Ngành Tư pháp Yên Bái - một chặng đường phát triển
- Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2015 | 9:42:47 AM
YênBái -
YBĐT - Cùng với việc tích cực tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, giải quyết các vụ việc phức tạp, ngành tư pháp đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tập trung theo dõi thi hành pháp luật trên các lĩnh vực.
Đồng chí Trần Văn Tường - Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp (thứ tư, phải sang) trao đổi các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thời gian tới với Ban giám đốc và lãnh đạo các phòng chuyên môn. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2015), mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp cùng nhau ôn lại chặng đường phát triển 70 năm qua, chặng đường phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ tư pháp để hiểu rõ hơn giá trị niềm tin mà Đảng, chính quyền và nhân dân dành cho ngành tư pháp. Đồng thời, cũng để thấy rõ hơn tinh thần, nội lực, ý chí và quyết tâm của các thế hệ cán bộ ngành tư pháp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cùng với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của ngành tư pháp Việt Nam, ngành tư pháp tỉnh Yên Bái được thành lập cách đây đúng 33 năm. Trải qua những chặng đường xây dựng và trưởng thành, thực hiện yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử, ngành tư pháp Yên Bái đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương Yên Bái. Đến hôm nay, ngành đã có nhiều thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ngày càng được mở rộng. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức đảm đương yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trên tất cả các mặt công tác của ngành, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp tỉnh Yên Bái luôn đoàn kết, trách nhiệm, tận tụy, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó, thể hiện trước hết trong công tác tham mưu với tỉnh về xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ phục vụ cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tham gia ý kiến vào văn bản luật và các văn bản dưới luật, thẩm định có chất lượng các dự thảo văn bản pháp luật của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành; tham mưu, tư vấn giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Công tác tham mưu của Sở Tư pháp không chỉ đơn thuần là áp dụng các quy định của pháp luật mà luôn nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách, giải quyết vụ việc vừa phù hợp với tình hình thực tế, vừa bảo đảm quy định của pháp luật.
Cùng với việc tích cực tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, giải quyết các vụ việc phức tạp, Sở Tư pháp đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tập trung theo dõi thi hành pháp luật về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển của tỉnh… Qua đó, đã kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh huỷ bỏ, bãi bỏ các văn bản trái phát luật, không phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ cho đầu tư phát triển; hoàn thành có chất lượng và hiệu quả các hoạt động trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được tăng cường, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật của trung ương trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp cũng thường xuyên tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và triển khai các đề án, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn.
Ngoài ra, các mặt công tác tư pháp khác như bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý đều có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, và ngày càng hướng mạnh về cơ sở, bảo đảm kỷ cương pháp luật, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phục vụ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao giải Nhì cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” cho Sở Tư pháp. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Bước vào năm phát triển thứ 70 và những năm phát triển tiếp theo của ngành, với nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản mà Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, ngành tư pháp tỉnh Yên Bái xác định cần phải tiếp tục tạo ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm, hiệu quả trên tất cả các mặt của công tác tư pháp.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, toàn thể cán bộ, công chức trong ngành cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nhạy bén với tình hình, thường xuyên tự đổi mới để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao.; chủ động tham mưu giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, cụ thể hoá chủ trương, chính sách pháp luật vào điều kiện thực tế của tỉnh. Kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cuộc sống để nghiên cứu, đề xuất thành chính sách, pháp luật.
Chủ động tham gia vào quy trình xây dựng văn bản pháp luật, nhằm đánh giá chính xác tính phù hợp với pháp luật, tính khả thi và mức tác động của văn bản được ban hành trong thực tiễn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng, tập trung vào việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về các lĩnh vực: đất đai; chính sách xã hội; công nghiệp, nông nghiệp…
Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất với HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các quy định trái pháp luật, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ cho đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Phát tài liệu tuyên truyền pháp luật tại các phiên tòa xét xử lưu động.(Ảnh: Q.N)
Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn phổ biến giáo dục với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao ý thức pháp luật, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tỉnh; tập trung tuyên truyền phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, bán đấu giá tài sản, luật sư, trợ giúp pháp lý; chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ nghiệp vụ; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân, doanh nghiệp; quan tâm củng cố, hoàn thiện bộ máy của ngành, tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã dành cho ngành Tư pháp.
Trần Văn Tường - Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp
Các tin khác
Ngày 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo về việc sách dạy trẻ dẫm lên thủy tinh về Bộ trước ngày 28/8/2015.
Kết thúc phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia vào cuối giờ sáng 25/8 vẫn chưa thể có quyết định cuối cùng do quan điểm của các bên vẫn còn quá xa nhau.
YBĐT - Xét dưới góc độ pháp lý, tiếp công dân (TCD) là việc cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức TCD đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của công dân, hướng dẫn, giải thích cho công dân về việc thực hiện KNTC, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Nhưng ngoài mục đích tiếp nhận những phản ảnh, kiến nghị, KNTC của công dân, TCD còn để “an dân”, làm “hạ nhiệt” những cái đầu đang “rất nóng”, trực tiếp lắng nghe và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của người dân.