Hiệu quả từ chính sách đối với đồng bào dân tộc ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2015 | 3:28:01 PM
YBĐT - Là huyện miền núi, có 18 dân tộc sinh sống tại 31 xã, thị trấn, trong đó phần đông là dân tộc Tày, Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú... Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, các chủ trương, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được huyện Văn Chấn triển khai, thực hiện tốt, đúng đối tượng, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Người Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) thu hoạch chè Shan tuyết.
|
Xuất thân trong gia đình đông anh em ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, Mùa A Chua chỉ học đến biết đọc, biết viết rồi ở nhà lấy vợ và được bố mẹ chia cho ít đất sản xuất nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, anh Chua luôn trăn trở phải làm cách nào để thoát khỏi đói nghèo? May thay, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn để mua giống chè về trồng, mua trâu, bò, dê giống về nuôi. Với sự cần cù, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ, thuật về chăn nuôi, trồng trọt do xã, huyện tổ chức, anh đã biết cách phát triển kinh tế.
Đến nay, gia đình đã có 5.000m2 chè, 1.000m2 ruộng hai vụ, 1ha đất ngô đồi. Khi kinh tế khá lên, anh càng chú tâm phát triển gia súc, gia cầm. Từ đó, mỗi năm duy trì từ 1 - 2 lợn nái, 4 - 5 con lợn thịt, 3 con trâu, 2 con bò và hơn chục con dê. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình anh Chua thu về trên 100 triệu đồng. Anh tâm sự: "Trước đây gia đình gặp rất nhiều khó khăn, sau khi có vốn vay, tôi đã tập trung phát triển kinh tế nên đời của gia đình được nâng lên, con tôi được học hành chu đáo. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước".
Được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, được nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín, ông Hoàng Đức Luân ở thôn Ba Khe 1, xã Cát Thịnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cùng với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tạo nên phong trào thi đua yêu nước trong lao động, sản xuất. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, 90% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Ông Hoàng Đức Luân chia sẻ: "Được bà con tín nhiệm, tôi đã tích cực đến từng hộ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, không sinh đẻ nhiều con, không tảo hôn, không làm ăn phi pháp và hiện nay số hộ ngèo của thôn đã giảm xuống còn 10%".
Xã Cát Thịnh có 26 thôn bản, trong đó có 9 thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn vì chủ yếu là đồng bào Mông, Dao sinh sống. Để nâng cao đời sống cho bà con, những năm qua, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, năm 2014, thu nhập bình quần đầu người trong xã đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21%.
Với đặc thù của huyện miền núi, nhiều dân tộc sinh sống, những năm qua, huyện đã tăng cường cán bộ về các xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc để giúp đỡ bà con triển khai, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án: Chương trình 135, 134, Chương trình nước sạch nông thôn, hỗ trợ dầu thắp sáng cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh dân tộc vùng khó khăn, tuyên truyền, vận động bà con sống định canh, định cử để ổn định cuộc sống...
Năm 2014, huyện được hỗ trợ 30 tỷ 400 triệu đồng và huyện đã đầu tư xây dựng 20 công trình, trong đó 12 công trình đường nông thôn, 3 công trình thủy lợi, 1 công trình điện sinh hoạt, cải tạo một trạm biến áp và kéo 1,2km đường điện thắp sáng cho 50 hộ ở thôn Bản Bẻ, xã Nghĩa Sơn, xây mới và nâng cấp 3 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 23ha ruộng của 3 xã: Suối Bu, Suối Quyền, Nậm Búng. Hỗ trợ về sản xuất cho 28 xã, trong đó có 664 hộ được hỗ trợ mua 231 máy nông nghiệp, 5.850 hộ được hỗ trợ mua cây, con giống, tổ chức tập huấn, thăm quan học tập cho 45 lượt người. Thực hiện tốt chính sách cứu trợ, hỗ trợ gạo cứu đói nhân dịp tết Nguyên đán là 1.492 hộ nghèo với 4.950 nhân khẩu và tổng số gạo là 74.790kg.
Trong mùa giáp hạt, huyện hỗ trợ 109.920kg gạo cho 7.328 nhân khẩu, bảo đảm ổn định cuộc sống cho bà con. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Riêng năm 2014, huyện đã giải ngân cho các hộ đồng bào nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn được 688 triệu đồng.
Năm 2015, Văn Chấn được phê duyệt kinh phí để thực hiện Chương trình 135 là 31 tỷ 450 triệu đồng, trong đó hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn là 22 công trình, trong đó có 14 công trình chuyển tiếp và 8 công trình đầu tư mới. Cùng đó, huyện đã triển khai hiệu quả chương trình di dời dân ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, tranh thủ các nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: "Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu giúp huyện triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án về chính sách dân tộc. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan tăng cường tuyên truyền, theo dõi, đôn đốc thực hiện để đạt hiệu quả cao".
Nhờ thực hiện tốt công tác chính sách dân tộc nên bộ mặt nông thôn vùng cao đã có nhiều thay đổi, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Tối 11/8, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Lời ca dâng Đảng”, chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Chiều 11/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), các sở GD&ĐT về việc hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo đó, các thí sinh sẽ không phải vượt hàng trăm cây số để rút hồ sơ nữa.
Ngày 11-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo "Triển khai sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em".
YBĐT – Sáng 12/8, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức tập huấn về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên cho 100 học viên là bí thư, phó bí thư Đoàn các huyện, thị, thành phố, bí thư Đoàn trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề, tổng phụ trách Đội trong toàn tỉnh, đại diện phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố.