Sẽ có phần mềm quản lý từng đối tượng tiêm chủng
- Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2015 | 8:35:29 AM
Ngày 21-9, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhằm mục tiêu thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, không để sót đối tượng, đảm bảo quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ, trong đó lấy người dân làm trung tâm, Cục Y tế dự phòng cùng với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp xây dựng phần mềm quản lý tiêm chủng mang tên “Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia”.
Hiện phần mềm đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, các cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng của tỉnh được tập huấn và sử dụng phần mềm lập danh sách các đối tượng tiêm chủng và quản lý đối tượng qua hệ thống phần mềm ứng dụng trên Internet. Giai đoạn thí điểm ban đầu đã thu được những tín hiệu khả quan và khả năng ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong quản lý công tác tiêm chủng tại cộng đồng.
Phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng và mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời, gồm có thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm. Điều này giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ đối tượng đã được tiêm chủng các loại vắc xin gì, thời gian và ở địa bàn nào trước đó nếu người này di chuyển nơi ở. Phần mềm cũng sẽ mở cho các phụ huynh có thể theo dõi và nắm được thông tin tiêm chủng của trẻ qua hệ thống viễn thông, giúp nhắc nhở lịch tiêm cho phụ huynh, đồng thời là công cụ thống kê số liệu tiêm chủng dành cho các nhà quản lý.
Để xây dựng phần mềm quản lý tất cả đối tượng như thế này là rất khó, vì cả nước mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời, với trên 11 nghìn xã, phường, thị trấn và khoảng trên 30 nghìn điểm tiêm chủng là rất vất vả, nhưng Bộ Y tế quyết tâm và sau khi làm thí điểm tại Bắc Ninh sẽ hoàn thiện, triển khai nhân rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác rồi nhân rộng ra cả nước.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào quản lý công tác tiêm chủng mở rộng quốc gia. Điều này sẽ giúp người dân có thể tự tra cứu thông tin và nắm rõ lịch tiêm chủng của bản thân và con em mình, từ đó chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, phần mềm giúp cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng quản lý được nhóm đối tượng cần tiêm thông qua lịch hẹn tiêm, lịch sử tiêm của đối tượng trong danh sách quản lý.
Đại tá Hoàng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và Viễn thông Viettel - Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết sẽ sớm tích hợp thêm chức năng tin nhắn nhắc nhở qua điện thoại về các mũi tiêm tiếp theo đến từng người dân sử dụng dịch vụ trong thời gian tới. Nhờ đó, việc quên hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm sẽ được giảm thiểu tối đa, góp phần nâng cao độ bao phủ tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia” đang tiếp tục được hoàn thiện để dễ tiếp cận và xử lý thông tin hiệu quả hơn. Sau đó Bộ Y tế sẽ triển khai ứng dụng phần mềm trên tại tất cả các điểm tiêm chủng trên 63 tỉnh,thành trong cả nước.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường vừa ký quyết định cùng lúc rút số đăng ký lưu hành của 51 loại tân dược.
YBĐT - Yên Bái là một trong 6 tỉnh miền núi phía Bắc được tiếp tục triển khai Dự án Giảm nghèo giai đoạn II từ năm 2010 đến 2015, Dự án được thực hiện trên địa bàn 40 xã, 351 thôn, bản của 5 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, với tổng số 28.860 hộ được hưởng lợi, trong đó có 15.988 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 59,30%.
YBĐT - Các bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội đã tổ chức thăm khám, chẩn đoán bệnh và phát thuốc miễn phí cho 370 người dân đến từ 5 thôn thuộc xã Ngọc Chấn với 400 cơ số thuốc tổng trị giá 20 triệu đồng.
YBĐT - Thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn và các dịch vụ xã hội, để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…