Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở: Còn đó những khó khăn

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 4:42:15 PM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, phong trào TDTT quần chúng được xác định là một trong những nhiệm vụ cụ thể và là yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của thể thao Việt Nam.

Thi đấu đẩy gậy tại Tuần Văn hóa - Du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015. (Ảnh: Trần Minh)
Thi đấu đẩy gậy tại Tuần Văn hóa - Du lịch danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015. (Ảnh: Trần Minh)

Bên cạnh việc cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, điều hành các hoạt động TDTT quần chúng theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước thì việc làm thế nào để phát triển và nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng đang là câu hỏi lớn được đặt ra. Trong đó, vấn đề về đầu tư, xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT quần chúng tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Thực tế cho thấy, phong trào TDTT quần chúng những năm gần đây phát triển khá mạnh mẽ, thể hiện qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thực hiện hiệu quả cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên hàng năm đều tăng. Năm 2010 đạt khoảng 24% thì đến năm 2015, đã tăng lên 29%. Phong trào TDTT quần chúng đã tạo đà cho thể thao của tỉnh đạt được những thành tích nổi bât.

Tuy nhiên, phong trào TDTT quần chúng tại Yên Bái chưa thực sự phát triển đồng đều. Phong trào TDTT quần chúng chỉ được duy trì khá nề nếp ở một số đối tượng như: lực lượng vũ trang, người cao tuổi, công chức, viên chức… tại thành phố hoặc các khu vực tập trung đông dân cư.

Trong khi đó, còn khoảng trống ở một bộ phận lớn người lao động, công nhân, học sinh… tại vùng sâu, vùng xa mang lại sự chênh lệch rõ rệt. Điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT của người dân tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất và chưa có chính sách rõ ràng về cán bộ nghiệp vụ, hướng dẫn viên TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn, trình độ dân trí chưa đồng đều… dẫn đến chất lượng hoạt động TDTT ở cơ sở chưa cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.320/ 2.303 nhà văn hoá (đạt 52,8%); năm 2015 ước đạt tỷ lệ 73% hộ gia đình văn hóa, 48% làng bản, tổ dân phố văn hóa và 77% cơ quan đơn vị văn hóa (theo tiêu chí mới); đã có gần 40 xã, phường, thị trấn tổ chức ra mắt xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá.

Cán bộ Cục Thuế Yên Bái tập luyện bóng chuyền - một trong số ít đơn vị có điều kiện sân tập luyện TDTT đủ tiêu chuẩn.

Nhà văn hóa Khu phố 2, nằm giữa trung tâm thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên được xây dựng năm 2006 với tổng diện tích 200 m2. Không gian chật hẹp vừa đủ để xây nhà văn hóa, riêng khuôn viên dành cho sân TDTT, có một sân cầu lông nhưng mới chỉ là để dùng tạm chứ thực tế diện tích sân tập chưa đạt chuẩn.

Ông Chu Văn Soạn - Trưởng khu phố 2 chia sẻ: “Phong trào TDTT ở khu phố chúng tôi nhiều năm liền luôn là đơn vị tích cực. Bà con trong khu phố thường xuyên tham gia tập luyện và thi đấu bóng chuyền, cầu lông, đá bóng… Tuy nhiên, với phần sân nhỏ, chúng tôi không thể tập luyện tại ngay nhà văn hóa khu phố mình, mà phải đi mượn sân khu phố khác hoặc các cơ quan gần đây”.

Đi sâu hơn tới Nhà văn hóa Khu dân cư thôn Gốc Sổ, thị trấn Mậu A cũng trong tình trạng tương tự. Vừa được xây dựng đầu năm 2015 với quỹ đất 260m2, để có được quỹ đất xây nhà văn hóa đã rất khó khăn, việc có đủ quỹ đất cũng như kinh phí để xây dựng sân tập luyện TDTT lại càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Yên:  “Khó khăn về quỹ đất cũng như kinh phí dành cho phát triển phong trào TDTT quần chúng tại cơ sở là điều chúng tôi vẫn luôn quan tâm. Riêng về quỹ đất cho khu thể thao và nhà văn hóa nếu ở cùng một địa điểm theo quy chuẩn tối thiểu 500 m2 sẽ là rất khó khăn. Địa phương đã chỉ đạo tới từng cơ sở, nơi nào địa hình không bằng phẳng, chia cắt thì nhà văn hóa yêu cầu phải cố định, nhưng sân thể thao không bắt buộc phải ở liền kề, phần nào đã tháo gỡ được khó khăn”.

