Cần đổi mới trong dạy và học ngoại ngữ

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2015 | 2:49:37 PM

YênBái - YBĐT - Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm các môn thi tại kỳ thi THPT quốc gia, trong đó môn thi có phổ điểm thấp nhất là ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2 - 3,5 điểm và chỉ có 20% thí sinh có điểm tiếng Anh cao hơn 5. Điều này theo đánh giá của nhiều giáo viên và chuyên gia ngoại ngữ là phù hợp với thực tế dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay.

Giờ học ngoại ngữ của các em học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái).
Giờ học ngoại ngữ của các em học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái).

Thực trạng dạy và học ngoại ngữ

Hiện tại, ngoại ngữ đang là môn học có nhiều tiết trong chương trình phổ thông (3 tiết/tuần) và nhiều trường đã chọn ngoại ngữ là môn học tự chọn ngay từ lớp 3. So với các ngoại ngữ: Nhật, Trung, Nga, Pháp… thì tiếng Anh là ngoại ngữ có tới trên 90% số học sinh trong cả nước theo học. Tại Yên Bái, từ lâu, tiếng Anh đã trở thành môn học được 100% các trường phổ thông lựa chọn để học sinh theo học. Do đó, ngành giáo dục Yên Bái đã có sự quan tâm nhất định để nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy môn học; khuyến khích các nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học phục vụ cho yêu cầu môn học; tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cho học sinh tham gia…

Tuy nhiên, hiệu quả dạy và học môn Tiếng Anh vẫn còn là vấn đề cần quan tâm bởi chất lượng chưa thực sự cao. Phần lớn các trường học có đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ riêng cho môn Tiếng Anh mới chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn. Còn với các trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở trường lớp nhiều nơi còn chưa bảo đảm nên việc đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho các môn học nói chung và tiếng Anh nói riêng còn nhiều hạn chế.

Thêm vào đó, theo đánh giá của nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Tiếng Anh cho hay, hiện nay nội dung chương trình học môn Tiếng Anh có phần quá tải so với thời lượng cho phép (3 tiết/tuần). Chỉ với 45 phút/1 tiết học, rất khó để giáo viên chuyển tải tốt cả 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết cho học sinh, trong khi đó, một bộ phận giáo viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Việc phát âm còn chưa chuẩn xác, kỹ năng truyền dạy chưa hợp lý, chưa chú ý phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp nên không gây được hứng thú cho học sinh.

Về phía học sinh, không kể những em có tính lười học, không có ý thức vươn lên trong học tập thì vẫn còn rất nhiều học sinh đang cảm thấy khó khăn trong việc học bộ môn này. Đa phần các em còn chưa nắm được phương pháp học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để tăng cường vốn từ vựng, làm thế nào để nghe, hiểu được người Anh nói, cách sử dụng từ điển ra sao, luyện nghe bằng đĩa ghi âm có mấy bước…?

Cô giáo Lê Thị Thu Trang - giáo viên Trường THPT Lê Qúy Đôn, huyện Trấn Yên bày tỏ: “Tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng hết sức cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh vẫn còn chủ quan, học lệch, học đối phó nên dẫn đến việc mất kiến thức căn bản, không đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Đặc biệt, đối với những học sinh ở vùng nông thôn do ít có điều kiện tiếp cận các tài liệu tham khảo, các phần mền học tiếng Anh hay sử dụng Internet để học online, do đó, nhiều em rất yếu, kém về môn học này”.

Học nhiều, khả năng ứng dụng chưa cao

Phải khẳng định rằng, mong muốn cao nhất của người học khi học bất kỳ ngoại ngữ nào là có thể sử dụng thành thạo được cả 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Nếu người học chỉ giỏi một trong các kỹ năng trên thì chưa thể tự tin để sử dụng ngoại ngữ. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay dù sau ít nhất 7 năm học ngoại ngữ từ lớp 6 đến lớp 12, phần lớn học sinh có trình độ ngoại ngữ vẫn không thể giao tiếp và sử dụng thông thạo ngoại ngữ. Em Nguyễn Hoàng Linh - học sinh nhiều năm đạt điểm giỏi môn Tiếng Anh hiện đang học tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái bày tỏ: “Ở lớp em, hầu hết các bạn đều nắm rất chắc ngữ pháp tiếng Anh nhưng phản xạ nghe - nói lại kém. Có lần em gặp người nước ngoài trên đường, họ có ý muốn hỏi em đường đi từ Yên Bái về Hà Nội mà nghe mãi em mới hiểu. Hiện tại, em đang tập trung nhiều cho việc rèn luyện kỹ năng nghe và nói ”.

Tương tự, Nguyễn Trần Bảo Lan - sinh viên năm 2 lớp chất lượng cao, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Em từng là học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Khi còn học phổ thông do chỉ chú trọng nhiều vào phần đọc, viết, ít thực hành nên khi lên đại học, em đã gần như không tiếp thu được gì khi gặp giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Có những lúc cảm thấy bế tắc, em đã định từ bỏ ước mơ đi du học của mình vì khả năng ngoại ngữ còn hạn chế nhưng rồi qua quá trình tự ôn luyện nghe, nói và tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài, đến nay, khả năng giao tiếp tiếng Anh của em đã cải thiện đáng kể”.

Có thể nói, việc học ngoại ngữ chưa đạt hiệu quả không hẳn là do người học không có ý thức học mà chỉ bởi phương thức học còn chưa hợp lý. Mới đây, theo công bố của Vụ Giáo dục Đại học khảo sát về việc sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh thì chỉ có khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Điều này theo nhận định của nhiều chuyên gia là do các sinh viên đã không có nền tảng kiến thức ngoại ngữ vững chắc ngay từ bậc phổ thông nên khi lên cao kết quả học cũng không khả quan hơn. Vấn đề này đồng nghĩa với việc nhiều bạn trẻ sẽ bỏ lỡ cơ hội làm việc tại môi trường quốc tế và tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường cũng sẽ tăng cao vì không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh.

Cần cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Trong thời đại hội nhập, tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thiết yếu và là công cụ đưa sự thành công tới gần mọi người hơn, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải cải thiện được chất lượng dạy và học học tiếng Anh ngay từ trường phổ thông. Việc này, trước tiên đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của ngành giáo dục.

Việc học ngoại ngữ thực chất cũng giống như  học tiếng mẹ đẻ, việc học cần bắt đầu bằng việc lắng nghe - bắt chước và tập nói, sau đó mới học viết và đọc. Do đó, cùng với việc nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, trong quá trình dạy, các giáo viên cũng không nên chỉ đầu tư thời gian cho việc dạy ngữ pháp mà cần phải tăng cường vốn từ vựng, luyện phản xạ nghe - nói cho học sinh; hạn chế đến sử dụng tiếng Việt trong giờ học; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ để cho học sinh có cơ hội được sử dụng tiếng Anh như: thi viết, kể chuyện bằng tiếng Anh; thi hùng biện bằng tiếng Anh; tổ chức các trò chơi sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh…

Đối với các học sinh, bản thân mỗi người cũng cần tìm cho mình một phương pháp học tiếng Anh phù hợp; hãy coi việc học như một sự tìm hiểu, khám phá mới, có như vậy mới giúp cho việc học tiếng Anh không còn nhàm chán và áp lực. Việc học mới thực sự đạt hiệu quả và thành công như mong muốn.

Chị Nguyễn Hoài Anh - tổ 8, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái:

Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội thì việc biết ngoại ngữ là hết sức cần thiết, vì thế, gia đình tôi cũng rất tạo điều kiện cho các con học ngoại ngữ. Tôi mong, chất lượng dạy và học ngoại ngữ của các nhà trường sẽ ngày càng được nâng cao để thế hệ trẻ tương lai tự tin hội nhập thế giới.

 

 

 

 

Em Nguyễn Ngọc Chung - học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái:

Cháu rất thích học tiếng Anh nên ngay từ khi học lớp 1, bố mẹ cháu đã cho cháu đi học thêm tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ. Ở nhà, cháu cũng rất hay xem phim hoạt hình và truyện kể bằng tiếng Anh. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi tiếng Anh để có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch được đi nhiều nơi trên thế giới.

 Hồng Oanh

Các tin khác
Môt buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.
(Ảnh: Đình Huy - Sở Tư pháp)

YBĐT - Hoạt động Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Viếng Lăng Bác.

Từ ngày 4/9 - 4/11/2015, tạm ngừng tổ chức lễ viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

YBĐT – Ngày 26/8, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Sở đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Đồng chí Trần Văn Tường - Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp (thứ tư, phải sang) trao đổi các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thời gian tới với Ban giám đốc và lãnh đạo các phòng chuyên môn. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Cùng với việc tích cực tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, giải quyết các vụ việc phức tạp, ngành tư pháp đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tập trung theo dõi thi hành pháp luật trên các lĩnh vực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục