Yên Bái: Nỗ lực vượt khó đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2015 | 9:55:19 AM
YBĐT - Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNCTNT) giai đoạn 2010 - 2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng.
Khu vui chơi dành cho trẻ của Trường Mầm non Hoa Huệ, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
|
Với đặc thù của một tỉnh miền núi công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại Yên Bái dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập nhất là ở các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân, đến nay, Yên Bái đã hoàn thành PCGDMNCTNT, đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.
Ngay sau khi Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Sở GD&ĐT đã gấp rút triển khai xây dựng PCGDMNCTNT, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015. Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị cũng như các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đi kèm, là cơ sở vững chắc cho các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổng lực thực hiện Đề án. Tính đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã có 9/9 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố, 178/180 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMNCTNT. Toàn tỉnh có 187 trường mầm non, trong đó có 56 trường đạt chuẩn quốc gia tăng 49 trường so với năm 2011 khi mới bắt đầu thực hiện Đề án.
Theo đó, 100% lớp 5 tuổi có phòng học riêng; 573 công trình nước sạch; 346 điểm trường có bếp ăn; 574 sân chơi đảm bảo 100% sân chơi có đồ chơi ngoài trời, 100% điểm trường có nhà vệ sinh theo quy định. Tính từ năm 2011 đến nay, tổng các nguồn lực huy động đã làm mới được 513 phòng học, phòng làm việc, bếp ăn, 151 công trình vệ sinh, 96 công trình nước sạch, 316 sân chơi.
Được biết, từ năm 2011 đến hết năm 2015 tỉnh đã bố trí vốn đầu tư xây dựng phòng học, bếp ăn, nhà công vụ từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT là 132 tỷ 967 triệu đồng; bổ sung mua sắm đồ dùng đồ chơi cho các trường tới tổng kinh phí 57 tỷ 446 triệu đồng. Các huyện, thị xã thành phố đã đầu từ 50,723 tỷ đồng và huy động xã hội hóa cùng các nguồn tài trợ được trên 40 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi.
Cùng với những đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Bà Hà Thị Minh Lý - Phó giám đốc Sở GD& ĐT cho biết: “Tỉnh đã bổ sung chỉ tiêu biên chế tuyển dụng và chỉ đạo ngành giáo dục giao chỉ tiêu mầm non cho một số huyện. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm, tổ chức rà soát quy mô trường, lớp trong toàn tỉnh, ưu tiên phát triển các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Chưa bao giờ, chất lượng đội ngũ lại được nâng cao như hiện nay, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non”.
So với năm học 2011 - 2012, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 99,5% (tăng 5,5%). Trong đó, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt 6,1% (tăng 34,7); tỷ lệ đảng viên toàn cấp học là 34,3%...
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non, ngành đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Năm học 2014 - 2015, có 187/187 trường thực hiện chương trình GDMN. Đồng thời, ngành cũng chỉ đạo lồng ghép, tích hợp các chuyên đề do Bộ GD&ĐT triển khai như: giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm…
Duy trì, nâng cao chất lượng PCGDMNCTNT - tiền đề trong nâng cao chất lượng giáo dục nói chung; trao đổi về vấn đề này, bà Hà Thị Minh Lý - Phó giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo về công tác PCGDMNCTNT; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện PCGDMNCTNT tại các địa phương. Tiếp tục phấn đấu duy trì, củng cố và giữ vững phổ cập giáo dục, mở rộng mạng lưới trường, lớp thực hiện mục tiêu PCGDMNCTNT huy động tối đa trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng phổ cập bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện chương trình ở các lớp mẫu giáo ghép, chất lượng ở các điểm trường vùng khó khăn. Đồng thời, thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; tham mưu với tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đến năm 2020 cơ bản xóa phòng học tạm, học nhờ tại các cơ sở GDMN, mua sắm trang thiết bị, xây dựng các công trình phụ trợ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của PCGDMNCTNT thu hút mọi tổ chức và toàn xã hội chăm lo phát triển GDMN. Không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới…”.
Nhìn lại quá trình phấn đấu hoàn thành phổ cập PCGDMNCTNT của tỉnh Yên Bái mới thấy được sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp các ngành trong công tác chỉ đạo, phối hợp. Cùng với những giải pháp kịp thời, liên tục và đồng bộ, tin tưởng rằng PCGDMNCTNT tại Yên Bái sẽ tiếp tục được củng cố, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có 72 xã, 549 thôn, bản thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 62 huyện nghèo nhất của cả nước - nơi tập trung gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển.
YBĐT – Tối 19/11, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi, cô và trò Trường mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái đã tổ chức Liên hoan văn nghệ với chủ đề “Mừng ngày hội của cô 20/11”.
YBĐT - Ngày 19/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
YBĐT - Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại, song tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ và đời sống của không ít gia đình. Điều này không chỉ gây áp lực với người phụ nữ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hôn nhân, mà còn góp phần gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính.