Nên giao thi tốt nghiệp THPT cho địa phương
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2015 | 8:49:52 AM
Nên tách riêng thi tốt nghiệp THPT và thi đại học (ĐH); giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong tuyển sinh, đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại Hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 28-10, tại Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp
|
Bộ cầu toàn nên không làm xuể
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung đề cập tới việc nên tổ chức thi tốt nghiệp, đại học như thế nào để tư vấn với Chính phủ, Bộ GD-ĐT, tìm ra phương án tốt nhất cho các kỳ thi sau.
Theo đánh giá ban đầu, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã khiến người học đỡ vất vả, tốn kém; đã phi tập trung hóa (thi nhiều cụm), đa dạng hóa cách tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là hai hoạt động khác nhau, cho nên gộp hai kỳ thi vào một không hoàn toàn chính xác. Thi tốt nghiệp THPT không hạn chế số lượng người tốt nghiệp trong khi tuyển sinh ĐH-CĐ bị hạn chế bởi chỉ tiêu tuyển sinh từng trường.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng khi sử dụng kết quả thi THPT như là một căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ cần bảo đảm đề thi có tính phân loại cao. Chẳng hạn, đề thi có thể gồm 50% câu có độ khó trung bình, 30% tương đối khó, 20% câu hỏi thật khó. Muốn thế các câu hỏi trong đề thi phải được chuẩn hóa và chuẩn bị sẵn từ trước, ngân hàng câu hỏi phải rất dồi dào, phong phú. Khi tổ chức thi chỉ cần lựa chọn, sắp xếp các câu hỏi để tạo ra đề chứ không thể lúc đó mới “sản xuất” các câu hỏi. Khi các câu hỏi chưa được đánh giá, phân loại trước sẽ đưa đến các kết quả ngoài dự kiến.
Từ nhận xét này, tiến sĩ Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô cũng không đồng tình với đề thi “2 trong 1” thiết kế 6 điểm phổ thông, 4 điểm ĐH thì đánh giá năng lực thế nào? Học sinh đạt 8 điểm thì chỉ có 2 điểm vào ĐH, như vậy chất lượng xét tuyển ĐH bị giảm 40% so với trước. Vì thế, cần tách riêng 2 kỳ thi, thi tốt nghiệp làm gọn nhẹ như lần thi thứ hai của học kỳ 2 lớp 12. Sau đó các em học sinh tập trung ôn tập vào ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia có thể tổ chức 2 đợt. Nếu Bộ có ngân hàng câu hỏi đề thi, thì các địa phương tổ chức ngày thi khác nhau sẽ không lo lộ đề và giảm áp lực cho thí sinh.
Phó giáo sư Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông nhận xét: Có thể Bộ đã quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao và muốn hoàn chỉnh 100% các yêu cầu đó, trong khi lại thiếu tin tưởng vào địa phương và các trường, kể cả ĐH và THPT nên đã ra sức làm thay và làm không xuể.
Nhiều đại biểu kiến nghị Bộ nên tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT ở các địa phương, do các trường THPT hoặc cụm các trường THPT tại liên xã, dưới sự điều hành trực tiếp của các sở GD-ĐT. Từ quan điểm đó, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Đề nghị dứt khoát chuyển kỳ thi THPT Quốc gia cho các sở, để học sinh đỡ phải di chuyển. Bộ GD-ĐT vẫn thiết kế đề thi.
Các đại biểu cũng chung nhận định: Không có lý do gì khi giao cho các địa phương việc lớn hơn nhiều là đào tạo từ mẫu giáo, 12 năm THPT mà lại không tin họ làm tốt một kỳ thi cuối khóa. Xã hội nên tin và yên tâm là các địa phương, các trường THPT có khả năng và sẽ làm tốt.
Các trường hoàn toàn tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh riêng
Bên cạnh các đề xuất về việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương, nhiều đại biểu cũng đưa ra kiến nghị nên giao trọn vẹn công việc tuyển sinh cho các trường ĐH. Bởi có thể cùng thi một tổ hợp môn thi nhưng mỗi ngành lại yêu cầu năng lực khác nhau của người học. Chẳng hạn như cùng môn Toán nhưng ngành Sư phạm khác với ngành Bách khoa và càng khác với ngành Ngân hàng…
Khi các trường phải tuyển sinh theo kết quả của đề thi chung, chắn chắn sẽ không thể chọn được đúng thí sinh theo yêu cầu mình mong muốn. Do đó, Giáo sư, tiến sĩ Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ không nên quy định điểm sàn ĐH mà để các trường tự chủ theo yêu cầu đào tạo của họ. Điểm sàn thống nhất cả nước là tốt nghiệp THPT.
Trong khi ấy Giáo sư Trần Phương đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép tất cả các trường được tuyển sinh theo 2 hình thức xét tuyển từ kết quả thi THPT và xét học bạ. Bởi khi học tốt nghiệp lớp 12, các em đã đạt được điều kiện để học ĐH.
Phó giáo sư Bùi Thiện Dụ nêu: Có thể năm sau nhiều trường thi tuyển sinh riêng, nhiều trường tốp cao dùng điểm kỳ thi để tuyển sinh lấy điểm rất cao. Còn lại các trường tốp dưới sẽ kết hợp điểm thi tốt nghiệp và học bạ như hiện nay. Như vậy không cần điểm sàn chung duy nhất nữa. Các trường công an, quân đội, nghệ thuật có những tiêu chuẩn riêng và sàn riêng khác với quy định của Bộ.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhưng Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ một số quan điểm nhằm làm rõ vấn đề: Việc chúng ta nói kỳ thi “2 trong 1” chỉ là một cách nói không thể hiện được sự trọn vẹn, đầy đủ về kỳ thi THPT quốc gia. Bản chất của kỳ thi là được sử dụng vào 2 mục đích: Các trường THPT, sở GD-ĐT sử dụng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp sau khi kết hợp với cả đánh giá quá trình học tập; đối với các trường ĐH, CĐ thì làm căn cứ để các trường sử dụng trong tuyển sinh. Chính vì thế nó không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng không phải là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và càng không phải là kì thi “2 trong 1”.
Trên cơ sở như vậy thì việc tuyển sinh ở các trường ĐH, CĐ là hoàn toàn do các trường tự quyết định. Việc làm này đã được Bộ GD-ĐT tiến hành từ năm 2013. Bộ GD-ĐT không ép buộc các cơ sở giáo dục ĐH phải lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường hoàn toàn được tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh của mình.
“Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia đến đâu, mức độ nào, có tổ chức thi thêm gì không… hoàn toàn do các trường ĐH, CĐ tự chủ. Đã có hơn 200 trường ngoài việc dựa một phần vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì đã có một số phương thức tuyển sinh riêng. Đặc biệt Bộ cũng đã đồng hành và góp sức trong việc tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức”, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết.
Về đề thi, Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Chúng ta đang chuyển dần theo hướng đánh giá năng lực của người học chứ chưa thực sự đánh giá năng lực người học bởi hiện nay học sinh vẫn học theo chương trình cũ. Trong những năm qua, số lượng câu hỏi đánh giá năng lực học sinh ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Môn Toán không còn thuần túy như đề các năm trước mà đã đưa dịch Mers vào, đã có sự xuất hiện kiến thức của các môn giáo dục công dân, lịch sử, địa lý trong các đề thi…
Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết với tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu. Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận và bàn bạc trong các cuộc họp chuyên môn của Bộ, để kỳ thi sang năm đạt kết quả tốt hơn.
(Theo QĐND)
Các tin khác
Ngày 28.10, lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác y tế Việt Nam - Mỹ đã được Bộ Y tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Các chương trình hỗ trợ y tế của Chính phủ Mỹ tại Việt Nam đến nay lên tới hơn 900 triệu USD, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Bùi Gia Khuyến, sinh viên Đại học Tufts ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ) đã vượt qua 148 đối thủ để giành chiến thắng trong cuộc thi này.
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với UNESCO tổ chức lễ khởi động “Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn”.
YBĐT - Cùng với nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Luật Bình đẳng giới (BĐG)... tháng 8 năm 2012, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái được chọn xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG)”. Sau 4 năm triển khai, hoạt động của mô hình đã giúp người dân nâng cao nhận thức về BLTCSG; nguyên nhân và tác hại của BLTCSG; được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp, nhờ đó, đã giảm tác hại của BLTCSG tại cộng đồng.