Học phí sẽ tăng mạnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/9/2015 | 12:42:59 PM
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020- 2021.
Ảnh minh họa.
|
Theo đề xuất này, học phí đại học sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới với mức tăng 10% mỗi năm ở tất cả các nhóm ngành nghề, tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015.
Mức tăng học phí đề xuất này, học phí trình độ đại học (ĐH) tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động từ 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Như vậy, mỗi năm học (10 tháng), sinh viên sẽ đóng khoảng trên 6 - 8,8 triệu đồng/năm. Riêng nhóm ngành y dược, sau 2 năm nữa sinh viên theo học trình độ ĐH sẽ đóng học phí trên 10 triệu đồng/năm. Đến năm học 2020 - 2021, học phí ĐH công lập có thể tăng tới mức trên 9,7 đến trên 14 triệu đồng/năm học.
Với các trường tự chủ tài chính, đây là điểm mới của đề xuất lần này, là có thêm mức trần học phí của trường ĐH được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động bằng việc tự chủ tài chính nhằm bù đắp chi phí đào tạo, có thể thu ở mức 17,5 - 45 triệu đồng/năm.
Năm học 2015-2016 đã bắt đầu nhưng các trường vẫn đang giữ nguyên mức học phí của năm học 2014-2015. ĐH Bách khoa Hà Nội thu 130.000/tín chỉ. Sinh viên nào học nhiều tín chỉ thì đóng nhiều học phí để 4 năm có thể ra trường và mức này không vượt trần 6,5 triệu/năm theo Nghị định 49 cho phép. Chương trình đào tạo tiên tiến, theo ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa đã tăng 2,3 lần học phí năm trước và có chương trình liên kết quốc tế thu 30 triệu/năm. Tuy nhiên, ông Phong Điền nói, mặc dù năm học mới đã bắt đầu nhưng trường không dám tăng học phí mà phải chờ quyết định mới vì Nghị định 49 đã hết hạn.
Sinh viên nghèo sẽ được hỗ trợ
Đây là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT. Bà Kim Phụng cho biết, vì không đảm bảo chi phí đào tạo, không đủ để đảm bảo chất lượng, nên các trường toàn thu học phí kịch trần mức cho phép. Tháng 5/2015 Bộ đã trình Chính phủ lần đầu và đang chờ ký
Nhà nước có chính sách học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo. Ngoài ra có chính sách vay tín dụng cho tất cả các sinh viên với lãi suất thấp. Nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên.
* Hạn chế tối đa thành lập mới trường đại học, cao đẳng
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Bùng nổ trường ĐH và những hệ lụy”.
Theo Thứ trưởng Ga, thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, những năm tới đây mô hình phát triển giáo dục ĐH sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo với quy mô hợp lý. Vì vậy, ngoài việc hạn chế tối đa phát triển các cơ sở giáo dục ĐH mới thì việc sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới trường ĐH, cao đẳng (CĐ) cũng cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.
* Khoảng 10 năm trước, cứ 10 lượt người đi thi ĐH, CĐ mới có 1 người đỗ; nhưng nay tỉ lệ này rớt xuống chỉ còn 2 lượt thi, 1 người đỗ; thậm chí hệ CĐ chỉ 1 lượt thi đã có đến 1,5 suất đỗ. Vào ĐH, CĐ ở Việt Nam liệu có phải đang trở nên quá dễ dãi?
- Tỉ lệ này không đồng nhất giữa các trường. Đối với trường có uy tín, có khi vài ba chục thí sinh dự thi mới chọn được một thí sinh trúng tuyển. Trong đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, tình trạng thí sinh vất vả nộp đơn hay rút đơn xảy ra cũng chỉ tập trung ở nhóm trường này.
Tính cạnh tranh vào các trường ĐH tốp trên vì vậy rất cao chứ không chỉ đơn thuần là tỉ lệ trung bình giữa số thí sinh trúng tuyển và số thí sinh dự thi như nhiều người nghĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có trường thí sinh chỉ cần đủ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là đã được nhận vào học, không cần thêm bất kỳ một yêu cầu nào khác. Như vậy, tỉ lệ trung bình giữa số thí sinh dự thi hằng năm và số thí sinh trúng tuyển ĐH chưa nói lên được điều gì.
Trên thế giới cũng vậy, những trường uy tín đòi hỏi các điều kiện đầu vào rất khắt khe, song cũng có trường chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học. Ví dụ ở Pháp, với các trường ĐH y khoa, các trường lớn (grande école), thí sinh phải qua kỳ thi tuyển đầu vào rất cam go.
Trong khi đó, với các trường ĐH khác, thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT đã có thể ghi danh vào học. Những nước phát triển ở châu Á cũng tương tự.
Không đảm bảo chất lượng, người học sẽ quay lưng
* Hiện đã đến đợt xét tuyển thứ ba nhưng nhiều trường ĐH, CĐ vẫn đứng ngồi không yên khi có không ít thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ vẫn không tha thiết tham gia xét tuyển. Ông có thể lý giải thế nào về hiện tượng này?
- Phương thức tuyển sinh theo cách thí sinh có kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển là rất minh bạch, công khai, tránh được rất nhiều rủi ro đối với thí sinh. Thí sinh có kết quả thi tốt thì có thể chọn được trường, ngành mình yêu thích.
Tuy nhiên, nếu các trường không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, người học sẽ quay lưng và nhà trường khó có thể tồn tại lâu dài. Thí sinh đã có sự lựa chọn rất rõ ràng, vào ĐH không còn là sự lựa chọn duy nhất, mà cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định.
Thống kê cho thấy những trường ĐH có uy tín luôn tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên còn rất nhiều thí sinh đủ điều kiện đầu vào nhưng không nộp đơn xét tuyển do những trường còn lại chưa có sức hút.
Vì vậy, nếu các trường này không cải thiện chất lượng và nâng cao uy tín của mình trong xã hội thì có muốn tăng chỉ tiêu cũng không thực hiện được.
* Có lẽ đã quá rõ câu chuyện chất lượng là ưu tiên sống còn cho sự phát triển của từng trường ĐH, CĐ nói riêng và giáo dục ĐH nói chung. Liệu các trường ĐH, CĐ - nhất là các trường khó tuyển - đã nhận thức đúng về vấn đề này hay vẫn cố chạy theo số lượng và kêu ca, đề nghị những “trợ giúp” từ nhiều phía?
- Khi thí sinh được tự do lựa chọn trường đăng ký theo học, tuyển sinh không còn may rủi, thì các trường không có cách nào thu hút thí sinh ngoài việc nâng cao chất lượng và uy tín của mình trong xã hội.
Chúng ta cần xác định đúng nguyên nhân của việc khó khăn trong tuyển sinh ở một số trường để có giải pháp đúng và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.
Mức học phí khác nhau không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến nguồn tuyển. Năm nay, các trường công lập tự chủ tài chính có mức thu học phí cao hơn trước nhưng thí sinh vẫn cạnh tranh quyết liệt để được trúng tuyển.
Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng trường tuyển sinh khó khăn vì hạn chế liên thông (yêu cầu thí sinh có kinh nghiệm thực tế 36 tháng mới thi liên thông do trường tổ chức), nhưng nay quy chế liên thông đã sửa đổi mà tình hình tuyển sinh các trường này cũng không cải thiện gì nhiều.
Cũng từng có ý kiến cho rằng các trường tuyển không đủ chỉ tiêu là do điểm sàn, nhưng đến nay dù nhiều trường tuyển sinh riêng, xét tuyển học bạ phổ thông thì nguồn tuyển cũng không thêm đáng kể...
Những trường có uy tín, có chất lượng cả công lập và ngoài công lập, tuyển sinh tốt trước đây thì dù cơ chế nào cũng tiếp tục tuyển sinh tốt.
Vì vậy, củng cố chất lượng, nâng cao uy tín, tạo dựng hình ảnh của nhà trường bằng những hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp cho xã hội... luôn là phương châm phát triển bền vững của các nhà trường.
Có nên sáp nhập các trường yếu?
* Nhiều chuyên gia lo ngại việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi một thời gian dài trước đây có vẻ chúng ta đã quá chạy theo tăng trưởng số lượng các trường. Sự bùng nổ ĐH một thời đã để lại hậu quả gì mà theo ông cần phải tập trung khắc phục?
- Trong 10 năm, từ năm 2001 - 2010, số cơ sở giáo dục tăng ở tất cả các cấp học để phục vụ nhu cầu học tập của người dân, nhưng tăng nhanh nhất là ở giáo dục ĐH.
Việc mở rộng nhanh mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong giai đoạn đó là để thực hiện mục tiêu đạt tỉ lệ 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020.
Nhận thấy mục tiêu này gây tăng nhanh quy mô nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, do khả năng đầu tư nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế, năm 2013 bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ.
Theo quyết định này, từ năm 2013 - 2020 mạng lưới hầu như ổn định, hạn chế tối đa việc thành lập mới các trường ĐH, CĐ. Tháng 3-2014 bộ đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH, CĐ để rà soát lại hệ thống.
* Có ý kiến cho rằng nên giảm quy mô đào tạo các trường nhỏ, yếu hoặc sáp nhập các trường có sức đề kháng yếu này lại mới thay đổi được diện mạo giáo dục ĐH, thưa thứ trưởng?
- Thật ra bộ và các trường cũng đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Quốc hội khóa XII cũng đã có nghị quyết số 50 giám sát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường. Thực hiện nghị quyết này, bộ đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện cam kết đề án thành lập các trường.
Trong đợt kiểm tra 87 trường ĐH, CĐ cả nước năm 2011, 2012, Bộ GD-ĐT đã phát hiện nhiều trường chưa thực hiện đúng cam kết: một số trường có quy mô sinh viên thấp dưới 1.000 sinh viên, có trường tỉ lệ vốn đầu tư cơ bản chỉ đạt dưới 50% so với cam kết, tỉ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu và hợp đồng cao so với quy định, số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo theo yêu cầu...
Bộ đã kịp thời yêu cầu những trường này nhanh chóng đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên để đảm bảo điều kiện hoạt động.
* Vậy theo thứ trưởng, các trường ĐH, CĐ sẽ phải vận động thế nào để nâng chất? Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT có chiến lược gì để phát triển, nâng cao chất lượng các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới?
- Để tạo lập được uy tín chất lượng, các trường cần có thời gian và đầu tư nhiều công sức. Luật giáo dục ĐH và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật là cơ sở pháp lý vững chắc để các trường lập kế hoạch chiến lược phát triển.
Trước hết, các trường cần sử dụng hết các quyền tự chủ luật định để xây dựng kế hoạch hành động, từ xây dựng đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo đến nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Chất lượng đào tạo thể hiện ở chuẩn đầu ra của sinh viên. Các trường cần dựa vào quy định chuẩn kiến thức tối thiểu của các trình độ đào tạo ĐH mà bộ đã ban hành để xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với các chương trình đào tạo.
Mới đây nhất Chính phủ đã ban hành nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH nước ta sẽ chia làm ba nhóm: ĐH theo định hướng nghiên cứu, ĐH theo định hướng ứng dụng và ĐH thực hành.
Ngay từ bây giờ các trường cần xác định rõ mục tiêu trường mình thuộc nhóm nào để đầu tư phát triển phù hợp, tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo để được xếp hạng cao trong mỗi nhóm.
Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường đi kèm cơ chế kiểm soát chất lượng và thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo Luật giáo dục ĐH mà bộ đang tiến hành là các giải pháp cần thiết, để tạo điều kiện cho từng trường cũng như toàn hệ thống giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững lâu dài.
(Theo TPO - TTO)
Các tin khác
YBĐT - Lục Yên tuy không phải điểm nóng về ma túy, song tình trạng sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy với số lượng nhỏ lẻ vẫn xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mông Vĩnh Thọ - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm huyện Lục Yên cho biết: “Lục Yên hiện có 93 người nghiện ma túy. Đây không phải là địa bàn trọng điểm, các loại tội phạm liên quan không hình thành đường dây phức tạp. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà công tác đấu tranh với tội phạm ma túy lơi lỏng”.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí thông báo định hướng chiến lược về phát triển bền vững sẽ được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 24-28/9/2015.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Tổ chức quốc gia Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 (Ban Tổ chức Đại hội).
Đây là nội dung Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tập trung tuyên truyền tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý về Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 24- 9.