Nâng cao hiệu quả tiếp công dân
- Cập nhật: Thứ ba, 25/8/2015 | 3:17:13 PM
YênBái - YBĐT - Xét dưới góc độ pháp lý, tiếp công dân (TCD) là việc cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức TCD đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của công dân, hướng dẫn, giải thích cho công dân về việc thực hiện KNTC, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Nhưng ngoài mục đích tiếp nhận những phản ảnh, kiến nghị, KNTC của công dân, TCD còn để “an dân”, làm “hạ nhiệt” những cái đầu đang “rất nóng”, trực tiếp lắng nghe và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của người dân.
Cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh vào các ngày làm việc trong tuần.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Việc dễ mà khó
TCD có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ; đánh giá tính khả thi của các chính sách để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho phù hợp; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong xã hội, khơi dậy tiềm năng, tranh thủ trí tuệ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hạn chế việc KNTC tràn lan, vượt cấp.
Tổ chức tốt công tác tiếp dân là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.
Ngoài những kiến thức chuyên môn, có thể nói, kỹ năng TCD còn chính là nghệ thuật ứng xử. Công dân khi đến Trụ sở TCD không phải ai cũng có thái độ đúng mực, nghiêm túc, bình tĩnh, thiện chí. Cũng có không ít người mang tâm lý bức xúc ở nơi khác đến “trút giận” lên cán bộ tiếp dân nếu như kết quả giải quyết không như mong đợi. Vì vậy, bên cạnh nắm vững kiến thức chuyên môn, vận dụng chuẩn xác các qui định của pháp luật vào công việc hàng ngày, cán bộ TCD phải có tinh thần trách nhiệm cao, một trái tim nhạy cảm với tâm lý vững vàng, tự tin nhưng cũng đủ cứng rắn để không chỉ có thể xử lý hài hòa mọi tình huống mà còn biết cảm thông, chia sẻ giúp người dân, tháo gỡ mọi thắc mắc trên cơ sở các quy định của pháp luật và thực tiễn đời sống.
Kinh nghiệm và kỹ năng trong TCD là hết sức quan trọng nhưng một yếu tố quan trọng không kém, đó là người cán bộ làm nhiệm vụ TCD có đặt mình vào hoàn cảnh của người dân mới thấu hiểu hết những tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của người dân. Khi đã thấu hiểu được tâm trạng của người dân, cán bộ TCD sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tiếp nhận và xử lý những thông tin KNTC, kiến nghị, phản ánh từ phía người dân cung cấp.
Trước đây, quy định của pháp luật về TCD còn gói gọn trong một phạm vi hẹp của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã cho thấy những bất cập trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn về công tác TCD; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh một cách đầy đủ, công khai và minh bạch; đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác TCD, gắn việc TCD với giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật TCD có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Biến khó thành dễ
Ngay sau khi Luật TCD và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TCD được ban hành, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 22/10/2014 và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật TCD và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Đến nay, Ban TCD tỉnh và 9/9 ban TCD cấp huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định.
Cùng với việc thành lập ban TCD, UBND các cấp đã ban hành nội quy TCD tại Trụ sở TCD và chỉ đạo Ban TCD xây dựng Quy chế phối hợp TCD. Vì vậy, mối quan hệ phối hợp giữa Ban TCD với các cơ quan có liên quan ngày càng được củng cố và tăng cường. Khi tiếp nhận được đơn thư KNTC của công dân, các cơ quan đều thông tin phối hợp thống nhất hướng xử lý, giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật, hạn chế được tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng.
Trụ sở TCD của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều được bố trí thuận lợi cho công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh. Đội ngũ cán bộ, công chức TCD có trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu kiến thức pháp luật, thực hiện nhiệm vụ TCD đầy đủ, thường xuyên tại Trụ sở TCD theo đúng quy định nên đã kịp thời tiếp nhận các thông tin KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân. UBND các cấp luôn quan tâm bố trí nguồn ngân sách bảo đảm đúng theo quy định cho cán bộ, công chức làm công tác TCD và xử lý đơn thư trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là nguồn hỗ trợ, động viên kịp thời, bảo đảm cho cán bộ làm công tác TCD trên địa bàn toàn tỉnh yên tâm công tác.
Do triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TCD nên thời gian qua, công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình KNTC diễn ra ổn định, giảm về số vụ việc, không có khiếu kiện phức tạp và “điểm nóng”. Việc tiếp nhận đơn thư và giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung quan tâm, phối hợp giải quyết dứt điểm. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước và lãnh đạo chính quyền các cấp trong công tác TCD giải quyết KNTC tiếp tục được nâng lên. Vì vậy, nhiều vụ việc KNTC của công dân đã được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích chính đáng của Nhà nước, quyền và lợi chính đáng của công dân; tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của các tổ chức, cá nhân, công dân, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TCD cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Một số cán bộ TCD chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ TCD nên còn tư tưởng ngại va chạm, lúng túng trong xử lý đối với các công dân có biểu hiện quá khích tại nơi tiếp công dân. Một số nơi, cán bộ TCD chưa làm hết trách nhiệm của mình nên còn có tình trạng TCD một cách qua loa, chiếu lệ; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ…
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TCD, các cấp ủy đảng và chính quyền cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động TCD và giải quyết KNTC; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong TCD, giải quyết đơn thư KNTC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác hoà giải tại chỗ khi có tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; tăng cường công tác phối hợp, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết KNTC; kịp thời giải quyết các điểm nóng mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh gây mất đoàn kết dẫn đến đơn thư khiếu kiện; tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả TCD, giải quyết đơn thư KNTC của đội ngũ cán bộ chuyên trách để kịp thời xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên về TCD, giải quyết KNTC; mở rộng các dịch vụ tư vấn pháp luật cho công dân với nhiều hình thức phong phú, sinh động có hiệu quả thiết thực để giúp công dân nắm vững và thực hiện tốt quyền KNTC của mình; thực hiện tốt công cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thẳng thắn trong nội bộ và trước nhân dân để sửa chữa những sai sót, tồn tại; đề ra phương hướng hành động sát hợp với nhằm chấn chỉnh các mặt quản lý theo đúng pháp luật, công khai dân chủ trong nội bộ Đảng và nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để mọi người, mọi việc đều làm đúng theo quy định của pháp luật.
Cán bộ TCD phải từng bước tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước để nâng cao năng lực cũng như kỹ năng trong thực hiện công tác TCD và có thể hỗ trợ thêm thông tin đối với ýýý kiến người dân trình bày thiếu cơ sở, chưa thấu đáo, không đúng quy định của pháp luật; đồng thời, phải rèn cho mình tính kiên trì, nhẫn nại, ôn hòa, điềm đạm nhưng nghiêm túc trong công việc; biết tôn trọng và lắng nghe, quan tâm chân thành và đồng cảm với những lo lắng, bức xúc và mong muốn của nhân dân, gợi lên những tình cảm nhất định về bản chất của người Việt Nam luôn xem trọng tình cảm. Đây là yếu tố quan trọng để thuyết phục người nghe đồng tình với ý kiến phân tích giải thích của mình.
Vương Thị Thanh Lâm (Văn phòng UBND tỉnh)
Các tin khác
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra thông báo rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển và thời gian công bố kết quả trúng tuyển đối với các đợt xét tuyển đại hoc, cao đẳng (ĐH, CĐ) tiếp theo.
YBĐT - Cái mới luôn vấp phải sự khó khăn và bỡ ngỡ lúc ban đầu - ấy là điều dễ hiểu cho tình trạng nộp hồ sơ, xét tuyển nguyện vọng được xem rối như tơ vò những ngày qua. Yên Bái không có nhiều trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nằm trong cái mớ rối ấy nhưng cũng có nhiều chuyện thí sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” khi đến làm thủ tục hồ sơ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái - trường duy nhất trên địa bàn tỉnh chỉ xét duyệt trên kết quả cụm thi quốc gia…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ hôm nay (25/8) tiếp tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nắng nóng ở khu vực này còn kéo dài vài ngày tới.
Tối 24/8, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), các sở GD-ĐT lưu ý một số điểm trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung.