Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chế Cu Nha: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 10:15:21 AM
YBĐT - Xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải có gần 100% dân tộc Mông và có trên 65% số hộ là hộ nghèo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân nên năm 2015, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chế Cu Nha đã đạt chuẩn quốc gia.
Nhà trường đã áp dụng mô hình VNEN vào chương trình học tập lớp 6.
|
Để đạt được kết quả trên, trong mỗi năm học nhà trường đều đưa ra các giải pháp giảng dạy, học tập và vận dụng sáng kiến của cán bộ, giáo viên, cấp ủy, chính quyền xã để nâng cao hiệu quả sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ từ việc thực hiện chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, học sinh; thực hiện quy chế trong chuyên môn và quản lý học sinh.
Cô Nguyễn Thị Luyến - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo nên nhà trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao. Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện nghiêm túc kế hoạch của Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục của xã; phối hợp với các đoàn thể, trưởng thôn làm tốt công tác điều tra, tổng hợp và huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp”.
Do đó, dù ở địa bàn khó khăn nhưng trường đã thực hiện nghiêm túc các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp dạy và học đã phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tính sáng tạo của học sinh phù hợp với từng môn học, phù hợp với đặc điểm đối tượng học sinh. Cụ thể, năm học 2015 - 2016 nhà trường đã áp dụng mô hình VNEN vào chương trình học tập lớp 6, giúp các em chủ động trong việc học và bước đầu có kết quả khả quan.
Em Mùa Thị Cha, lớp 6A cho biết: “Chúng cháu được học theo mô hình này, cháu rất thích được vì cháu biết nhiều kiến thức hơn qua thảo luận nhóm để phát biểu ý kiến của mình. Nếu cháu còn chưa hiểu bài thì sẽ được cô giảng lại cặn kẽ”. Nhà trường cũng luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Năm học 2015 - 2016, Trường có 26 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thì 100% đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 48%; có 18/19 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Chất lượng giáo dục cũng từng bước khẳng định năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2014 - 2015, Trường có 7 lớp, 220 học sinh, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 95,66%, trong đó, xếp loại học lực khá, giỏi chiếm 38,7%; 100% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS.
Cô Nguyễn Thị Luyến cho biết thêm: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa như: tuyên truyền “ăn chung một tết”; “Ngày hội đến trường”; giáo dục kỹ năng sống; tuyên truyền về an toàn giao thông; phòng chống các tệ nạn xã hội; Ngày hội đọc sách; tích hợp lồng ghép các nội dung giáo dục như: giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... vào các môn văn hoá. Trường còn tổ chức lao động tập thể để hướng dẫn các em trồng rau, nuôi lợn cải thiện bữa ăn, tu sửa chỗ ở và học tập; coi trọng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh bán trú…”.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đã giúp cho chất lượng giáo dục toàn diện của Trường những năm qua từng bước được nâng lên, góp phần đáng kể vào thúc đẩy sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Thông qua các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, năm 2015 thành phố Yên Bái đã có 3.115 lao động được giải quyết việc làm mới và ổn định việc làm, đạt 101% kế hoạch.
Chương trình phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5% trên tổng số trẻ em so với đầu kỳ; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại. 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học.
Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.