Xuất khẩu lao động hướng thoát nghèo bền vững ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 | 9:36:21 AM

YBĐT - Những năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đang là vấn đề được các cấp, ngành ở Yên Bái đặc biệt quan tâm. Đây là động lực để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi chính sách mới về đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi chính sách mới về đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Yên Bái là tỉnh miền núi, song công tác XKLĐ đã được triển khai từ rất sớm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do nhu cầu tuyển dụng lao động của các nước trong khu vực rất lớn, nên công tác XKLĐ được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tập trung nhiều ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB -XH) hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu. Hình thức đưa người đi lao động ở nước ngoài đa phần là qua doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức doanh nghiệp nhận thầu, trúng thầu.

Nhiều đơn vị tuyển dụng có uy tín như: Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex Mex, Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Cavico; Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist Satraco, Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt…

Hiện nay, phần lớn  người lao động của tỉnh sang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Angieri, Malaisia và các nước Trung Đông… Trung bình mỗi năm có từ 800 đến 1.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó 30% là lao động nữ.

Người XKLĐ của Yên Bái, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau, nhưng chiếm số đông vẫn là nghề điện tử, may mặc, cơ khí, xây dựng và lĩnh vực nông nghiệp. Số người XKLĐ chiếm 5% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm của tỉnh.

Bà Nguyễn Thùy Linh - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết: Qua thường xuyên trao đổi thông tin với các công ty tuyển dụng và ban quản lý người lao động Việt Nam ở một số nước, thì đa phần người lao động của tỉnh đã chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động. Bởi vậy, thu nhập hàng tháng gấp 2 đến 3 lần so với lao động trong nước. Một số thị trường: Malaisia, Libia, có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng; Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.

Số lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước, trừ  các khoản chi phí, trung bình gửi về cho gia đình từ 100 triệu đồng đến trên 500 triệu đồng. Số tiền trên, nhiều gia đình đã sửa sang, xây nhà, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá sơ bộ, lượng kiều hối hàng năm của người XKLĐ gửi về tỉnh ước đạt gần 100 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 4.695 người đi XKLĐ. Trong đó, các huyện, thị có số người XKLĐ lớn là: Văn Chấn 1.224 người, Văn Yên 739 người; Trấn Yên 632 người, Yên Bình 587 người…

Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ -TTG của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ”, tỉnh Yên Bái có huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thuộc diện được hưởng lợi từ Đề án. Sau 6 năm triển khai, huyện Trạm Tấu có 180 người XKLĐ và huyện Mù Cang Chải có 98 người. Người XKLĐ tại các huyện nghèo còn được hỗ trợ một phần tiền ăn, ở, đi lại trong 3 tháng học tiếng.

Các ngành chức năng còn giúp người XKLĐ hoàn thiện hồ sơ, cấp lại, cấp mới giấy chứng minh thư nhân dân, xác nhận lý lịch tư pháp và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các thủ tục vay vốn. Đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, những năm gần đây, Yên Bái là tỉnh có tỷ lệ LĐXK vi phạm hợp đồng và quy định về XKLĐ thấp nhất trong các tỉnh trong khu vực.

XKLĐ là một hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề và tăng thu nhập cho người lao động. Bởi thế, để tiếp tục đẩy mạnh XKLĐ, thời gian tới ban chỉ đạo XKLĐ các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn XKLĐ. Với những kinh nghiệm và kỹ năng mới trong môi trường làm việc ở nước ngoài, người XKLĐ sau khi về nước sẽ tiếp tục phát huy để tạo những việc làm mới cho người lao động tại địa phương, góp phần mở hướng thoát nghèo bền vững.

Thạch Phong

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tiến hành kiểm nghiệm các mẫu thuốc tân dược đang bán và sử dụng trên địa bàn tỉnh.

YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay, có rất nhiều mặt hàng thuốc tân dược, đặc biệt là mỹ phẩm và rượu đang bán, các cơ quan chức năng của tỉnh, các địa phương cũng chưa thể kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm được thường xuyên đối với mặt hàng này.

Hộ nghèo thôn 16, xã Lâm Giang được hỗ trợ trâu giống.

YBĐT - Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo huyện Văn Yên giảm từ 34,78% năm 2011 xuống còn 22,04% năm 2014 (bình quân giảm trên 4%/năm). Dự kiến năm 2015, giảm trên 4,5% tỷ lệ hộ nghèo, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

YBĐT - Sau khi dự tiệc cưới của gia đình ông Trần Quốc Tuấn ở thôn 15, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) vào trưa Chủ nhật, ngày 15/11/2015, đến chiều cùng ngày và rạng sáng ngày 16/11/2015, nhiều người có biểu hiện sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra các hoạt động tư pháp tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên.

YBĐT - Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) luôn chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dân sự, công tác tranh tụng tại phiên toà, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục