Việt Nam đứng gần chót bảng xếp hạng Chất lượng nhân lực châu Á
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 7:59:25 AM
Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.
|
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp-cơ hội và thách thức," do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/12.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Phần lớn người sử dụng lao động cho rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề cụ thể.
Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt là 4,94 và 5,59.
Bên cạnh chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng nhiều bất cập lớn và có nguy cơ ngày càng gia tăng bất cập.
Tính đến quý 2/2015, cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam là 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp.
Mặt khác, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao.
Trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã thỏa thuận 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn.
Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia.
Những hạn chế ở trên đang trở thành gánh nặng, thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp hướng đi phù hợp cho giai đoạn tới để hội nhập sâu vào Cộng đồng ASEAN.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, việc quy hoạch đào tạo theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, nay không còn phù hợp mà phải gắn với nhu cầu nhân lực của xã hội luôn biến động theo quy luật cung-cầu. Nếu đào tạo không tuân thủ quy luật cung-cầu thì hiện tượng vừa thiếu vừa thừa lao động như hiện nay là điều không tránh khỏi. Do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực để đặt hàng cho các cơ sở đào tạo nghề và quy hoạch lại các cơ sở dạy nghề phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội.
Để giải quyết những hạn chế về nhân lực lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020.
Theo tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề, các giải pháp trong Đề án này tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, Đề án này đề cập đến giải pháp triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt; thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.
Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được ASEAN thỏa thuận.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
YBĐT - Với tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, bà con giáo dân Giáo họ Quần Hào, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã chung sức, đồng lòng, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
YBĐT - Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các loại tệ nạn xã hội (TNXH), trong đó có tệ nạn mại dâm (TNMD), những năm qua, Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống TNXH, bảo đảm tình hình an ninh trật tự bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, sâu rộng.
YBĐT - Hoạt động của Hội Luật gia tỉnh đã và đang khẳng định vai trò là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.