Nước Ngập hồi sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2016 | 3:31:38 PM

YBĐT - Từ một vùng đất bị vắt kiệt sức sống đến hoang tàn, đổ nát sau “cơn sốt” đá đỏ, bãi Nước Ngập (hay còn gọi là khu vực tự quản Nước Ngập, thuộc tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đã trỗi dậy, hồi sinh mạnh mẽ.

Gia đình ông Hoàng Minh Tuấn thu gần 50 triệu đồng/năm từ vườn cam ở Nước Ngập.
Gia đình ông Hoàng Minh Tuấn thu gần 50 triệu đồng/năm từ vườn cam ở Nước Ngập.

Những cánh rừng, dòng suối bị cày xới, đào lấp ngày nào giờ được vun bón, chăm bẵm, bật lên tươi tốt, mang lại thu nhập cao cho nông dân là minh chứng rõ nhất cho sự hồi sinh này.

Chả ai còn nhớ cái tên Nước Ngập có từ bao giờ, chỉ biết rằng nơi đây là một vùng núi non hiểm trở, có rất nhiều cây cổ thụ, gỗ và động vật quý hiếm như lý, sến và khỉ, nai… Nước Ngập giống như một chiếc võng khổng lồ treo giữa trời, xung quanh được bao kín bởi những dãy núi đá cao, ở giữa là một vùng đất bằng phẳng với nhiều con suối lớn, dòng nước trong xanh chảy quanh năm, trở thành nơi sinh sôi của muôn loài. Thế rồi, vẻ nên thơ, yên bình ở Nước Ngập bị đánh thức, tàn phá bởi cơn sốt đá đỏ.

Cùng với An Phú, Minh Tiến, nơi đây trở thành đại công trường khai thác loại đỏ quý hiếm trong những năm 90 của thế kỷ trước. Hàng trăm, hàng nghìn người đổ xô lên núi kiếm tìm giấc mơ đổi đời. Khu rừng yên bình đã bị đánh thức, bị "tra tấn” bởi những bước chân người. Người làm đá đến đâu thì cây cối bị chặt hạ, đất bị cày xới tan hoang đến đó. Một đồn mười, mười đồn trăm, tin đồn người nọ, người kia trúng đá đỏ bán được trăm triệu đồng lan đi khiến cho dòng người đổ xô lên Nước Ngập mỗi lúc một đông hơn. Hơn chục năm bị cày xới, nguồn đá đỏ cạn kiệt, rừng mất, đất đai kiệt quệ, Nước Ngập trở thành bãi đất hoang tàn.

Thế nhưng, đó đã là chuyện của dĩ vãng, Nước Ngập giờ đây đang hồi sinh mạnh mẽ dưới ý chí, bàn tay lao động của những người từng một thời cày xới mảnh đất này. Để "mục sở thị” sự đổi thay đó, từ trung tâm thị trấn Yên Thế chúng tôi phi xe máy vượt dốc, vượt rừng để vào Nước Ngập.

Đi trên con đường bê tông sạch, đẹp chạy xuyên qua ngọn núi cao với những đoạn dốc thẳng đứng, lởm chởm đá tai mèo, anh bạn tôi (người dân thị trấn) không quên giới thiệu: "Để vào Nước Ngập chỉ có duy nhất con đường này. Trước lên đây phải đi bộ hàng giờ. Nhưng nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, bà con nhân dân đã góp sức, góp của phá đá mở đường, đổ bê tông nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều”.

Chuyện qua, chuyện lại, sau ít phút, Nước Ngập dần hiện ra với những cánh rừng tái sinh vút tầm mắt. Càng vào sâu, chúng tôi lại càng choáng ngợp bởi những vườn cam, vườn quýt vàng rộm đang độ thu hoạch. Tiếng xe, tiếng người, tiếng thương lái thu hoạch quả râm ran cả một vùng. Dừng lại bên 1 vườn cam, chúng tôi lân la hỏi chuyện:

- Cam giá thế nào bác ơi ?

- 20 nghìn đồng/ 1kg. Nhưng tôi chưa bán đâu. Gần tết mới bán. Trả lời tôi là một lão nông chừng ngoài 50 tuổi.

Qua lời giới thiệu, được biết, ông là Phan Văn Hải, nhà ở thị trấn Yên Thế nhưng lên đây khai phá, làm kinh tế từ năm 1999. Đến nay, ông có khoảng 300 gốc cam và nhiều cây trồng khác.

Ông cho biết: "Cam nhà tôi trồng mười mấy năm nay rồi nên chất lượng, năng suất không bằng chỗ khác. Sắp tới tôi sẽ cải tạo, thay thế bằng các loại cam chất lượng hơn. Lần sau các chú lên chắc chắn sẽ có cam ngon mời khách”.

Chia tay ông Hải, tiếp tục tham quan các gia trại, được chia sẻ và trò chuyện với những người nông dân nơi đây, chúng tôi càng hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của những người dám bỏ phố lên rừng để hồi sinh Nước Ngập. Là một trong số những người đầu tiên quay lại Nước Ngập sau "cơn sốt" đá đỏ, đến giờ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhớ như in chuỗi ngày gian khổ ấy.

Đó là năm 1999, vợ chồng ông bà khăn gói quả mướp, tay xách vài cái xoong, cái bát, một số ít vật dụng sinh hoạt rời tổ dân phố 3 lên Nước Ngập. Chẳng còn suy nghĩ tìm kiếm đá đỏ, vợ ông cùng nhiều người khác lên đây với mong muốn phát triển kinh tế, khôi phục lại Nước Ngập.

Ông Dũng nhớ lại: "Lúc đi ai cũng can ngăn, kể cả anh em họ hàng. Họ nói đá đỏ còn chưa làm đổi đời được lên bãi đất hoang đó thì có mà chết rũ xương”. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn quyết tâm lên đây. Dựng được căn lều nhỏ, ông bà bắt tay dọn từng bụi lau, san lấp các hố đá đỏ, tra cây ngô, cây sắn, nuôi thêm con gà, con lợn.

Dưới bàn tay tần tảo chăm sóc của ông bà, ngô, sắn tươi tốt và cho năng suất cao. Có đủ cái ăn, ông bà lại tiếp tục tìm tòi trồng các giống cây ăn quả mở hướng làm giàu. Năm 2014, ông chuyển đổi trên 5 ha sang trồng các giống cam quýt và cây ăn quả có múi cho hiệu quả, năng suất cao. Còn với gia đình ông Hoàng Minh Tuấn, hộ khẩu thường trú tại thôn Làng Già xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, năm nay là tròn 12 năm gia đình ông xa nhà, xa quê lên với Nước Ngập.

Ông Tuấn cho biết: "Những ngày đầu cuộc sống quá khó khăn, phải đi gánh từng xô nước dưới suối. 29 tết, ở dưới quê mọi người đua nhau sắm tết, gia đình tôi vẫn cặm cụi tra ngô vào từng hốc đá cho kịp vụ. Đêm về con khóc quấy, rồi những lúc đèn cạn dầu, giữa núi rừng sâu núi thẳm không ít lần 2 vợ chồng tôi tính bỏ về quê”.

Tiếc công khai phá đất đai, gia đình ông và các hộ dân trên này đã động viên nhau cùng ở lại dốc sức hồi sinh mảnh đất này. "Thấy mọi người trồng được cam, quýt, 2 vợ chồng tôi cũng đã quyết tâm vay mượn vốn để mua giống về trồng, thậm chí bán cả đất dưới quê để mua lại đất trên này canh tác, làm ăn. Ai cũng cho tôi là khùng, vì phố không ở lại bán đất vào rừng để ở” - ông Tuấn tiếp tục câu chuyện. Vậy là, từ hai bàn tay trắng, nay vợ chồng ông đã có trên 400 gốc cam, bình quân thu hoạch mỗi năm được trên 50 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Xuân Trường - cán bộ Địa chính Kinh tế thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, từ vài nóc nhà nay Nước Ngập đã có 34 hộ dừng chân, phát triển kinh tế. Toàn khu có 30 ha rừng, trong đó 20 ha cam, quýt cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà con còn cải tạo những mảnh rừng trống để trồng tre măng, phật thủ vừa để phủ xanh đất trống vừa tăng thu nhập. Hiện nay, diện tích măng Bát độ và măng mai đã lên tới 50 ha, ước tính mỗi năm cho thu khoảng 50 tấn măng tươi, thu nhập trên 2 tỷ đồng. Nhân dân sống đoàn kết, gắn bó, không vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng.

Chia tay Nước Ngập khi những chuyến cam đầu tiên được chất đầy trên những chiếc xe máy êm êm xuống phố, những cơn mưa phùn như mang mùa xuân đến sớm hơn, niềm vui mừng một mùa cam bội thu lan tỏa khắp cánh rừng.

Hùng Cường

Các tin khác
Đoàn viên Công đoàn viên chức tỉnh tích cực tham gia cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Với lợi thế đoàn viên công tác và sinh hoạt tại các cơ quan, đoàn thể của tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) luôn tin tưởng, gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… nên năm 2015, hoạt động và phong trào của Công đoàn viên chức (CĐVC) tỉnh tiếp tục thu được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Các cháu nhỏ đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.

YBĐT - Toàn miền Bắc vừa phải hứng chịu đợt không khí lạnh kỷ lục với nền nhiệt độ trung bình luôn ở mức dưới 10 độ C. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người mắc phải các bệnh về hô hấp, cơ – xương - khớp, huyết áp, tim mạch, hen phế quản... nhập viện gia tăng, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.

Người dân nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

YBĐT - Những ngày này, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mù Cang Chải vui mừng khi được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Công an xã Hồng Ca thường xuyên củng cố hồ sơ để nắm rõ tình hình các đối tượng vi phạm pháp luật.

YBĐT - Là lực lượng giúp việc cho Đảng ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) và an toàn xã hội trên địa bàn, năm qua, Ban Công an xã Hồng Ca (Trấn Yên) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể xây dựng mạng lưới an ninh nông thôn; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho ngành chức năng sớm ngăn chặn các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục