Vượt khó vì lòng yêu trẻ

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2015 | 7:55:17 PM

YBĐT - Nói về áp lực công việc thì ngành nào cũng có áp lực riêng. Nhưng nếu so sánh riêng trong ngành giáo dục, thì giáo viên mầm non (GVMN) phải chịu nhiều áp lực hơn cả. Áp lực, sự vất vả như thế nào, chắc chắn những cha mẹ đã và đang nuôi con nhỏ sẽ là người hiểu rõ nhất.

Giáo viên tại điểm trường Đồng Máy, Trường Mầm non Việt Cường chăm sóc bữa ăn cho các cháu.
Giáo viên tại điểm trường Đồng Máy, Trường Mầm non Việt Cường chăm sóc bữa ăn cho các cháu.

Trải lòng về nghề, cô Nguyễn Thị Đoan Trang - giáo viên tại điểm trường Đồng Máy, Trường Mầm non Việt Cường (Trấn Yên) chia sẻ: “Áp lực của chúng tôi đến từ nhiều phía như phụ huynh, ban giám hiệu và ngay từ chính các bé. Cả ngày, vừa phải chịu đựng tiếng ồn của trẻ, vừa phải chăm lo cho các bé hầu như không được ngơi tay, nên có việc gì của trường, của nhà, đều phải tranh thủ làm đêm”.

Thời gian làm việc của GVMN ở trường thường bắt đầu từ 6 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều. Thậm chí, có những hôm còn về muộn hơn nếu phụ huynh đến đón con muộn. Cô Trang cho biết thêm: “Nơi tôi dạy là vùng khó khăn, vì gần 100% các cháu là người Dao. Có lần, không thấy bố mẹ của một cháu đến đón, tôi gọi điện cho phụ huynh thì họ trả lời thản nhiên: "Tôi đang làm đồng chưa về được! Cô giáo chờ tý nhé!". Vậy là phải chờ họ thôi”. Với GVMN, việc đi sớm về muộn là chuyện thường ngày. Đối với những giáo viên trẻ thì không có vấn đề gì, nhưng với người đã lập gia đình, đặc biệt là có con nhỏ thì rất khó để cân bằng giữa công việc và gia đình. Điều này, đôi khi khiến cuộc sống trở nên căng thẳng.

Không chỉ có thời gian làm việc nhiều hơn, mà GVMN còn làm việc luôn chân luôn tay. Cô Hoàng Thị Minh Huyền - giáo viên Trường Mầm non Lê Quý Đôn, thành phố Yên Bái tâm sự: “Đến giờ các bé nghỉ trưa, chúng tôi cùng nhau ăn vội bát cơm rồi tranh thủ dọn dẹp, chuẩn bị đồ chơi, bài giảng cho buổi chiều. Thậm chí, có làm xong hết mọi việc, chúng tôi cũng không dám ngả lưng, bởi phải thức để giám sát các bé, đề phòng bất trắc”. Một trong những áp lực khác của GVMN là tình trạng quá tải số lượng trẻ tính trên 1 giáo viên. Cô Huyền cho biết thêm: “Lớp tôi có 2 giáo viên quản lý 25 bé từ 2 - 3 tuổi. Bình quân mỗi người quản lý 12 bé từ việc ăn uống, ngủ nghỉ đến dạy dỗ, chăm sóc, nhất là những bé biếng ăn, mỗi cô phải kèm 1 bé, rất vất vả”.

Việc quản lý quá nhiều trẻ nhỏ, lại thêm việc soạn giáo án, chăm lo, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi, để ý tới tâm lý từng bé... khiến các cô luôn phải bận bịu suốt cả ngày, nên áp lực về thời gian và trách nhiệm là vô cùng lớn. Không những vậy, nhiều trường hợp khó xử đã xảy ra, chẳng hạn như khi phụ huynh đổ mọi trách nhiệm cho cô giáo khi con cháu mình có biểu hiện bất thường. Một vết xước nhỏ trên người của trẻ, trẻ hơi biếng ăn, cáu kỉnh, hờn dỗi... đều có thể là lý do khiến các cô gặp rắc rối với phụ huynh khó tính.

Với những áp lực đè nặng như thế, phải là người yêu trẻ, yêu nghề lắm thì mới có thể bám trụ được. Cô Phan Thị Vân - giáo viên Trường Mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái cho biết: “Nghề GVMN vừa cực nhọc, thu nhập lại không cao. Nhưng nếu ai cũng vì cuộc sống riêng mà bỏ nghề thì còn ai dạy dỗ trẻ thơ. Nếu biết cách dạy và có tâm với nghề thì mọi khó khăn, trở ngại đều sẽ tan biến. Hàng ngày, được tiếp xúc với sự trong sáng, thơ ngây của các bé, chính là niềm vui và nguồn động lực cho chúng tôi”.

Đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người sáng tạo là mục tiêu của tất cả mọi nền giáo dục trên thế giới. Giáo viên mầm non chính là những người thầy đầu tiên, là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Có thể nói, GVMN là tổng hợp tất cả những chữ "sĩ" ở trên đời. Ví như, là một bác sĩ, bởi những bệnh thường gặp ở trẻ, GVMN là người hiểu và nắm rõ nhất để có cách phòng ngừa và điều trị. Là họa sĩ, vì họ làm nên những đồ dùng học tập, đồ chơi cho bé, vẽ tranh vẽ, xé dán, trang trí lớp sinh động, bắt mắt. GVMN là nghệ sĩ, vì họ hát hay, múa giỏi... Bên cạnh đó, các cô còn là những chuyên gia tâm lý nắm rõ tâm tư của trẻ, từ đó, có phương pháp giáo dục đúng đắn, khoa học.

Đặc thù của nghề GVMN, đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu của một người mẹ. Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô. Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết: kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, dạy chữ… Không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và bảo ban. Xã hội ngày càng phát triển, các bé được nuông chiều nên thường ỷ lại hay quấy khóc, ăn vạ. Những lúc như thế, dỗ dành không được nữa mà phải “dọa”, phải cứng rắn, thậm chí là xử phạt một cách khoa học để trẻ nhận ra lỗi, biết cư xử và hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ bé. Vì thế, tình yêu của cô dành cho trẻ phải là tình yêu sáng suốt, tình yêu có chứa sự dịu dàng và cả sự cứng rắn. Tất cả những việc làm ấy, đều khởi nguồn từ tấm lòng yêu trẻ và tình yêu nghề nghiệp.

 Hoài Anh

Các tin khác
Hội viên NCT xã Báo Đáp trao đổi về nhiệm vụ công tác Hội.

YBĐT - Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, những năm gần đây, Hội Người Cao tuổi (NCT) xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không ngừng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Cán bộ, nhân viên Phòng Xét nghiệm khẳng định HIV - BVĐK khu vực Nghĩa Lộ đang thực hiện công tác xét nghiệm HIV.

YBĐT - Những năm qua, việc điều trị HIV, phòng chống HIV/AIDS tại Yên Bái tuy còn nhiều khó khăn, nhưng điều không thể phủ nhận đó là, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành y tế.

Người dân chờ đến lượt khám bệnh.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ lùi thời gian tăng viện phí, để công tác chuẩn bị được tốt hơn.

Lãnh đạo Sở Y tế ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm tại cơ sở khám chữa bệnh.

Ngày 23/11, Sở Y tế Yên Bái tổ chức mít tinh “Hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc được tổ chức quy mô toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục