Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phát triển
- Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 9:34:19 AM
YBĐT - Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước và trên địa bàn của tỉnh.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chính sách thuế mới. (Ảnh: Quang Thiều)
|
Với các chính sách của Đảng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang có nhiều cơ hội để phát triển một cách bình đẳng. Ở Yên Bái, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.418 doanh nghiệp và gần 400 hợp tác xã, sử dụng trên 50.000 lao động; nộp ngân sách Nhà nước trên 700 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng thu cân đối ngân sách của tỉnh.
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều năm qua, cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản..., Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định 66).
Sau 8 năm thực hiện Nghị định 66, hoạt động HTPL cho doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh. Ngoài việc quán triệt, triển khai Nghị định 66, tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật thông qua Cổng Thông tin điện tử tỉnh và website của các ngành; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới; tuyên truyền pháp luật trên Báo Yên Bái và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn thực hiện luật cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp cũng đã bước đầu tiếp cận các quy định pháp luật thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức để giải quyết các thủ tục trong quá trình thành lập doanh nghiệp; yêu cầu giải quyết chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc khi có tranh chấp pháp lý phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác HTPL cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn mà nguyên nhân do cả hai phía. Về phía Nhà nước, việc xây dựng và tạo lập khung pháp lý phục vụ công tác HTPL cho doanh nghiệp chưa bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ làm công tác HTPL còn thiếu và yếu, đa số làm việc kiêm nhiệm, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng tư vấn, do đó chất lượng công tác HTPL cho doanh nghiệp chưa cao.
Về phía doanh nghiệp, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đại bộ phận chủ doanh nghiệp chưa đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng áp dụng pháp luật để phòng chống rủi ro trong kinh doanh. Cá biệt, có chủ doanh nghiệp lợi dụng sự chưa hoàn thiện của pháp luật để “lách luật” dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp trong tỉnh về lĩnh vực lao động, thuế, bảo hiểm, môi trường còn khá phổ biến. Đây chính là rào cản vô hình gây khó khăn cho việc triển khai hoạt động HTPL.
Để thực thi có hiệu quả Nghị định 66 và Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020”, ngày 2/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND triển khai công tác HTPL cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Đây là một chủ trương đúng đắn và tích cực của lãnh đạo tỉnh Yên Bái đối với sự phát triển của doanh nghiệp ở địa phương, nhất là trước những thời cơ, vận hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, giai đoạn 2016 - 2020, công tác HTPL cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của chính quyền, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp về ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc thực hiện chính sách HTPL cho doanh nghiệp. Điều đó không chỉ góp phần tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà cả Nhà nước và doanh nghiệp phải coi việc tiếp cận pháp luật và HTPL cho doanh nghiệp là một công việc cấp bách liên quan đến sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp theo, cần khuyến khích và có các cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp tiếp cận pháp luật một cách tự nguyện, chủ động và tích cực.
Đồng thời, cần phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách HTPL cho doanh nghiệp như: bố trí cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc HTPL cho doanh nghiệp; tạo cơ chế phối hợp liên ngành với các cơ quan tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc HTPL cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn của tổ chức xã hội nghề nghiệp cần thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình; nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ, có cơ chế phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội của doanh nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận hoạt động HTPL một cách thuận lợi và hiệu quả.
Lê Bá Hùng (Hội Luật gia tỉnh)
Các tin khác
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hôm qua cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định về tiêm chủng trình Chính phủ ban hành.
Dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2016, người lao động sẽ được nghỉ liên tục 3 ngày và dịp lễ 30-4, 1-5 sẽ nghỉ liên tục bốn ngày.
Đáp ứng nhu cầu của thí sinh, phụ huynh và xã hội về những thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016.
YBĐT - Thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Văn Chấn luôn tích cực triển khai các hoạt động tình nguyện và sinh hoạt tập thể như: giao lưu thể thao, văn nghệ, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo... để mỗi ĐVTN có cơ hội rèn luyện ý thức, phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng.