Nhìn lại cuộc vận động ăn chung một tết ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2015 | 9:54:10 AM
YênBái - YBĐT - Thay đổi tập quán cả ngàn đời của một tộc người không phải là điều dễ dàng và càng không thể trong một sớm một chiều. Nhưng cuộc vận động ăn chung một tết đã nhanh chóng làm thay đổi tập quán ăn tết của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải nói riêng và đồng bào Mông toàn tỉnh nói chung. Sự đổi thay nhanh chóng ấy là bởi sự đúng đắn của một chủ trương, bởi sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng chính quyền, các đoàn thể địa phương đã làm nên thành công của cuộc vận động.
Ăn chung một tết để tập trung thời gian, nhân lực sản xuất vụ xuân nên đồng bào Mông đã có những vụ ngô thắng lợi.
|
Nhiều cái được
Đến nay, đã qua 3 cái tết đồng bào Mông ở Mù Cang Chải ăn chung một tết Nguyên đán. Có lẽ, cái được thiết thực như thế nào thì chị Giàng Thị Chua ở bản Háng Tráng Lừ, xã Khao Mang hiểu rất rõ. Hai đứa con của chị đang học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Khao Mang và trước đây, ăn tết cổ truyền của người Mông, nhà chị buồn lắm vì hai đứa con chưa được nghỉ học nên toàn người lớn. Còn bọn trẻ ở trường cũng không yên tâm học tập và chỉ mong về tết.
Nay thì chị Chua phấn khởi chia sẻ: “Từ ngày ăn chung một tết vui hơn hẳn. Hai đứa con được nghỉ, đón năm mới cùng gia đình. Rồi việc ruộng nương vụ xuân có thời gian để làm nên không còn bị muộn nữa. Cả bản cùng ăn tết một lúc nên cũng vui lắm”. Chắc chắn bây giờ người Mông ở Mù Cang Chải cũng đều cảm nhận được cái lợi như chị Chua khi cùng ăn chung tết Nguyên đán.
Anh Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông chia sẻ: “Trước đây người Mông ăn tết rất lâu và thường ăn trước tết Nguyên đán một tháng rồi kéo dài sang hết tết của người Kinh. Ăn trước mổ một con lợn, rồi đến khi con cháu học xa về lại mổ thêm con nữa. Từ khi ăn chung một tết, người Mông chỉ vui tết trong vòng 5 - 10 ngày, nên chỉ mổ 1 con lợn là đủ. Hơn nữa, thói quen nghỉ ngơi sau tết Mông chờ tết Nguyên đán khiến người dân không tích cực sản xuất, ảnh hưởng đến mùa vụ".
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Cái được thì đã rất rõ, song việc ăn chung một tết có nhiều ý kiến cho rằng, sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa của đồng bào Mông. Bởi vì, tết Mông thường được ví như một cuộc "triển lãm" văn hóa của người Mông. Nhưng đồng chí Giàng A Hù - Phó chủ tịch UBND xã Khao Mang chia sẻ: “Chỉ là lùi lịch lại để ăn chung tết Nguyên đán thôi, chứ mọi nghi thức trong tết của người Mông chúng tôi vẫn giữ nguyên vẹn”. Ông trưởng họ Hờ ở xã Chế Cu Nha - Hờ Trở Già cho biết: “Tuy ăn tết muộn nhưng mọi phong tục, tập quán của người Mông vẫn giữ nguyên, chỉ giảm bớt thời gian vui chơi đi lại, còn phong tục thì vẫn phải giữ chứ”.
Nói về việc mất hay không mất bản sắc khi ăn tết chung, anh Nguyễn Văn Trúc - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện là người mang trong mình hai dòng máu Kinh, Mông cho biết: “Tôi đã hỏi một số già làng là ăn chung một tết có mất đi bản sắc hay không thì các cụ đều trả lời là không. Còn cá nhân tôi thấy rằng, các thủ tục cúng tổ tiên, tôn vinh các công cụ lao động, xông đất... vẫn giữ nguyên nề nếp, vẫn mang đậm bản sắc của đồng bào mình, chỉ thay đổi về thời gian ăn tết”.
Đồng bào Mông vui chơi trong ngày tết Nguyên đán. (Ảnh: A Mua)
Bài học kinh nghiệm từ tuyên truyền, vận động
Cuộc vận động người Mông ăn chung một tết thành công ở Mù Cang Chải nói riêng, trên toàn tỉnh nói chung đã cho một bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tuyên truyền, vận động. Công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả luôn được bắt nguồn từ một chủ trương đúng. Từ chủ trương đúng ắt sẽ cho những lợi ích lâu dài và có được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Anh Lý A Vừ - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải cho biết: “Khi được quán triệt chủ trương ăn chung một tết của tỉnh, cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa và cái được to lớn của chủ trương này nên các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đều chủ động tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân. Mục tiêu không chỉ là sự chấp hành, mà sâu xa hơn, bền vững hơn, đó là phải làm thay đổi nhận thức của bà con trong thực hiện ăn chung một tết.
Anh Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông cho biết thêm: “Lúc đầu khi triển khai chủ trương, chúng tôi cũng vấp phải sự phản đối, vì đồng bào muốn ăn tết riêng. Song, chúng tôi xác định, trưởng dòng họ cần vận động trong dòng họ, nhờ già làng vận động các hộ trong thôn, bản, người già vận động người trẻ, người dân vận động chính hàng xóm của mình... nên đã tạo được kết quả tốt. Năm đầu tiên thực hiện, xã đã đưa vào nghị quyết chuyên đề và giao các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã phụ trách từng thôn, bản, xuống họp cùng dân, đến tận nhà trưởng dòng họ, già làng để làm thay đổi nhận thức của họ, sử dụng uy tín của họ để vận động nhân dân nghe theo, làm theo. Người này bảo người kia, cứ thế lan truyền nhanh chóng”.
Bài học sâu sát cơ sở trong tuyên truyền, vận động luôn có giá trị ở bất kì giai đoạn nào, với bất kì chủ trương nào. Do vậy, huyện Mù Cang Chải đã làm rất tốt việc chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở trong tuyên truyền vận động đồng bào ăn chung một tết. Anh Nguyễn Văn Trúc cho biết thêm: “Chúng tôi được giao phụ trách xã và những năm đầu tiên phải xuống tận thôn bản, nằm vùng ở đó vài tuần để nắm bắt tình hình. Thấy có dấu hiệu chuẩn bị mổ lợn ăn tết Mông là chúng tôi đến tuyên truyền, phân tích cho đồng bào hiểu, mời các trưởng dòng họ tới để quán triệt và những người trưởng dòng họ lại tới từng gia đình trong dòng họ mình để khuyên nhủ, phân tích”. Cùng với đó, không thể phủ nhận vai trò của những cán bộ là người Mông ở cơ sở. Họ hiểu phong tục, tập quán, dễ dàng nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân nên nhanh chóng có những cách tuyên truyền phù hợp với từng nhà, từng dòng họ.
Yên Bái là tỉnh đầu tiên thực hiện thành công cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết. Từ cái lợi lớn lao khi ăn chung, đồng bào thêm vui mừng hơn vì những phong tục, tập quán sẽ không bị mai một mà còn được phát huy. Hội xuân bản Mông trong ngày tết Nguyên đán vẫn vui với ném pao, đánh quay, hát múa, giao duyên cùng với bao trò chơi thượng võ khác như đẩy gậy, thi leo núi, bắn nỏ, đua ngựa… Và vui hơn nữa là các dân tộc trong vùng cùng hòa chung một bầu không khí đón xuân.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn như: Chương trình 134, chương trình 135, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, Quyết định 167, các chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, đào tạo nghề... đã góp phần ổn định xã hội thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, chiều tối và đêm nay (1/10) sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ gây mưa rào và giông rải rác. Ngoài ra, không khí lạnh cũng ảnh hưởng tới Bắc Trung Bộ và một số nơi thuộc Trung Trung Bộ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.
YBĐT - Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-PCTNXH ngày 3/9/2015 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Dự án 1 "Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện", ngày 30/9, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015 (ảnh).