Để xuất khẩu lao động đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 9:38:12 AM

YBĐT - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tư duy kinh tế... song thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại huyện Trạm Tấu vẫn gặp không ít khó khăn, kết quả đạt thấp so với kế hoạch giao.

Năm 2016, huyện Trạm Tấu xác định cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đồng thời tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp XKLĐ để đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2016, huyện Trạm Tấu xác định cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người lao động, đồng thời tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp XKLĐ để đạt được mục tiêu đề ra.

Thực hiện công tác XKLĐ theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg (Quyết định 71) của Thủ tướng Chính phủ, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường, tuyên truyền triển khai chủ trương, chính sách xung quanh vấn đề XKLĐ, thông báo về các đơn hàng, thủ tục vay vốn, mức ký quỹ, sơ tuyển lao động đi các thị trường như: Malaysia, Ả - rập - xê - út, Hàn Quốc, Nhật Bản...; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XKLĐ cấp xã; tổ chức các hội nghị tư vấn tại cơ sở, tư vấn trực tiếp cho gia đình và người lao động cũng như giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong nước cho lao động trên địa bàn. Năm 2015, có 3 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển lao động trên địa bàn là Cục quản lý lao động ngoài nước, Công ty đào tạo nghề, xuất nhập khẩu lao động Gaet thuộc Bộ Quốc phòng, Công ty SONA.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức trên 20 đợt tư vấn cho trên 1.500 lao động các xã, thị trấn, tổ chức khám sơ tuyển cho người lao động và đưa những lao động đủ điều kiện sức khoẻ về công ty học tiếng, định hướng tham gia thị trường. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm thủ tục vay vốn, ký quỹ cho lao động tham gia thị trường Hàn Quốc.

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu cho biết: “Thời gian qua, Ban chỉ đạo XKLĐ của huyện đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyển chọn lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đến sơ tuyển, khám sức khoẻ, hỗ trợ tiền ăn, đi lại để lao động đi học nghề, học tiếng, giáo dục định hướng tại Hà Nội. Thậm chí người lao động còn được các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ thêm ngoài chế độ của Quyết định 71 cho lao động về huyện làm các thủ tục ban đầu thuận lợi nhưng Trạm Tấu vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai công tác XKLĐ”.

Mặc dù được địa phương quan tâm và đưa vào là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng hàng năm, nhưng năm 2015, Trạm Tấu mới có 10 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, đạt 66,6% kế hoạch giao. Hiện tại còn 35 lao động đang làm thủ tục chờ xuất cảnh sang làm việc tại các nước Trung Đông, Hàn Quốc.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do hiện nay, cả huyện còn trên 40 lao động phải về nước từ năm 2011 do thị trường Lybia biến động chính trị còn nợ vốn ngân hàng. Thị trường Malaysia gặp rất nhiều khó khăn, đã có nhiều lao động của huyện phải về nước trước thời hạn do công việc không đúng với hợp đồng đã ký, chủ sử dụng hết việc làm khiến lao động phải chuyển sang công ty khác, chế độ của người lao động không được đảm bảo...

Còn thị trường Hàn Quốc lại tuyển lao động theo hình thức đơn lẻ, người lao động đã hoàn thiện hồ sơ nhưng lao động vẫn phải chờ đợi, chưa được xuất cảnh. Với thị trường Nhật Bản, Ả - rập - xê - út và một số thị trường khác, các doanh nghiệp mới chỉ có thông báo tuyển lao động và dừng lại ở khâu đăng ký danh sách, không triển khai các bước tiếp theo như sơ tuyển, đào tạo nghề, định hướng...

Về chủ quan, trình độ nhận thức, học vấn của người lao động và gia đình chưa đồng đều, còn hạn chế, người lao động phổ thông không có tay nghề, không biết ngoại ngữ nhưng muốn làm việc ở các thị trường có thu nhập cao với công việc giản đơn trong phân xưởng hay các nhà máy. Một số lao động chưa xác định được động cơ, tư tưởng đi XKLĐ là phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình khiến không ít lao động học định hướng xong rồi bỏ không tham gia XKLĐ. Thậm chí, một số lao động trong thời gian thử việc ở nước ngoài đã không nỗ lực phấn đấu, học hỏi để thích ứng với công việc, dẫn đến hiệu quả công việc đạt thấp khiến chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Một trong những nguyên nhân chính và không thể không nhắc đến trong công tác XKLĐ ở Trạm Tấu là do điều kiện ở xa, đi lại khó khăn, tư tưởng của nhiều gia đình và chính bản thân người lao động chưa thực sự tin tưởng khi XKLĐ. Trong khi đó, thông tin về lao động ở nước ngoài rất ít nên chính quyền địa phương rất khó nắm bắt tình hình để tiếp tục tuyên truyền, vận động cho công tác XKLĐ. Nhiều lao động đã hiểu và đăng ký đi XKLĐ nhưng chính tập quán của người địa phương không muốn cho con đi làm ăn xa một mình, sự ngăn cản của gia đình, bố mẹ, vợ con đã làm nhiều lao động phải từ bỏ ý định đi XKLĐ, chấp nhận ở nhà làm ruộng, làm nương cùng gia đình...

Năm 2016, Trạm Tấu phấn đấu có 15 lao động được xuất khẩu làm việc tại nước ngoài. Để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo XKLĐ huyện tập trung duy trì, đổi mới các hình thức tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình, mở rộng đối tượng tư vấn, tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp XKLĐ tuyển dụng một cách hiệu quả, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình lao động ở nước ngoài, số lao động còn dư nợ tại ngân hàng để cùng công ty XKLĐ giải quyết vốn vay, giải quyết kịp thời những phát sinh từ cơ sở...

Trong quá trình thực hiện Quyết định 71 đã xuất hiện một số vấn đề nảy sinh. Hiện, các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với người lao động, phòng lao động, thương binh và xã hội chỉ có vai trò quản lý ở địa phương nên nếu xuất hiện khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng thì người lao động phải trực tiếp thực hiện. Điều này rất khó, không khả thi với lao động miền núi.

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm: “Từ thực tế tại địa phương, chúng tôi kiến nghị tới các cấp cần quy định rõ trách nhiệm giữa công ty đầu mối XKLĐ với người lao động. Vì doanh nghiệp đã thực hiện các khâu từ đào tạo tay nghề, giáo dục định hướng đến đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... nhưng khi lao động vì một lý do nào đó phải về nước trước thời hạn thì doanh nghiệp không quan tâm, không giải quyết khiến địa phương, gia đình và bản thân người lao động phải gánh chịu. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động một cách kỹ lưỡng, đó là cơ sở để người lao động làm việc với công ty nước ngoài tự tin hơn. Có như vậy, công tác XKLĐ ở Trạm Tấu mới phát huy được mục đích, đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương”.

Thành Trung

Các tin khác
Cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chính sách thuế mới. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước và trên địa bàn của tỉnh.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hôm qua cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định về tiêm chủng trình Chính phủ ban hành.

Dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2016, người lao động sẽ được nghỉ liên tục 3 ngày và dịp lễ 30-4, 1-5 sẽ nghỉ liên tục bốn ngày.

Cuốn

Đáp ứng nhu cầu của thí sinh, phụ huynh và xã hội về những thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục