Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Người khám bảo hiểm y tế sẽ hưởng lợi

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2015 | 8:11:05 PM

YBĐT - Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ thì kinh phí hoạt động của bệnh viện sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán (đối với người có thẻ BHYT) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ BHYT).

Đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Như vậy, bệnh viện muốn tồn tại thì phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ không ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT nữa. Khi đó, Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện để hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT và đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng…

Tính đúng, tính đủ

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Lan Anh - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Giá dịch vụ y tế được xây dựng trên nguyên tắc, kết cấu, bao gồm những chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh như: thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, chi phí điện, nước, xử lý chất thải, duy tu bảo dưỡng thiết bị y tế. Đối với các chi phí như: tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật, chi phí đào tạo cán bộ y tế, khấu hao tài sản cố định... không đưa vào xây dựng giá. Riêng với một số loại thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế đặc thù có giá trị lớn, từng người bệnh sử dụng khác nhau thì không tính vào mức thu của dịch vụ, kỹ thuật mà thu theo thực tế sử dụng của người bệnh và đã được ghi chú rõ trong khung giá của từng dịch vụ, kỹ thuật”.

Bác sỹ Chuyên khoa II Trần Lan Anh – Phó giám đốc Sở Y tế:


Cuối năm 2015, giá dịch vụ y tế sẽ được tính chung cho các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc. Hiện nay, ngân sách Nhà nước đang chi trả lương cho cán bộ y tế tại các bệnh viện công, việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, từng bước chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho nhân viên, cán bộ y tế mà để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước.

Theo đó, sau một thời gian áp dụng triển khai thực hiện tại 100% các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được ý nghĩa, hiệu quả thực tiễn của việc áp dụng giá dịch vụ y tế mới. Các cơ sở KCB đều tăng cường đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để nâng cấp thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn; các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đồng thời vẫn đảm bảo được sự an toàn quỹ BHYT, số kết dư hàng năm bình quân gần 50 - 70 tỉ đồng.

Bác sỹ Hà Thị Hồng Thúy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cho biết: “Khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bệnh viện đã triển khai kịp thời và theo đúng các quy định của trung ương và của tỉnh về giá KCB, công khai cho nhân dân và người bệnh. Tổng số dịch vụ đã thực hiện là 1.182 dịch vụ, còn 610 dịch vụ chưa thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu KCB của bệnh viện, chúng tôi đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu tư đào tạo cán bộ. Cụ thể, trong thời gian qua, chúng tôi đã nâng cấp phòng bệnh, giường bệnh để bệnh nhân không phải nằm ghép, mở rộng thêm khu vực chờ khám, lắp đặt hệ thống lấy số thứ tự và gọi số tự động, hệ thống giám sát. Hơn thế, chúng tôi rất quan tâm đào tạo cán bộ đã phối hợp bệnh viện tuyến trên nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao: nội soi phế quản, tán sỏi ngược dòng…”.

Thực tế cho thấy, việc tăng giá dịch vụ y tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, người bệnh có thẻ BHYT có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao với chất lượng dịch vụ tốt hơn, tăng độ bao phủ và nguồn thu của Quỹ BHYT do chất lượng dịch vụ tăng lên, quyền lợi của người có thẻ BHYT được đảm bảo, thu hút ngày càng đông người tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân (hiện tỷ lệ người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 85,3%). Hơn nữa, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức hưởng và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT như: người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi không phải chi trả, thân nhân người có công, nâng mức hưởng từ 80 - 95% cho người tham gia BHYT thuộc hộ cận nghèo. Trong khi Nhà nước đã mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng, riêng Yên Bái năm 2015 - 2016 có nguồn hỗ trợ từ Dự án Norred, EU hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ cho người cận nghèo.

Lộ trình tăng giá dịch vụ y tế trên địa bàn toàn quốc áp dụng chung cho các bệnh viện đồng hạng, theo đó, năm nay giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình trước năm 2016 với 1.800 dịch vụ, nhưng hiện nay, một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, tức là chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế với 3 giai đoạn. Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, năm 2015, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Người có thẻ bảo hiểm được lợi

Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ thì bệnh viện sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động nữa. Nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện lúc đó sẽ do Quỹ BHYT thanh toán (đối với người có thẻ BHYT) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ BHYT). Như vậy, bệnh viện muốn tồn tại thì phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ không ký hợp đồng KCB BHYT nữa. Khi đó, Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện để hỗ trợ cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT và đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng.

Từ đây, khuyến khích các bệnh viện vay vốn để đầu tư phát triển thêm cơ sở vật chất, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ sẽ không còn tình trạng một bệnh viện 2 loại giá (giá khám chữa bệnh BHYT và giá khám chữa bệnh dịch vụ). Đặc biệt, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng: người nghèo, đồng bào DTTS, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh đã được bảo hiểm chi trả 100% chi phí.

Đối với người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí mua thẻ BHYT và hiện nay, toàn tỉnh có 40% số hộ cận nghèo có thẻ BHYT. Và để hỗ trợ đối tượng này, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ cho hộ cận nghèo để phấn đấu 100% hộ cận nghèo được tham gia BHYT. Như vậy, khi đi KCB, các đối tượng được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí.

Chị Nguyễn Thị Hoài, ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn chia sẻ: “Cách đây hơn một năm, tôi thấy người suy nhược, yếu hẳn đi nhưng cố gắng làm ăn do nhà neo người nên suýt mất mạng vì bệnh suy thận cấp. May mắn được các bác sỹ của bệnh viện tận tình cứu chữa kịp thời tôi đã trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác. Hiện tại, mỗi tuần tôi phải vào viện chạy thận 3 lần, toàn bộ chi phí được bảo hiểm thanh toán hết. Gia đình xin được cảm ơn chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước”.

Cùng với việc tính đúng, tính đủ giá viện phí lần này, Bộ Y tế đang kỳ vọng 100% người dân sẽ tham gia BHYT. Với mục tiêu đó, sẽ không có sự phân biệt trong quy trình khám, chữa bệnh giữa bệnh nhân khám theo BHYT và các bệnh nhân khác. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm giảm bao cấp, bệnh viện tự chủ về mặt tài chính, đổi mới thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân, có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gắn với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng KCB, ngành y tế Yên Bái quyết tâm thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và của tỉnh trong việc tăng cường năng lực toàn ngành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Trần Minh

Các tin khác
Giáo viên tại điểm trường Đồng Máy, Trường Mầm non Việt Cường chăm sóc bữa ăn cho các cháu.

YBĐT - Nói về áp lực công việc thì ngành nào cũng có áp lực riêng. Nhưng nếu so sánh riêng trong ngành giáo dục, thì giáo viên mầm non (GVMN) phải chịu nhiều áp lực hơn cả. Áp lực, sự vất vả như thế nào, chắc chắn những cha mẹ đã và đang nuôi con nhỏ sẽ là người hiểu rõ nhất.

Hội viên NCT xã Báo Đáp trao đổi về nhiệm vụ công tác Hội.

YBĐT - Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, những năm gần đây, Hội Người Cao tuổi (NCT) xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không ngừng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Cán bộ, nhân viên Phòng Xét nghiệm khẳng định HIV - BVĐK khu vực Nghĩa Lộ đang thực hiện công tác xét nghiệm HIV.

YBĐT - Những năm qua, việc điều trị HIV, phòng chống HIV/AIDS tại Yên Bái tuy còn nhiều khó khăn, nhưng điều không thể phủ nhận đó là, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành y tế.

Người dân chờ đến lượt khám bệnh.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ lùi thời gian tăng viện phí, để công tác chuẩn bị được tốt hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục