Xoa dịu “vết thương” không chảy máu
- Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2015 | 3:10:38 PM
YênBái - YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa, tưởng chừng như mọi nỗi đau, mất mát sẽ nguôi ngoai theo thời gian, nhưng vẫn còn rất nhiều người ngày ngày đối diện với một nỗi đau khác, dai dẳng và dằn vặt, đó là nỗi đau do hậu quả của chất độc da cam (CĐDC) của quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.
Cán bộ xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Vũ Văn Trai.
|
Đối với những cựu chiến binh, những người hoạt động, sinh sống trong vùng nhiễm CĐDC thì những “vết thương” không chảy máu khiến nhiều người chết, mắc các bệnh nan y khác nhưng tai hại hơn cả là nó đã để lại hậu quả cho thế hệ sau, ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi.
Nỗi đau giữa thời bình
Đến thăm gia đình cựu chiến binh Bùi Minh Nhiệm ở thôn Phúc Thành, xã Đại Phác (huyệnVăn Yên) chúng tôi mới cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả và đau đớn suốt thời gian đã qua mà gia đình ông phải gánh chịu. Từng là một người lính tham gia quân ngũ từ những năm 1966 tại chiến trường Quảng Trị - Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi sau đó gần 5 năm là lính công binh hoạt động bên nước bạn Lào nhưng chưa bao giờ ông có thể ngờ được gánh nặng dai dẳng mà bản thân ông và những người con của mình phải mang đến tận ngày hôm nay.
Suốt ba chục năm qua, chứng kiến nỗi đau đớn đang giày vò những đứa con của mình từng ngày, từng giờ mà ông cũng như đứt từng khúc ruột, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà cố sống, cố vượt qua số phận nghiệt ngã. Ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, vậy mà ông vẫn chưa có giây phút nào được thảnh thơi, bản thân bị mất sức lao động đến hơn 80%, cô con gái lớn cũng bị ảnh hưởng bởi CĐDC mà không thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác…
Nhấp ngụm trà, gương mặt ông nặng trĩu với những nếp thời gian, đôi mắt suy tư, rưng rưng, ông Nhiệm chia sẻ: “Năm 1974, tôi về phục viên và lập gia đình. Trong suốt thời gian quân ngũ, sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ một biểu hiện lạ nào. Sau khi kết hôn, đến năm 1983, vợ chồng tôi sinh con gái đầu lòng là cháu Bùi Thị Mùi. Mới đầu, cháu cũng phát triển như bao đứa trẻ khác. Vợ chồng tôi rất mừng. Tuy nhiên, khi thấy cháu trốn lẫy, trốn bò, lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói, chúng tôi mới đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi, lúc đấy cũng chưa một bệnh viện nào kết luận cháu bị ảnh hưởng bởi CĐDC”.
Mỗi ngày trôi qua, nhìn con lớn lên trong những cơn đau mà vợ chồng ông chỉ biết gắng gượng. Ngày ấy, chưa ai hiểu thế nào là CĐDC nên không ít người còn có thái độ miệt thị, phân biệt đối xử với gia đình ông. Nhiều đêm trăn trở, ông nghĩ rằng, chiến tranh còn không cướp nổi tính mạng của mình thì có lẽ nào mình lại đầu hàng trước số phận.Vậy là, từng ngày, từng ngày một, tự tay ông Nhiệm chăm sóc, bón từng miếng cơm, chén nước cho con. Có lẽ trời cũng không phụ công ông, chị Mùi con gái ông giờ đây đã biết nhận thức rõ hơn, có thể hiểu được mọi người xung quanh nói chuyện và sức khỏe cũng đang tiến triển theo chiều hướng tốt. Đến nay, cuộc sống gia đình ông đã dần ổn định.
Người con trai thứ hai của ông tốt nghiệp đại học kinh tế, hiện đang đi làm và đã lập gia đình. Ông bà cũng đã xây dựng được một căn nhà khang trang, kiên cố. Hàng tháng, ông và con gái cũng nhận được mức hỗ trợ gần 3 triệu đồng dành cho gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Mặc dù số tiền ấy không phải là nhiều, song cũng giúp ông vượt qua khó khăn, trang trải cuộc sống và lo thuốc thang cho con.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Nhiệm, ông Vũ Văn Trai ở thôn 2, xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) giờ cũng đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn chưa hết lo lắng cho con. Ông có 4 người con. Những tưởng sinh ra đứa nào cũng khỏe mạnh bình thường để tuổi già được cậy nhờ. Nhưng thật không may, người con gái sinh năm 1987 bị ảnh hưởng di chứng CĐDC từ người bố từng tham gia chống Mỹ ở chiến trường miền Nam.
