với một huyện có tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 lên tới 38,97% quả là một bước tiến lớn trong đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Gam màu quá khứ
 
Là huyện còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, địa hình phức tạp với 18 dân tộc chung sống và hơn 53% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều... đủ cho thấy cái khó của sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục mầm non ở Văn Chấn nói riêng. Bởi thế, cũng giống như các địa phương vùng cao khác của tỉnh hay cả vùng Tây Bắc, sự nghiệp giáo dục và sự học ở Văn Chấn nhiều năm trước, khi mà cái việc học cái chữ "vẫn còn là của thầy cô, của Nhà nước" thì bậc học mầm non vẫn còn bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Cho đến giờ, dù các con đã lớn nhưng ông Giàng A Sử, dân tộc Mông ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng không quên cái lúc đưa bọn trẻ đến trường học chữ: "Chúng nó khóc suốt. Tiếng phổ thông còn chưa nói được thì học chữ thế nào? Thế nên, chúng cứ học dốt. Lúc ấy, mình có nghĩ được gì đâu. Cái việc học chữ, thấy thầy cô đến nhà vận động thì cho đi học thôi, chứ ai nghĩ cho con đi học mẫu giáo làm gì".

Vì xem nhẹ nên chuyện bước vào lớp 1, các thầy cô ở bậc tiểu học không thể truyền đạt kiến thức chương trình theo đúng tiến độ quy định. Bởi vì, còn phải dạy học trò người Mông biết tiếng phổ thông. Đấy là chuyện đương nhiên, là điều tối thiểu nhất, chứ còn chuyện chưa biết nhận mặt chữ, mặt số, chưa biết đếm thứ tự trong phạm vi 10 hay đơn giản là không biết phân biệt màu là những điều rất bình thường với những đứa trẻ bước vào lớp 1 ở Văn Chấn lúc bấy giờ. Chất lượng giáo dục theo đó cũng khó được nâng cao và gam màu của bức tranh  giáo dục mầm non Văn Chấn khi ấy, còn mang nhiều mảng sẫm màu.

Bên cạnh việc xem nhẹ bậc học này của người dân, thì việc dân cư sinh sống không tập trung cũng khiến việc huy động trẻ ra lớp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như: Cát Thịnh, An Lương, Tú Lệ, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền.... Cùng với đó, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là một yếu tố khó thu hút trẻ 5 tuổi ra lớp. Xác định được những khó khăn ấy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã nỗ lực rất nhiều, gần nhất là năm học 2007 - 2008, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp cũng chỉ đạt 96,5%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 11,4% và hầu hết các trường chưa đủ điều kiện để dạy các môn tự chọn như Tin học, Ngoại ngữ, kể cả các trường đạt chuẩn quốc gia.

Từ năm 2010, đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ của giáo dục mầm non ở Văn Chấn, khi Đề án "PCGDMNNT" được triển khai rộng khắp và quyết liệt. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, quán triệt sâu sắc tới các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong huyện. Trên cơ sở đó, việc nâng cao nhận thức và huy động sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện mục tiêu PCGDMNNT đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) giai đoạn 2011 - 2015.
 
Diện mạo mới

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, cho thấy giáo dục mầm non ở Văn Chấn đã trải qua một bước ngoặt lớn, đánh dấu giai đoạn lịch sử trong sự nghiệp phát triển của ngành. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của các phụ huynh, ngành học mầm non đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND tỉnh một cách kịp thời, cụ thể nên đã đem lại hiệu quả tích cực.

Toàn huyện hiện có 31 trường mầm non với 290 nhóm lớp, 100% số nhóm lớp học sinh được học 2 buổi/ngày, 100% các lớp 5 tuổi thực hiện Bộ chuẩn Phát triển trẻ em 5 tuổi. Huyện đã cùng một lúc quan tâm đầu tư cho hệ thống trường mầm non cả về xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Nhờ vậy, hầu hết diện mạo các trường mầm non ở đây đã thay đổi, khang trang hơn trước rất nhiều, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao.

Một không gian thoáng đạt, sạch sẽ đầy mầu sắc và cổ tích, những lớp học rộng mát với các góc phân vai, góc học tập, góc bé yêu lao động, góc dân tộc... được trang trí bắt mắt, đó là những điều dễ dàng nhận thấy khi tới Trường Mầm non Suối Giàng. Tuy quỹ đất của trường có hạn nhưng các cô giáo đã tận dụng tối đa, trang trí từng góc vườn, sắp xếp gọn gàng cầu trượt, bập bênh... cho trẻ đầy đủ không gian học tập, vui chơi.

Anh Giàng A Lạnh - người Mông thôn Pang Cáng có con học ở đây chia sẻ: "Trường đẹp lắm! Người lớn nhìn còn thích nữa là trẻ con". Trường Mầm non Suối Giàng là đơn vị đạt PCGDMNNT từ năm 2012 và đến nay trường có 4 điểm trường với 9 nhóm trẻ, 252 học sinh. Năm học 2014 - 2015, trường có 89 trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ huy động 100%. Trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình PCGDMNNT đều thành thạo tiếng phổ thông, nhận biết đầy đủ chữ cái và số, được đánh giá tốt khi vào bậc tiểu học.

5 năm qua, tổng ngân sách đầu tư cho PCGDMNNT huyện Văn Chấn đạt gần 278 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa được gần 9,2 tỷ đồng; 290 nhóm lớp là 290 phòng học đạt tỷ lệ 1 phòng/1 lớp học, bảo đảm trẻ được học 2 buổi/ngày. Trong đó, có 100 phòng kiên cố, 126 phòng bán kiên cố, chỉ còn 60 phòng học tạm và hầu như không còn phòng học nhờ. Cùng với đó, thiết bị đồ dùng, đồ chơi được bảo đảm đầy đủ cho 100% nhóm lớp, trong đó, số bộ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu dành cho lớp 5 tuổi đạt 100%.

Chia sẻ về thành công PCGDMNNT, cô Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng cho biết: "Hàng năm, Trường thường tổ chức 3 - 4 đợt các cô giáo luân phiên đi xuống tận các thôn, bản làm công tác phổ cập. Mặc dù địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung, có những bản, những hộ gia đình phải đi bộ đường rừng, vượt suối nhiều giờ đồng hồ mới tới nơi, nhưng Trường luôn quyết tâm không để bỏ sót một trường hợp trẻ 5 tuổi nào. Do vậy, nhiều năm nay, tỷ lệ huy động ra lớp của Trường luôn đạt 100%. Bên cạnh đó, Suối Giàng là xã có trên 98% đồng bào Mông, vì vậy các cô giáo luôn luôn sáng tạo làm nhiều đồ chơi mới, đổi mới phương pháp dạy, trang trí phòng học, cảnh quan môi trường, kích thích sự hứng thú của trẻ khi tới lớp".

Trường Mầm non Thanh Lương là một trong bảy trường đạt chuẩn PCGDMNNT đầu tiên của huyện Văn Chấn, đã có rất nhiều những hoạt động tuyên truyền, vận động xã hội hóa công tác giáo dục nên đến nay dù vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, song cơ sở vật chất nhà trường cũng khang trang hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, các cô giáo thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và chăm sóc trẻ, tự làm nhiều đồ chơi, mô hình thu hút trẻ ra lớp. Nhờ vậy, trong những năm qua, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt 100%, tỷ lệ học chuyên cần trên 98%.

Những phòng học khang trang, khuôn viên xanh, sạch với nhiều đồ dùng, đồ chơi tập thể ngày một nhiều hơn, không chỉ có ở Thanh Lương hay Suối Giàng mà còn ngày càng nhiều hơn ở cả 31 trường toàn huyện. Có được những điều này, chính là nhờ Văn Chấn đã làm tốt quy hoạch mặt bằng trường lớp, ưu tiên dành quỹ đất; tập trung nguồn lực của địa phương, tranh thủ các nguồn của trung ương, của tỉnh và huy động xã hội hóa.

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp, nhiều năm qua, Văn Chấn cũng đã tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn; số giáo viên dạy lớp 5 tuổi có 278 giáo viên/139 lớp, đạt tỷ lệ 2 giáo viên/lớp theo đúng quy định. Đây là điều kiện thuận lợi vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình mầm non mới, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu đặc biệt là công tác PCGDMNNT.

Bà Bùi Thị Oanh - Phó trưởng phòng GD - ĐT huyện Văn Chấn cho biết: "Chất lượng chăm sóc và nuôi dạy các cháu tốt hay không đều tùy thuộc vào đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Xác định được mục tiêu này, nhiều năm qua, Phòng GD - ĐT đều bố trí đủ cán bộ quản lý, tuyển đủ số lượng giáo viên và nhân viên cho các trường mầm non. Bên cạnh đó, Phòng luôn động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, tập huấn kỹ năng, phương pháp giảng dạy; tổ chức các hội thi như: giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học, dinh dưỡng trẻ thơ, vườn rau của bé; đẩy mạnh dự giờ, thăm lớp… Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt mục tiêu chăm sóc, nuôi dạy các cháu mầm non".

Đạt được chuẩn PCGDMNNT đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Văn Chấn là điều rất khó, để giữ được chuẩn lại là điều khó hơn. Song, từ năm 2013 đến nay, Văn Chấn vẫn giữ vững được chuẩn PCGDMNNT, đó là nhờ sự vào sự nhập cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn huyện. Những ngôi trường ngày một khang trang, trẻ hoàn thành chương trình mầm non vào tiểu học với chất lượng cao hơn đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục ở Văn Chấn.

Thanh Ba

Các tin khác
Công an xã Sơn Thịnh kiểm tra số súng kíp do người dân tự giác giao nộp.

YBĐT - Là xã trung tâm của huyện Văn Chấn, những năm qua, xã Sơn Thịnh luôn là địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy. Đặc biệt, các khu vực giáp ranh với các xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu), Đồng Khê, Suối Giàng (huyện Văn Chấn) thường được các đối tượng lợi dụng để tiêm chích, tàng trữ ma túy. Quyết tâm không để điểm nóng về ma túy, xã Sơn Thịnh đã có nhiều giải pháp đấu tranh hiệu quả.

Sáng nay, tại Đại hội thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ VII đã trao nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu của lực lượng CAND.

Phiên họp sáng nay của Hội đồng tiền lương quốc gia chưa đi đến được thống nhất về mức tăng lương  tối thiểu trong năm 2016 cho người lao động.

Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia trong sáng nay (5.8) đã không đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu năm 2016, bởi đại diện các bên chưa tìm được tiếng nói chung. Đáng chú ý, giới chủ sử dụng và người lao động đưa ra mức tăng chênh nhau tới 10%.

YBĐT – Ngày 5/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin đối ngoại và công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí tỉnh Yên Bái năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục