Hiệu quả Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ ba, 22/9/2015 | 2:56:58 PM
YênBái - YBĐT - Qua 5 năm thực hiện, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 ở Văn Chấn (Yên Bái) đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 29,71% năm 2010, xuống còn 25,42% năm 2014; 8 xã thực hiện Dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,94% năm 2010, xuống còn 45,2% năm 2014.
Gia đình chị Hà Thị Toán ở Bản Đường, xã Thạch Lương (huyện Văn Chấn) được Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện hỗ trợ nuôi bò sinh sản từ năm 2014. Đến nay, bò đã sinh sản được một con bê.
|
Huyện Văn Chấn có 31 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã vùng cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản, các xã vùng cao còn rất khó khăn. Từ năm 2010, Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Chấn được triển khai trên địa bàn 69 thôn, bản của 8 xã, gồm các xã: Nậm Mười, Sơn Lương, Nghĩa Sơn, Hạnh Sơn, Thạch Lương, Suối Giàng, Suối Bu, Minh An với tổng vốn đầu tư trên 95 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho đồng bào ở vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện.
Anh Trần Đình Tứ - Phó trưởng ban Quản lý Dự án (QLDA) Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Chấn cho biết: “Trong quá trình triển khai Dự án, Ban điều phối Dự án Trung ương, Ban QLDA Giảm nghèo tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách quy định về Dự án, từng bước hoàn thiện để phù hợp với tính chất đặc thù của địa phương, các công trình, tiểu dự án cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân, tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục, quy định của nhà tài trợ và quy định của Chính phủ từ khâu lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, ký hợp đồng triển khai Dự án”.
Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 huyện Văn Chấn gồm 4 hợp phần chính: Hợp phần phát triển kinh tế huyện; hợp phần ngân sách phát triển xã; hợp phần tăng cường năng lực và hợp phần quản lý Dự án, giám sát và đánh giá.
Hợp phần phát triển kinh tế huyện, từ năm 2010 đến nay, Ban QLDA Giảm nghèo huyện đã thực hiện 29 công trình với tổng số vốn đầu tư trên 44 tỷ 574 triệu đồng, trong đó vốn WB trên 37 tỷ 414 triệu đồng; vốn đối ứng 7 tỷ 160 triệu đồng; đầu tư 16 công trình giao thông, trong đó 14 công trình là đường giao thông liên thôn, tổng chiều dài 16,3km với 2.260 hộ dân hưởng lợi trực tiếp, 1 công trình ngầm tràn, tổng chiều dài 0,336km với 98 hộ dân hưởng lợi và 1 công trình xây dựng cầu bê tông qua suối (cầu 4 mét và hệ thống đường dẫn 2 bên đầu cầu bằng bê tông xi măng) với 32 hộ dân hưởng lợi; đầu tư 11 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho 473,7ha lúa 2 vụ của 1.043 hộ dân; đầu tư 2 công trình cấp nước sinh hoạt, với 156 hộ được hưởng lợi...
Hiện nay, 29/29 công trình vẫn đang hoạt động bình thường, các công trình đều có quy chế quản lý vận hành riêng, bảo trì thường xuyên; 100% các thôn, bản thuộc 8 xã Dự án đều thành lập tổ vận hành bảo trì, do vậy, các công trình sau khi được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao.
Hợp phần ngân sách phát triển xã gồm có 4 tiểu hợp phần, qua 5 năm thực hiện, Dự án ở 8 xã đã triển khai 780 tiểu dự án với số vốn trên 61 tỷ đồng. Trong đó, đường giao thông, cầu cống thực hiện 128 tiểu dự án; thủy lợi 27 tiểu dự án làm mới và nâng cấp, phục vụ tưới tiêu cho hơn 195ha ruộng với 1.631 hộ được hưởng lợi; nước sinh hoạt 16 tiểu dự án, gồm 8 bể nước sạch, sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước, tổng chiều dài trên 3,2km, thay mới hệ thống trụ vòi; đầu tư xây dựng 21 nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng diện tích sử dụng 1.919m2...
406 tiểu dự án sinh kế được thực hiện, gồm: 2 tiểu dự án nuôi trâu (8 con trâu sinh sản với 16 hộ tham gia); 8 tiểu dự án nuôi bò sinh sản (45 con bò giống với 80 hộ tham gia); 17 tiểu dự án nuôi dê (với 316 con giống, có 156 hộ tham gia, sinh sản được 93 con); 118 tiểu dự án nuôi lợn nái sinh sản (với 1.548 con giống, hỗ trợ 1.361 hộ); 56 tiểu dự án nuôi lợn thịt hỗ trợ 545 hộ; 205 tiểu dự án chăn nuôi gia cầm với tổng số con giống Dự án hỗ trợ 119.229 con giống ngan, gà, vịt. Một số tiểu dự án chăn nuôi khác như nuôi thỏ, nuôi cá...
71 tiểu dự án trồng trọt gồm các tiểu dự án trồng ngô, sắn, lạc, trồng cây chanh ruột hồng, trồng nấm, trồng khoai tây, cà chua với 847 hộ hưởng lợi; 104 tiểu dự án bảo trì, sửa chữa những hỏng hóc nhỏ và chi phí vận hành để công trình luôn hoạt động tốt nhất…
Các tiểu dự án hợp phần phát triển ngân sách xã đã được triển khai đầu tư hiệu quả, bảo đảm tiến độ đưa vào sử dụng và tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp. Hợp phần tăng cường năng lực và hợp phần quản lý Dự án, giám sát và đánh giá đều được triển khai thực hiện tốt. Các khóa đào tạo tập huấn cho các cán bộ Ban QLDA huyện, ban phát triển xã, thôn, bản đã nâng cao được năng lực quản lý và thực hiện Dự án hiệu quả...
Qua 5 năm thực hiện, Dự án đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 29,71% năm 2010, xuống còn 25,42% năm 2014; 8 xã thực hiện Dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,94% năm 2010, xuống còn 45,2% năm 2014. Đây là động lực để người dân ở các thôn, bản và các xã vùng cao trong huyện phát huy nội lực, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa đói giảm nghèo những năm tới.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Đúng là kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, mọi chuyện đều có thể xảy ra, ngay như chuyện mang bầu vốn là chức phận trời dành cho phụ nữ mà giờ đàn ông cũng có thể mang bầu được.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ miễn cước chuyển phát các bưu gửi, bưu phẩm, bưu kiện có nội dung là văn kiện và tài liệu phục vụ Đại hội Đảng.
YBĐT - Ngày 22/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái đã tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 50 cán bộ tham gia hoạt động này của các sở, ngành, cơ quan y tế, trường học, một số đơn vị xây dựng đơn vị không khói thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Để trả lời câu hỏi: Bao giờ các huyện vùng sâu, vùng xa mới thoát nghèo? Trong những năm qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một trong những chủ trương đó phải kể tới Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.