Nhìn đứa con gái gần 30 tuổi ngồi trên ghế ngây ngô, ông Trai kể: “Lúc lên bốn, lên năm con gái tôi vẫn chưa ngồi được, cũng không biết nhai thức ăn, tất cả mọi sinh hoạt của con tôi, đều nhờ vào bố mẹ. Bây giờ con tôi tự đi lại như thế này là gia đình mừng lắm. Tiếng súng đã im, những cánh rừng bị bom đạn, chất độc hóa học của giặc Mỹ giội xuống cũng đã lại xanh theo năm tháng, Vậy mà, vết tích chiến tranh vẫn còn đó trên thân thể của những con người đi ra từ cuộc chiến và cả những thế hệ hôm nay. Sẽ còn biết bao số phận, bao câu chuyện buồn như gia đình người cựu chiến binh Bùi Minh Nhiệm, Vũ Văn Trai. Vượt qua số phận bằng ý chí, nghị lực của mỗi con người, nhưng trên cả là cần hơn những tấm lòng, những cái nhìn cảm thông để góp phần cùng nhau chia sẻ và chung tay xoa dịu nỗi đau CĐDC.
Cùng xoa dịu nỗi đau da cam
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái, hiện tại toàn tỉnh có trên 1.300 người bị nhiễm CĐDC. Các địa phương có số người bị nhiễm CĐDC cao là: Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên... Trong số các đối tượng nhiễm CĐDC, ngoài những người trực tiếp tham chiến tại các chiến trường miền Nam, còn có những người sinh ra sau chiến tranh, là con hoặc cháu của những cựu chiến binh. Hậu quả nặng nề do di chứng từ CĐDC đã khiến những nạn nhân này phải gánh chịu các chứng bệnh nan y như: ung thư, bại liệt, bại não, tiểu đường, vô sinh; không có hoặc giảm thiểu chức năng sinh tồn cần thiết...
Đáng nói là, có những gia đình không chỉ có một, mà là hai, thậm chí ba, bốn hoặc nhiều người đều bị ảnh hưởng CĐDC. Cuộc sống của những gia đình nạn nhân CĐDC, phần lớn đều hết sức khó khăn. Thời gian qua, để tạo điều kiện cho các gia đình nạn nhân CĐDC vượt qua những khó khăn trước mắt, Nhà nước đã trợ cấp kinh phí hàng tháng cho mỗi nạn nhân. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã đóng góp khá nhiều tiền bạc, thuốc men chữa trị, phần nào đã giúp người bệnh có thể gắng gượng vươn lên.
Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái - bà Lê Thị Thuận cho biết: Những năm gần đây, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nạn nhân CĐDC ở Yên Bái đã nhận được những đóng góp, sẻ chia của nhiều tổ chức, cá nhân. Một số dự án của Trung ương Hội về đào tạo nghề, hỗ trợ vốn chăn nuôi, các nhà hảo tâm tặng quà, xe lăn với số tiền hàng trăm triệu đồng đã giúp các gia đình nạn nhân vững tin hơn vào cuộc sống.
Năm 2014, Hội đồng Quản lý "Quỹ hỗ trợ nạn nhân CĐDC Yên Bái" đã chi trên 80 triệu đồng để mua quà, thăm hỏi động viên nạn nhân CĐDC. Trong những tháng đầu năm 2015, hưởng ứng Ngày "Vì nạn nhân CĐDC", Tỉnh Hội đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở tập trung, tăng cường tổ chức các hoạt động giúp đỡ các gia đình nạn nhân và vận động gây quỹ giúp nạn nhân. Nhân “Tháng hành động Vì nạn nhân CĐDC”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng có 200 suất quà trị giá 3 trăm nghìn đồng/suất trao cho các nạn nhân.
Nói về trách nhiệm "Xoa dịu nỗi đau da cam", bà Thuận cho rằng, rất cần những tấm lòng nhân ái. Bởi vì, chỉ có những việc làm cụ thể đối với nạn nhân CĐDC, thông qua tài trợ bằng vật chất mới có thể giúp gia đình họ khắc phục những tổn thất kéo dài suốt nhiều năm qua. Và chỉ có những việc làm từ tấm lòng nhân ái, mới cảm thông được nỗi đau không gì bồi đắp được mà các nạn nhân phải cam chịu...
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Với những thành tích đạt được, Công an huyện đã được Giám đốc Công an tỉnh công nhận đơn vị Quyết thắng 4 năm liền. Năm 2011 đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Bộ Công an tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cơ sở. Đảng bộ Công an huyện Mù Cang Chải được công nhận danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm liên tục.
YBĐT - Phát triển quy mô màng lưới trường học, nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn huyện có 33 trường, đến nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 36 trường trực thuộc, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn ngành có 528 lớp với 11.467 học sinh.
YBĐT - Mới đây, tại Nhà khách Trường Sơn đã diễn ra cuộc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy năm 2015 do Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái tổ chức. Cuộc huấn luyện có sự tham gia của 102 học viên đến từ 13 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã nêu: Công tác tổ chức xây dựng đảng đạt kết quả toàn diện, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên cơ sở. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng cao, nhất là về bản lĩnh chính trị và năng lực công tác, tâm huyết với công việc được giao, có tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân.