Virus nguy hiểm Zika có nguy cơ xâm nhập Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 7/1/2016 | 7:57:56 AM
Ngày 6-1, trước việc một số quốc gia trên thế giới ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh do virus Zika tăng cao, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika.
Tuy nhiên, Việt Nam đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và cũng là muỗi truyền virus Zika. Hơn nữa, tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của virus này. Trong khi đó, hiện nay sự giao lưu đi lại, du lịch, thương mại, lao động giữa người dân các nước với nhau rất lớn nên nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta là không hề nhỏ. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của dịch bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết khi mắc bệnh do virus Zika, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như: đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes và có một số bằng chứng có thể gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục nhưng sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh là 3-12 ngày. Đáng lo ngại khi hiện nay, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. “Do đó diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy/loăng quăng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh Zika...” - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cùng với đó, để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo, những người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Tại các gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong năm 2015 tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil. Mới đây nhất, ngày 31-12-2015, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh do virus Zika tại quần đảo Puerto Rico. Đặc biệt tại Brazil, theo thông báo của Bộ Y tế nước này, tính đến hết năm 2015 đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) so với số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brazil so với các năm trước đó. Trong số các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus Zika. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa virus Zika và chứng não nhỏ.
l Cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), cho biết thời gian qua bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã tăng trên một số địa bàn quận, huyện nhưng công tác phòng chống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sự hợp tác. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng tại các quận, huyện đã tăng cường thanh kiểm tra xử lý những điểm để phát sinh muỗi gây bệnh SXH, kiên quyết xử phạt các cơ sở, công trình có nguy cơ phát sinh muỗi và bùng phát dịch SXH theo đúng quy định. Các đơn vị thanh kiểm tra đã xử phạt tổng cộng 38 điểm có nguy cơ bùng phát lăng quăng, muỗi tại các quận Tân Phú, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức. Những điểm bị xử phạt chủ yếu là các công trình xây dựng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, số tiền xử phạt với mỗi cơ sở gần 2 triệu đồng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, năm 2015, trên toàn địa bàn có 22.576 người mắc SXH phải nhập viện điều trị, trong đó có 7 ca tử vong, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 12-2015, bệnh có chiều hướng gia tăng với 4.379 trường hợp nhập viện (tăng 5%) so với tháng 11. Theo phân tích của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác phòng chống dịch chưa triển khai triệt để, nhiều quận huyện vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, nhiều ổ dịch đang hoành hành, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, bệnh dịch SXH có chiều hướng giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 6/1, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bệnh viện năm 2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và chia tay các cán bộ nghỉ chế độ hưu trí năm 2015.
YBĐT - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái vừa có Văn bản về việc phân luồng phục vụ thi công cầu Khe Dài trên tuyến đường tỉnh 168, đường Lê Lợi (Km 3), thành phố Yên Bái.
YBĐT - Thực hiện Quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975, đã phục viên, xuất ngũ, đến nay, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh Yên Bái đã thực hiện chi trả trợ cấp cho gần 15 nghìn đối tượng với số tiền trên 62 tỷ đồng.
YBĐT - Cứ mỗi chiều thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, tại Nhà Văn hóa thôn Viềng Công, các em ở lứa tuổi tiểu học là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách thôn Viềng Công, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn) đều có mặt tham gia sinh hoạt. Các em chia thành từng nhóm cùng đọc truyện cho nhau nghe.