Khu dân cư thôn Gốc Sổ có 140 hộ, chia làm 3 tổ dân phố. Được sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền địa phương và có nguồn kinh phí do bà con đóng góp thôn mới có thể xây dựng nhà văn hóa. Nhưng quả thực, giờ để có thêm quỹ đất xây dựng sân tập TDTT là điều quá khó.

Ông Hà Xuân Đông - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Văn Yên cho biết: “Hàng năm, huyện Văn Yên thường xuyên duy trì tổ chức từ 10 - 12 giải thể dục thể thao; mỗi năm 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tu sửa và làm mới từ 30 sân bóng chuyền trở lên; 200/312 thôn, bản có sân bóng chuyền đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; 30% dân số trở lên thường xuyên tham gia TDTT; năm 2015, có trên 50% nhà văn hóa đạt chuẩn… Tuy nhiên, để phấn đấu có con số tăng dần các chỉ tiêu trên theo từng năm, khó khăn hiện nay chính là thiếu quỹ đất và kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, phục vụ việc tập luyện cũng như tổ chức các giải thể thao”.

Khu vực dành cho TDTT của Khu dân cư số 2, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên chỉ có một sân cầu lông nhưng cũng chưa đạt chuẩn.

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động TDTT xuống cấp, cơ chế, chính sách đối với cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên TDTT của tỉnh còn hạn chế. Hầu hết cán bộ phụ trách phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở đều do cán bộ văn hóa kiêm nhiệm, chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn thể thao, lại phải đảm trách cùng lúc hai mặt công tác mà chế độ đãi ngộ chưa cao.

Cộng tác viên TDTT xã, phường, thị trấn trình độ không đồng đều, thường xuyên biến động nên chưa khuyến khích được đội ngũ này phát huy vai trò thúc đẩy TDTT địa phương phát triển. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng tại cơ sở hoạt động có chiều sâu, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng ngành văn hóa cần có các giải pháp cụ thể.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định: “Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tạo bước phát triển về TDTT đến năm 2020, Sở tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo giương Bác Hồ vĩ đại” gắn với xây dựng gia đình văn hóa; củng cố và tăng cường quản lý các mô hình TDTT quần chúng.

Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển TDTT quần chúng, khuyến khích phát triển thể thao, giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch; ban hành các quy chuẩn về đất đai, tăng cường đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, cụm thôn - bản cũng như mỗi thôn, bản; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên TDTT quần chúng, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên TDTT cấp xã, thôn, bản, làng.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và cán bộ ngành TDTT về vai trò của hoạt động TDTT tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại thôn, bản và xã; thống kê, sưu tầm, lựa chọn một số loại trò chơi vận động dân gian trong các lễ hội truyền thống hàng năm của đồng bào dân tộc thiểu số để đề xuất đưa vào thi đấu trong hệ thống giải thể thao của tỉnh… Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 35 - 37%”.

Hy vọng với sự quyết tâm và những giải pháp cụ thể đó phong trào TTDTT quần chúng sẽ có những bước tiến mới cả về số lượng và chất lượng.

Mai Linh

Các tin khác
Tại buổi tổng kết đã có 25 bò giống được trao cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Ngày 25/10, tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tổng kết chương trình "Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới".

Cô và trò Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lục Yên) trong giờ học.

YBĐT - Hội Khuyến học huyện Lục Yên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác khuyến học, khuyến tài và trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Lớp tập huấn truyền thông BHYT cho lãnh đạo xã, trạm y tế, cán bộ lao động - thương binh và xã hội huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Năm 2014, ngành y tế tỉnh Yên Bái cùng với 12 tỉnh khác đã triển khai Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng”, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.

YBĐT - Tại hyện Văn Chấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác MTTQ cho cán bộ cơ sở huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục