Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần đẩy mạnh truyền thông
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2015 | 2:50:19 PM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Yên Bái tích cực vào cuộc trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đặc biệt là các chiến dịch truyền thông phát huy được tác dụng tích cực, góp phần nâng cao kiến thức người tiêu dùng về VSATTP. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nêu cao được ý được trách nhiệm.
Thời gian qua, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh; quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản nhỏ lẻ, nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập... Dù vậy, công tác bảo đảm VSATTP đã có nhiều kết quả rõ nét, được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kiến thức, sự hiểu biết của người dân về bảo đảm sức khỏe được nâng lên rõ rệt, từ đó có sự coi trọng đúng mức về VSATTP.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng đã hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm VSATTP đối với sản phẩm làm ra hoặc kinh doanh, phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Để có kết quả đó, vấn đề truyền thông nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người quản lý, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được hết sức coi trọng và đây chính là chìa khóa để công tác bảo đảm VSATTP thu được hiệu quả như mong muốn.
Ông Sái Tiến Dũng - Trưởng phòng Đăng ký, Chứng nhận sản phẩm và Thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác truyền thông VSATTP. Trước hết, củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức, quản lý về VSATTP từ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn. Chi cục thường xuyên giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện công tác VSATTP. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để nhanh chóng cập nhật, phản ánh tình hình, mặt tích cực cùng những hạn chế yếu kém. Qua đây, giúp cộng đồng, người xem, người nghe nâng cao kiến thức, hiểu biết để sử dụng những sản phẩm bảo đảm VSATTP”.
Hàng năm, trong dịp tết Nguyên đán, “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm”, tết Trung thu, Chi cục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, xây dựng kế hoạch in sao, cấp phát 212 băng đĩa truyền thông thông điệp VSATTP cho các địa phương; từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn, bản đều treo băng rôn, khẩu hiệu bằng tiếng Việt và một số tiếng dân tộc khác; cấp phát đĩa, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về VSATTP cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tập trung tuyên truyền tại các vùng sâu, vùng xa nhằm ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; lồng ghép tuyên truyền trong các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và tuyên truyền an toàn thực phẩm trực tiếp cho người dân tại cơ sở... Do đó, chỉ số phản ánh nhận thức của từng nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ khá cao. Người quản lý nắm bắt những văn bản quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực VSATTP chiếm 80%; người tiêu dùng là 70%; đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đạt 70%...
Tuy nhiên, công tác truyên thông về VSATTP vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân giữa các vùng vẫn chưa được đồng đều, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Thói quen ăn uống, sinh hoạt theo tập tục của đồng bào vùng cao dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu trách nhiệm; đội ngũ cán bộ làm công tác VSATTP còn thiếu so với nhu cầu thực tế…
Để nâng cao hiệu quả công tác này, ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nâng cao trách nhiệm trong phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm VSATTP; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phân tích mối nguy ô nhiễm thực phẩm, giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm và phòng chống; phấn đấu giảm tổng số mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là dưới 7 ca/100.000 dân. Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát, xử lý kịp thời các sự cố mất VSATTP; chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin VSATTP cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang; hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện bảo đảm VSATTP, người tiêu dùng biết cách lựa chọn sản phẩm an toàn”.
Trần Minh
Các tin khác
Đây là quy định hoàn toàn mới ở đợt xét tuyển thứ hai vào đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ) năm 2015 so với đợt 1, trong công văn của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ký và sẽ gửi các trường trong ngày 21-8.
YBĐT – Ngày 21/8, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức xây dựng phát triển mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ và tọa đàm “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với chủ đề “Thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh năm 2015".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Đến 13h ngày 21/8, vị trí tâm bão GONI cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 380km về phía Đông Nam.