Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng vì an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 9:41:33 AM

YBĐT - “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP)” năm 2016 tiếp tục thực hiện chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Điểm trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
(Ảnh: Mai Linh)
Điểm trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. (Ảnh: Mai Linh)

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế xung quanh chủ đề này.

P.V: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, ý nghĩa của “Tháng hành động Vì ATTP” năm 2016?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân:  ATTP luôn là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm và chủ đề của “Tháng hành động Vì ATTP” năm nay là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Mục tiêu và ý nghĩa cơ bản của chủ đề Tháng hành động là mong muốn giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay trong ATTP. Đó là: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTP) trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

P.V: Đồng chí có thể cho biết, tại sao “Tháng hành động Vì ATTP” năm 2016 lại tiếp tục có chủ đề như năm trước?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Năm 2015, vấn đề về chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm trong bảo quản rau, quả, thịt  đã được xác định là mấu chốt. Tháng hành động của năm 2015 cũng đã có chủ đề “Tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Những chiến dịch cao điểm được triển khai và đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm ATTP vẫn còn bức xúc nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa triệt để, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc BVTV vẫn còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cần tập trung giải quyết vấn đề ATTP một cách căn cơ, từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc BVTV và phân bón hữu cơ, phân bón khác.

Nhằm tiếp nối các kết quả đã đạt được trong năm 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP Trung ương tiếp tục lựa chọn chủ đề của Tháng hành động Vì ATTP năm 2016 là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

P.V: Thưa đồng chí, trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn trên địa bàn tỉnh Yên Bái có vấn đề gì cần quan tâm?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp; phát triển kinh tế, xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, dân cư sống không tập trung, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa đồng đều; sản xuất rau, quả, thịt trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung, hầu hết không theo quy trình khoa học nên khó kiểm soát nguyên liệu đầu vào và chất lượng đầu ra. Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP, có 2 cơ sở trồng rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Chưa có điểm bán rau sạch được cấp phép.

Mặt khác, người tiêu dùng thường “tiện đâu mua đấy”. Đa số người dân lựa chọn thực phẩm tại chợ bởi tính tiện lợi cũng như đáp ứng được nhu cầu hằng ngày. Chính vì vậy, thực phẩm “bẩn” dễ dàng “lọt” vào giỏ xách của các bà nội trợ. 

Bài toán "mang rau, thịt an toàn đến với người tiêu dùng" sẽ mãi không có được lời giải khi người nông dân và người tiêu thụ sản phẩm chưa tìm được tiếng nói chung về chất lượng cũng như giá cả sản phẩm. Để rau, thịt an toàn có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan trong hỗ trợ người nông dân trồng rau an toàn.

Cùng với đó, rất cần đến ý thức, trách nhiệm của các cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến và sự thông thái của người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm rau an toàn, thịt an toàn.

P.V: “Tháng hành động Vì ATTP” được xác định là điểm nhấn của công tác bảo đảm ATVSTP. Vậy, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung làm gì để giải quyết căn bản vấn đề này?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân: Đúng như vậy, Tháng hành động được xác định là điểm nhấn của công tác bảo đảm ATVSTP, ngành y tế là cơ quan thường trực, tham mưu công tác bảo đảm ATVSTP cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân cùng hành động vì một mục tiêu: thực phẩm an toàn.

Trong Tháng hành động, các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATTP. Tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, trách nhiệm của cả cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn, thịt an toàn, hỗ trợ kinh doanh thịt an toàn và rau an toàn.

Trong Tháng hành động, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được thực hiện ráo riết. Ban chỉ đạo VSATTP các cấp (tỉnh, huyện, xã) được thành lập và triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra.

Tại các huyện, thị xã và thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra bám sát chủ đề của Tháng hành động tại địa phương và thực hiện từ tuyến huyện, thị xã, thành phố đến tuyến xã, phường, thị trấn theo phân cấp; thanh tra, kiểm tra các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chú trọng phát hiện các chất cấm trong chăn nuôi, các hóa chất sử dụng trong nuôi trồng để có biện pháp quản lý và răn đe.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (trích Nghị định số 178/2013/NĐ-CP)

Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm

1. Phạt tiền bằng 80% đến 100% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.

3. Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.
...
5. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm.

6. Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;

c) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong thời gian nhất định quy định trong Nghị định.

Trước vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm đang đặt ra cấp bách cần phải có chế tài đủ mạnh bảo vệ sức khỏe, giống nòi, từ 1/7/2016 vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ cấu thành các tội liên quan tới sức khỏe con người.

Theo đó, Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định về các tội: sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317).

Trong đó quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Riêng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù.

Thành Trung (thực hiện)

Các tin khác
Giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông khu vực cổng chợ phường Đồng Tâm.

YBĐT - Xác định thiết lập kỷ cương trật tự đô thị (TTĐT) là yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị phát triển văn minh bền vững, năm 2016, thành phố Yên Bái lựa chọn chủ đề là “Thiết lập kỷ cương văn minh đô thị (VMĐT), đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút các nguồn lực đầu tư” để thực hiện.

YBĐT - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định từ ngày 1/1/2016, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Gà ngâm trong loại dung dịch “đặc biệt” biến từ màu trắng sang màu vàng bắt mắt.

Phát hiện sử dụng chất cấm trong thực phẩm có thể xử phạt theo Bộ luật hình sự là yêu cầu trong chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra số sản phẩm sai phạm.

Ngày 14/4, qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tại kho hàng của Công ty trách nhiệm hữu hạn gia vị Hưng Thịnh (số 11, ngõ 29, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục